Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Lò thi đại học" và giấc mơ đổi đời ở Trung Quốc

Theo BBC| 29/06/2015 17:12

Suốt năm qua, chàng trai 18 tuổi Trương Hạo đã phải học tới 12 giờ một ngày. Cậu mất ít nhất là 9 giờ trong lớp để làm bài tập và sau đó lại tiếp tục ôn luyện ở nhà. Cha mẹ Trương cũng lo lắng vì có những hôm cậu phải học tới 17 giờ.

Trương đang chuẩn bị dự kỳ thi quốc gia tuyển sinh đại học hàng năm ở Trung Quốc, gọi là 'Gaokao' - Cao Khảo. Được coi là khó nhất thế giới, kỳ thi là cánh cửa vào đại học duy nhất của thanh niên Trung Quốc.

Kỳ thi kéo dài ba ngày, kết thúc vào hôm 9/6, đã khiến 9 triệu học sinh ở Trung Quốc như Trương mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm - ôn luyện chuẩn bị.

Kỳ thi đại học ở Trung Quốc kéo dài trong ba ngày căng thẳng.


Ở Cáp Nhĩ Tân, một thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang ở đông bắc Trung Quốc, gia đình Trương đã thuê một phòng trọ gần điểm thi và đưa cậu đi thi.

Ba năm trước, Trương vào được một trường trung học có tiếng, nơi “ra lò” các học sinh đạt điểm cao nhất và vì thế cả nhà cậu đã chuyển từ ngôi làng nhỏ lên thành phố thủ phủ của tỉnh.

"Chúng tôi chỉ là một phần trong đội ngũ phụ huynh đông đảo đi theo con cái," bà Ngô Anh Cửu, mẹ của Trương, một công nhân 45 tuổi nói.

Họ phải vay mượn họ hàng để có tiền thuê một căn hộ gần trường. Bà Ngô cũng phải bỏ hai công việc đang làm để đi theo phục vụ con trai học thi. Đã hơn một năm họ chưa về thăm quê.

 Vào đại học là khát vọng đổi đời của người Trung Quốc. Kết quả kỳ thi ba ngày này sẽ quyết định việc liệu Trương sẽ được vào trường đại học nào. Gia đình Trương tin rằng đó là cách tốt nhất để đổi đời cho cả nhà. Nếu vào được một trường đại học tên tuổi, cậu sẽ có cơ hội gia nhập vào tầng lớp trung lưu mới nổi ở đất nước này.

Không thể kiếm được việc làm?

Nhưng giá trị đích thực của kỳ thi này và của bản thân hệ thống giáo dục Trung Quốc lại gây tranh cãi gay gắt.

Những người chỉ trích thì cho rằng kiểu học vẹt và áp lực phải đạt thành tích cao đè nặng lên vai sinh viên, cản trở sức sáng tạo và khả năng tư duy tìm giải pháp. Chuyện này cũng khiến các sinh chẳng còn mấy thời gian dành cho phát triển các kỹ năng thực tế cần thiết để được tuyển dụng.

Không chỉ các 'sĩ tử' mà cả phụ huynh cũng dốc sức cho kỳ thi đại học khét tiếng là khó khăn


Năm 1999, Trung Quốc đã mở rộng số lượng sinh viên được tuyển vào đại học. Kể từ đó, lượng cử nhân tại Trung Quốc đã tăng gấp bảy lần, đạt đến con số hơn 7 triệu – cũng là số người tốt nghiệp đại học nhiều nhất trên thế giới.

Tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhóm sinh viên đã tốt nghiệp đang là mối quan ngại ngày càng tăng của chính phủ. Theo thống kê chính thức, trong 2013 có chưa tới 30% sinh viên sau khi ra trường tìm được việc làm theo đúng ngành nghề theo học. Điều này làm dấy lên mối quan ngại rằng nhiều cử nhân khi bước chân vào đời đã không có trong tay các kỹ năng phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động.

