(HNM) -
Chưa có chứng cứ để nhận định đây là chuyện phổ biến, song, người đứng đầu Bộ Nội vụ khẳng định, chất lượng cán bộ phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu, công tác quản lý từng địa phương cũng như sự minh bạch, khách quan của chính cơ quan tuyển dụng. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải xây dựng có chế tài hiệu quả để loại bỏ hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế, việc làm?
Chính sách chưa đụng đến vấn đề khó
Minh chứng chất lượng cán bộ "có vấn đề" gần đây nhất là qua kiểm tra, 40% cán bộ, nhân viên quản lý cảng hàng không, quản lý bay không đạt yêu cầu. Thật nguy hiểm khi lực lượng này đã tham gia công tác chuyên môn trong một thời gian dài, tức là nắm giữ các công việc liên quan đến mạng sống của biết bao người chọn máy bay làm phương tiện đi lại.
Nâng cao chất lượng công chức là việc làm hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Ảnh: Viết Thành |
TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, câu chuyện "ngồi nhầm chỗ" trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp không chỉ diễn ra trong ngành hàng không. Ông còn nghe dư luận nói nhiều đến chuyện tuyển dụng đầu vào dựa trên quan hệ, tiền tệ mà không quan tâm nhiều đến năng lực. Nhưng mấu chốt là tham mưu xử lý không dễ vì trong số này, có người thi đạt loại giỏi nhưng hiệu quả làm việc lại chỉ ở mức trung bình, song do không có tiêu chuẩn đánh giá nên khó sa thải; hoặc có người đã được vào làm việc yên vị, song không chịu học hỏi, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn. Đặc biệt, không có ai "chạy việc" hoặc duyệt đầu vào không khách quan mà lại tự "bêu gương" mình…
Vấn đề TS Lê Hồng Sơn đưa ra không phải mới, tuy nhiên lại rất "nóng" bởi liên quan trực tiếp đến công tác tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ và Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải thực hiện quyết liệt trong năm 2015. Chính trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII gần đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã phải đối diện với nhiều câu hỏi khó về thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ; các giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan TƯ; đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm…
Cần cơ chế đánh giá cán bộ phù hợp
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hệ thống thể chế quản lý công chức, viên chức đến nay cơ bản đã được hoàn thiện. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 về chính sách tinh giản biên chế, hiện đang xây dựng thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện ngay sau khi nghị định có hiệu lực thi hành. Về cơ bản, biên chế công chức trong các cơ quan hành chính năm 2015 giữ ổn định như năm 2014, chỉ thẩm định bổ sung số lượng người làm việc tăng thêm đối với các lĩnh vực như y tế, GD-ĐT. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, quản lý cán bộ, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về trọng dụng và đãi ngộ công chức có tài năng trong hoạt động công vụ; đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2010/NĐ-CP ngày 15-6-2010 của Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, qua khảo sát thực tế và tiếp thu ý kiến người dân, đại biểu Quốc hội; những cơ chế, giải pháp ngăn chặn chảy máu chất xám, nâng cao chất lượng cán bộ cũng đã và đang được hình thành. Tiêu biểu là cơ chế đánh giá cán bộ theo hướng cấp trên đánh giá cấp dưới, sử dụng cán bộ trên cơ sở năng lực. Các giải pháp về miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác với người không đáp ứng nhu cầu công việc cũng được thực hiện.
Song thực tế thì công tác cán bộ đã được phân cấp cụ thể. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, đề ra chế tài chi tiết để tránh tình trạng tuyển dụng ồ ạt rồi mới loay hoay tìm cách loại bỏ. Theo TS Lê Hồng Sơn, chỉ khi có hệ thống quản lý và giám sát "động" mới tránh khỏi hiện tượng "co giãn" chất lượng cán bộ. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần yêu cầu các tỉnh, thành phố xây dựng các bộ đề thi (ngân hàng đề); tiếp đó là phải xây dựng những nguyên tắc lựa chọn, lập đề thi trước mỗi cuộc thi một cách khách quan, tránh tình trạng can thiệp định hướng trước hoặc để lộ đề thi. Việc tổ chức hỏi thi cũng phải tạo lập cơ chế ngẫu nhiên giữa người hỏi thi và thí sinh.
Với nhóm công chức có năng lực trung bình hoặc yếu kém, "sáng cắp ô đi, tối cắp về", yêu cầu đặt ra là xây dựng cho được một hệ tiêu chí xác định, đánh giá cụ thể mỗi vị trí việc làm mới có cơ sở thanh lọc cán bộ. Bằng công cụ này, mỗi tỉnh, thành phố có điều kiện kiểm tra ngược tiêu chuẩn đầu vào cho từng vị trí, công việc cụ thể. Tiếp nữa, đánh giá lại trình độ năng lực của từng cán bộ nhân viên, sau đó mới có giải pháp luân chuyển vị trí, sắp xếp vị trí khác cho phù hợp. Nếu vẫn không đáp ứng yêu cầu công việc, lúc đó bắt buộc phải áp dụng cơ chế thôi việc hoặc chuyển công việc khác.
TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp): Sợ thầy làm giám khảo, đệ tử đi thi Phải khẳng định tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo là một ý tưởng hay, nhưng nếu thiếu chuẩn, thiếu khách quan, công bằng có thể dẫn đến hiện tượng thầy làm giám khảo, trò cưng, đệ tử đi thi để chọn "con ông, cháu cha", dùng hình thức thi tuyển để hợp pháp hóa tiêu cực. Theo tôi như vậy là hết sức nguy hiểm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.