(HNM) - Ngày 7-9, đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung thứ nhất đã kết thúc với ghi nhận chung là phần lớn thí sinh đã rút kinh nghiệm từ đợt xét tuyển nguyện vọng 1 để chủ động và bình tĩnh hơn khi nộp hồ sơ đăng ký. Trong khi đó, các trường có nỗi lo khác so với đợt xét tuyển lần trước là thí sinh ảo.
Trường nhóm giữa không thiếu thí sinh
Mặc dù chưa có số liệu tổng kết chính thức từ Bộ GD-ĐT song thống kê sơ bộ từ các trường cho thấy, một số trường công lập đã tuyển đủ chỉ tiêu trong khi nhiều trường ngoài công lập phải mở các đợt tiếp theo nếu muốn tuyển đủ thí sinh. Tuy nhiên, nếu như ở đợt xét tuyển lần trước, hồ sơ ảo không phải là điều cần lo ngại thì đợt này, số hồ sơ thu nhận được vẫn chưa bảo đảm chắc chắn bởi thí sinh được nộp hồ sơ vào 3 trường khác nhau, mỗi trường 4 ngành. Ngoài ra, một số trường còn xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Theo thống kê, có hơn 200 trường có thêm phương án xét tuyển bằng học bạ nên các trường đều cho rằng lượng hồ sơ ảo sẽ rất lớn. Chưa kể, có tới 65% số thí sinh đã trúng tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 nên nguồn thí sinh cho đợt xét tuyển bổ sung không còn nhiều.
Thí sinh đến làm thủ tục nộp hồ sơ nguyện vọng 2 tại Trường Đại học dân lập Phương Đông. |
Ở đợt này, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội chỉ xét thêm 120 chỉ tiêu. Đến cuối ngày 7-9, ông Đỗ Hồng Cường, Trưởng phòng Đào tạo cho biết trường đã tiếp nhận 118 hồ sơ song chưa thể nói chắc chắn là sẽ tuyển được hết số thí sinh này (vì lo hồ sơ ảo). Hai ngành mà trường có khả năng phải tiếp tục tuyển ở đợt sau là Công nghệ môi trường và Công nghệ thông tin. Những trường công lập khác cũng đã thu được số hồ sơ xấp xỉ hoặc vượt chỉ tiêu tuyển sinh là: Trường ĐH Mỏ - Địa chất - tiếp nhận gần 2.000 hồ sơ trên 1.450 chỉ tiêu; Trường ĐH Điện lực - nhận được hơn 1.000 hồ sơ/900 chỉ tiêu; Học viện Thanh thiếu niên, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cũng đã nhận đủ hồ sơ cho chỉ tiêu của trường.
Có thể chỉ 1/3 nhập học
Mặc dù được nhiều thí sinh lựa chọn hơn song vẫn còn nhiều trường công lập đang chật vật để tuyển đủ thí sinh, nhất là những trường thuộc ngành khó tuyển. Trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội mới nhận được một nửa số hồ sơ cho 750 chỉ tiêu xét bổ sung. Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang mới nhận được khoảng 1/10 trong tổng số trên 800 chỉ tiêu của đợt này. Trường ĐH Lâm nghiệp mới nhận được 800 hồ sơ trong hơn 1.000 chỉ tiêu. Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính ngân hàng Hà Nội Phạm Ngọc Ánh và Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Nguyễn Văn Tuấn, đều đưa ra nhận định: Trong số ít ỏi hồ sơ nhận được, thí sinh nhập học có thể chỉ đạt 1/3.
Trong số các trường ngoài công lập, Trường ĐH Thăng Long có tình hình khả quan nhất với số hồ sơ nhận được xấp xỉ 900 chỉ tiêu bổ sung. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết mới nhận được trên 1.000 hồ sơ và sẽ còn khoảng 3.000 chỉ tiêu để tiếp tục xét tuyển. Trường ĐH Nguyễn Trãi cũng cho biết còn khoảng 300 chỉ tiêu trên tổng số 800 chỉ tiêu. Trường này cho biết sẽ liên tục nhận hồ sơ cho các đợt xét tuyển từ nay đến khi đủ chỉ tiêu hoặc tới khi kết thúc thời hạn xét tuyển quy định của Bộ vào cuối tháng 10.
Như vậy, tình trạng thí sinh ảo ở đợt xét tuyển bổ sung vẫn là mối lo của cả các trường công lập và ngoài công lập. Để chuẩn bị cho tình huống này, các trường đều cho biết sẽ tuyển dư khoảng 10% theo quy định mà Bộ GD-ĐT cho phép, bên cạnh đó tiếp tục quảng bá, phổ biến thông tin tới thí sinh để xét tuyển cho các đợt sắp tới. Tuy nhiên, ngoài vấn đề thí sinh ảo, việc thiếu nguồn thí sinh mới là mối lo dài hơi, báo hiệu những khó khăn lớn trong tương lai của các trường nhóm dưới cũng như các trường ngoài công lập.
Các trường công bố kết quả xét tuyển bổ sung đợt 1 trước ngày 10-9. Đợt bổ sung thứ 2, các trường nhận đăng ký từ ngày 11 đến 21-9, công bố kết quả trước ngày 24-9. Đợt xét tuyển bổ sung thứ 4, các trường nhận đăng ký từ ngày 25-9 đến ngày 15-10, công bố kết quả trước ngày 19-10. Tuyển sinh ĐH kết thúc ngày 20-10. Từ ngày 20-10, các trường CĐ chưa tuyển đủ chỉ tiêu công bố thời gian nhận đăng ký xét tuyển và công bố kết quả trước ngày 20-11. Tuyển sinh CĐ kết thúc vào ngày 21-11. Theo quy chế, sau khi đã đăng ký vào trường trong các đợt bổ sung, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.