(HNM) - Một thông tin rất đáng chú ý với người dân Hà Nội. Đó là mới đây, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố.
Lộ trình thực hiện rất rõ ràng, với các cột mốc cụ thể: Giai đoạn 1, từ ngày ban hành chỉ thị (30-10-2019) đến ngày 31-12-2019, tổ chức thông báo đến mọi tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm về chủ trương này. Giai đoạn 2, từ ngày ban hành chỉ thị đến ngày 31-12-2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm chuyển đổi từ việc sử dụng than, bếp than tổ ong sang các loại bếp khác an toàn và thân thiện với môi trường hơn. Đồng thời, các cơ quan, địa phương triển khai các giải pháp quản lý và kiểm soát nhằm chấm dứt việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố. Giai đoạn 3, từ ngày 1-1-2021, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử phạt hành chính với các hành vi sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu.
Có thể thấy, đây là một lộ trình tất yếu, phù hợp, là thông tin vui với đại đa số người dân Thủ đô dù rằng ở góc độ nào đó, lộ trình này ít nhiều tác động tới một số người sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt hằng ngày hay phục vụ kinh doanh cũng như làm nghề sản xuất than tổ ong.
Có thể gọi đây là lộ trình xanh!
Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội đã quyết nghị nhiều chỉ tiêu về bảo vệ môi trường nhằm từng bước xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Để cụ thể hóa, ngày 31-5-2017, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo". Trong đó, cải thiện chất lượng không khí nói riêng, môi trường nói chung là một chỉ tiêu quan trọng.
Ngày 3-7-2017, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND về việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-TU của Thành ủy. Kế hoạch nhấn mạnh - "Phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các nguồn phát sinh và kiểm soát các nguồn khí thải gây ô nhiễm; cải thiện chất lượng môi trường không khí" là một trong số 12 nội dung quan trọng cần được tập trung thực hiện. Đồng thời nhấn mạnh phải có biện pháp và lộ trình loại bỏ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong kinh doanh trong sinh hoạt cũng như việc đốt rơm rạ tại ruộng.
Thực hiện các chỉ đạo này, hơn 2 năm qua thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhằm từng bước cải thiện công tác bảo vệ môi trường nói chung, nâng cao chất lượng không khí nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, còn không ít trở ngại phải tháo gỡ. Trong đó, thói quen sử dụng bếp than tổ ong là một chướng ngại: Dù cơ quan chức năng đã triển khai, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thì số bếp than tổ ong mới giảm 30% so với năm 2017!
Không khó để nhận thấy những mặt trái của thói quen sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt ở hộ gia đình, trong hoạt động kinh doanh dịch vụ như cửa hàng ăn uống, bán nước… Người dân có thể dễ dàng bắt gặp bếp than tổ ong đỏ lửa, nghi ngút khói ở bất cứ đâu: Góc phố, chân cột điện, chân cầu thang khu tập thể, sân chung cư… Nhếch nhác, ảnh hưởng đến mỹ quan, văn minh đô thị là một chuyện, bếp than tổ ong còn là nguồn xả thải khí độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Cũng không chỉ ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe như “kẻ giết người thầm lặng”, trong không ít vụ việc, bếp than tổ ong là thủ phạm trực tiếp của không ít cái chết thương tâm do ngạt khí (từ bếp), do hỏa hoạn...
Có hai vấn đề mấu chốt khiến thói quen sử dụng bếp than tổ ong “khó bỏ”. Đó là: Trước hết, nhận thức của người dân, của cộng đồng về tác hại, nguy cơ từ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu hoặc hạn chế, hoặc đơn giản. Thứ hai là, chi phí sử dụng thấp, phù hợp với những gia đình còn khó khăn, nhất là ở khu vực đô thị, vốn khó tìm kiếm nguồn nhiên liệu nào cho đun nấu rẻ hơn như củi, lá… vốn phổ biến ở khu vực nông thôn.
Với Chỉ thị số 15/CT-UBND, một "lộ trình xanh" cụ thể được đặt ra nhằm hóa giải những bất cập trong thực tiễn, cũng là một quyết tâm hành động mạnh mẽ để nghị quyết của Đảng thật sự phát huy hiệu quả trong đời sống.
Lộ trình xanh nhằm làm cho chất lượng không khí được trong lành hơn, qua đó cải thiện chất lượng sống cho mọi người dân Thủ đô, vì một Thủ đô ngày càng xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Lộ trình xanh không chỉ đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực của cơ quan hữu quan, địa phương mà yếu tố hết sức quan trọng là sự tham gia của cộng đồng, sự ủng hộ của ngay đối tượng chịu tác động một cách trực tiếp như đề cập ở trên. Điều cần nói ở đây là không chỉ rõ ràng về thời gian, giải pháp, mục tiêu, quá trình thực hiện lộ trình xanh của thành phố còn đã và sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh than tổ ong, các hộ gia đình nghèo sử dụng than tổ ong…
Lộ trình đó chính là sự nỗ lực cho một Thủ đô xanh, cuộc sống xanh một cách bền vững!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.