(HNM) - Bản thân các doanh nghiệp hàng không trong nước phải hợp tác để cùng phát triển, tránh tình trạng tự làm suy yếu lẫn nhau.
Ngành Hàng không Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. |
Tiềm năng còn rất lớn
Tại buổi tọa đàm “Nhận diện cơ hội và thách thức trong thị trường vận tải hàng không” mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2013-2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Nếu xét ở tầm nhìn đến năm 2035, thị trường hàng không của Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm 5 thị trường có lượng khách tăng trưởng cao nhất thế giới. Sự phát triển nhanh của thị trường hàng không đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ ngành Du lịch, thương mại và đầu tư.
Trên thực tế, tiềm năng phát triển cho ngành Hàng không Việt Nam còn rất lớn. Thuận lợi về hàng không là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến các nhà đầu tư khi tìm cơ hội tại Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta đã đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2017, khách du lịch vào Việt Nam là 13 triệu người, có đóng góp rất quan trọng của ngành Vận tải hàng không. Hiện Việt Nam có 4 hãng hàng không lớn, có gần 80 đường bay quốc tế, ngoài ra trên 50 hãng quốc tế có đường bay tới nước ta. Các điểm kết nối liên tục được mở rộng và phát triển... Riêng thị trường nội địa, nhu cầu đi lại của 94 triệu dân cũng là một tiềm năng hấp dẫn.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho rằng, chính trị ổn định, sự tăng trưởng kinh tế nhanh và thu nhập đầu người tăng cao chính là những điều kiện để ngành Vận tải hàng không phát triển trong các giai đoạn vừa qua.
Để không phải đối mặt với những hệ lụy
Sự ra đời và phát triển của các hãng hàng không giá rẻ như Jetstar, Vietjet Air đã góp phần mang lại cho nhiều người cơ hội được bay, song các chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về sự tăng trưởng “nóng” trong thời gian qua đã tạo áp lực quá tải về hạ tầng sân bay, bến đỗ, kéo theo đó, ngành Hàng không phải đối diện với tình trạng đe dọa an toàn, an ninh trên các chuyến bay… Trong khi đó, sự gia nhập của các hãng hàng không mô hình mới có thể tạo ra nguy cơ về sự cạnh tranh “phi quy luật”, nhất là khi các quy định pháp luật chưa đủ mạnh để giám sát sự minh bạch thông tin thị trường.
GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ) nêu vấn đề: Cách đây 2 năm, chỉ trong vòng 50 ngày, 3 hãng hàng không ở Châu Âu nối đuôi nhau phá sản mà nguyên nhân chính là một hãng phá giá. Cách đây khoảng 3 năm, một loạt hãng hàng không ở Ấn Độ cũng lâm vào cảnh phá sản do hậu quả của những cuộc đua giá cả. Đối với lĩnh vực hàng không, cạnh tranh phải là kinh doanh có điều kiện. Một trong những điều kiện quan trọng trong ngành này là đặt sinh mạng hành khách lên hàng đầu. Cho nên điều kiện về an toàn bay được quy định trong Luật Hàng không phải được chú trọng đầu tiên. Và phải có điều kiện nào đó trong hạn chế phá giá, Nhà nước cần đưa ra những quy định xem năng lực, điều kiện của các hãng hàng không. Đồng thời đưa ra dự báo thông tin thị trường để có quy hoạch phát triển phù hợp.
“Trong vài năm gần đây, hàng không giá rẻ phá vỡ toàn bộ dự báo quá tải các sân bay, đặc biệt là ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Theo tôi, chính sách hàng không giá rẻ phải là chính sách quốc gia chứ không nên là tự phát. Tôi ủng hộ phát triển hàng không giá rẻ nhưng từ quản lý, tới đầu tư hạ tầng, sân bay… tất cả phải có một chính sách cụ thể, rõ ràng. Bản thân các doanh nghiệp hàng không trong nước phải cùng hợp tác, phát triển, tránh tình trạng tự giết mình, làm yếu mình bởi hệ lụy trước mắt do sự cạnh tranh nhau về giá...”- Tiến sĩ Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: Theo quy hoạch, đến năm 2020, cả nước có 23 cảng hàng không, trong đó có 10 cảng quốc tế, 13 cảng nội địa. Phân bổ ở khu vực miền Bắc có 7 cảng, miền Trung có 7 cảng, miền Nam 9 cảng. Dọc theo chiều dài đất nước, các cảng hàng không như Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất... là những cửa ngõ chính. Đến năm 2030, chúng ta quy hoạch 28 cảng hàng không trên cả nước. Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cam Ranh sẽ là những cửa ngõ lớn của quốc gia. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.