"Tôi nghĩ rằng có một khoảng cách giữa yêu cầu của công ty chúng tôi và những gì sinh viên được trang bị trong nhà trường," Brian Trương, nhà tuyển dụng từ một công ty ở Bắc Kinh có mạng lưới kinh doanh quốc tế nói.

"Ưu điểm của hệ thống giáo dục Trung Quốc là sinh viên làm việc rất chăm chỉ. Họ rất thông minh và có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, nhưng lại không có thời gian để phát triển các kỹ năng khác."

Việc chú tâm vào điểm số khiến sinh viên không thể phát triển các kỹ năng mềm cần thiết cho tương lai, ông Trương nói thêm. Sinh viên Trung Quốc sau khi ra trường thường bị phàn nàn là non yếu trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xử lý tình huống.

"Ngày nay, một công ty nước ngoài ở Trung Quốc có thể dễ dàng tuyển được một nhân viên tập sự. Nhưng nhân viên tập sự đó sẽ ra sao sau 10 năm nữa? Thường là họ sẽ không còn làm ở đó nữa. Họ không đủ kỹ năng để lên được vị trí phó giám đốc," ông Trương nói.

Năm ngoái, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây tranh cãi khi tuyên bố tuy là một quốc gia có đông cử nhân, nhưng điều Trung Quốc cần làm là phải chú trọng phát triển sáng tạo.

Nhận xét đó cũng phản ánh cách đánh giá của một số công ty nước ngoài trong vấn đề tuyển dụng nhân tài ở Trung Quốc. Nhiều công ty nói hệ thống giáo dục của Trung Quốc quá cứng nhắc.

Để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, các 'sĩ tử' đã phải ôn luyện từ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trước


Tuy nhiên, một số người khác cho rằng nếu nói các sinh viên Trung Quốc mới ra trường thiếu tính sáng tạo thì đó là cách nghĩ hời hợt, khuôn sáo.

“Tôi nghĩ là họ cứ nói quá lên thế cho sướng miệng thôi,” Quách Di Quảng (Kaiser Kuo), một lãnh đạo cao cấp của Baidu, hãng dịch vụ tìm kiếm trực tuyến khổng lồ ở Trung Quốc nói. Công ty này liên kết với các trường đại học để tìm người, tuyển chọn được những ứng viên phù hợp nhất từ trước khi sinh viên ra trường.

Trung Quốc hiện đang sở hữu một số các công ty Internet phát triển nhanh nhất thế giới và có 'Thung lũng Silicon' riêng, nằm ở phía bắc của thủ đô Bắc Kinh, khu Trung Quan Thôn (Zhongguancun). Một số người cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng đó chỉ có thể đạt được nhờ vào nền giáo dục mang tính cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc.

"Là một công ty công nghệ, đương nhiên tính sáng tạo là điều sống còn đối với chúng tôi," ông Quách nói. "Việc tìm kiếm nhân tài là nhiệm vụ then chốt để chúng tôi có thể duy trì sức sáng tạo trong công ty."

Ở Trung Quốc, mọi người có tâm lý chung coi kỳ thi đại học như một “nghi lễ trưởng thành” cho thanh niên – quá trình luyện thi sẽ tôi luyện tính kỷ luật, tinh thần làm việc quyết liệt và cả sức bền chịu đựng ở mỗi sinh viên.

Tống Diên Đông là giáo viên dạy môn hóa, cho hay: "Đúng là Cao Khảo đã gây ra nhiều áp lực đối với học sinh. Nhưng tôi nghĩ rằng dùng từ "vật lộn" có lẽ không phù hợp. Các học sinh đều đang theo đuổi giấc mơ của mình."

"Nhiều lúc chúng tôi nghĩ rằng nếu không trải qua những điều đó, các em sẽ bỏ lỡ cơ hội trau dồi bản thân. Thế nên chúng tôi mới nói với học sinh rằng Cao Khảo là một phần trong cuộc đời người Trung Quốc," ông nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Lò thi đại học" và giấc mơ đổi đời ở Trung Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.