Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lộ rõ “thói xấu” khi xử lý rác thải y tế

Hà Minh Lê| 14/07/2014 14:08

(HNMO) - Xử lý rác thải y tế bằng lò Chuwastar của Nhật cần phải tuân thủ quy trình chặt chẽ của nhà sản xuất. Có vậy việc xử lý mới triệt để không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.

Lò đốt rác thải y tế đang vận hành.



Những ngày cuối tháng 6/2014 vừa qua bỗng rộ thông tin phản ánh về cách quản lý, xử lý rác thải y tế gây ô nhiễm tại một số bệnh viện thuộc các huyện như Quốc Oai, Thạch Thất, Mê Linh (TP Hà Nội). Thông tin cho hay các lò xử lý rác thải tại các bệnh viện huyện này khi đốt có nhiều khói đen, gây mùi ô nhiễm môi trường. Lập tức, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra đồng thời gửi công văn yêu cầu thủ trưởng các cơ sở y tế tăng cường việc thực hiện công tác quản lý chất thải y tế theo quy định.

Việc phân loại, quản lý các loại chất thải y tế đã được Bộ Y tế quy định theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT. Quyết định chỉ rõ các loại chất thải y tế, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế về quản lý, xử lý rác thải... Tuy đã có quy định như vậy nhưng cách quản lý và xử lý rác thái ở một số nơi vẫn khiến nhiều người chưa thật sự yên tâm.

Ông Đỗ Minh Trí- Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức:
Lò Nhật Bản hiện có công suất 20-25kg/giờ, lò sử dụng tốt và đảm bảo vệ sinh. Kỹ thuật này không phức tạp nếu phân loại rác tốt thì rất thuận tiện khi đốt lò. Chúng tôi chưa nhận được ý kiến nào của người dân phản ánh về tình trạng có mùi và khói khi đốt lò.

Thực tế 6 tháng đầu năm 2014, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cùng Thanh tra Bộ TN-MT và Sở TN-MT của các tỉnh, thành phố đã phát hiện, xử lý hành chính hơn 60 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế. Thậm chí, nhiều người dân còn cho hay rác thải y tế còn được đưa từ các tỉnh, thành khác nhập về các làng làm nghề thu gom phế liệu quanh Hà Nội. Đó là chưa kể nhiều người hành nghề gom phế liệu đã móc nối mua rác từ các bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện C (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), Bệnh viện Bạch Mai... Theo khảo sát của Sở Y tế Hà Nội, cả năm 2013 lượng rác thải rắn y tế thu gom từ các cơ sở y tế vào khoảng gần 3.000 tấn chất thải thông thường và trên 548 tấn chất thải y tế nguy hại. Để xử lý lượng rác thải y tế đó Hà Nội đã phải đầu tư xây dựng nhiều lò đốt rác thải y tế với công suất từ hàng trăm kg đến hàng chục tấn/ngày.

Qua kiểm tra thực tế của các đơn vị liên quan, sự thật thông tin trên đã được làm rõ ngay tại lò đốt của các bệnh viện này. Ngày 8/7/2014, tại Bệnh viện đa khoa Thạch Thất (Hà Nội), trước các thành viên của đoàn kiểm tra cùng các nhà báo, bác sỹ Vũ Bá Sơn, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Hiện Bệnh viện đã sử dụng loại lò đốt Chuwastar F-1SH của Nhật bản lắp đặt từ cuối năm 2011. Tuy một số vấn đề như bơm phun vòi nước đôi lúc trục trặc nhưng các nhà cung cấp đã khắc phục nên thiết bị đến nay vận hành vẫn tốt, đảm bảo yêu cầu chất lượng. Nhân viên kỹ thuật đốt rác của bệnh viện cho biết thêm: “Công nghệ đốt của lò Chuwastar triệt để hơn lò cũ, rác thủy tinh, kim tiêm, chất thải rắn, nhau thai, tế bào máu hay các chất thải y tế khác cùng đều được đốt triệt để, an toàn”.

Đỗ Văn Vy, Giám đốc Bệnh viện đã khoa huyện Quốc Oai: Về phía bệnh viện, chúng tôi cần phải giám sát để phân phân loại rác thải cho đúng quy định, khi đốt nếu khói lên và mùi là do chúng ta vận hành. Nếu đốt cháy nỏ rồi thì mới cho những thứ đó vào và phải cho từ từ thì không có vấn đề gì. Đủ nhiệt độ sẽ khói trắng và không có mùi. Bệnh viện chỉ có một người chuyên trách làm việc này cũng rất khó”.



Riêng tại Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai (điểm nóng của nguồn tin), khi nhân viên kỹ thuật của bệnh viện đưa chất thải vào lò không đúng quy trình kỹ thuật, phân loại rác thì sai quy định ngay lập tức lò đốt có hiện tượng mùi và khói. Nhưng cùng loại rác đó, đoàn đã yêu cầu thực hiện đốt đúng quy trình, phân loại rác theo quy định như nhân viên kỹ thuật của hãng chỉ dẫn thì máy vận hành trơn tru, không có hiện tượng khói và mùi bốc lên. Cũng lò đốt tương tự như vậy, tại Bệnh viện Mê Linh, khi nhân viên kỹ thuật thực hiện đúng quy trình đồng thời rác thải đã phân loại đúng theo quy định thì kết quả việc đốt xử lý rác rất tốt, lò không có khói như sử dụng lò của Hàn quốc trước đây. Nhiều người có chung nhận xét rằng “Đốt bằng lò Chuwastar khỏe, an toàn hơn cho người sử dụng, hệ thống cảnh báo của thiết bị rất thông minh, rác thải được đốt hết”.

Việc kiểm tra giám sát thực tế đã cho thấy rõ nguyên nhân của mùi, khói ở các lò đốt rác thải là do phân loại rác thải không đúng quy định, nhân viên vận hành đốt lò sai quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh vừa là nơi cứu người nhưng cũng vừa là nơi thải ra những chất làm ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Do đó tại các nơi này việc xử lý rác thải cần phải được tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ. Để đảm bảo việc xử lý rác thải y tế đúng yêu cầu ngoài việc ứng dụng công nghệ xử lý tốt thì các cấp quản lý cần phải kiểm tra cả việc tuân thủ quy trình vận hành thiết bị. Nếu không làm đúng quy trình phân rác thải, quy trình đốt thì kết quả lò đốt hoạt động không đảm bảo yêu cầu. Nhận được những thông tin phản ánh về các vi phạm trong xử lý rác thải từ người dân, từ cơ sở bệnh viện thì các cấp quản lý cần nhanh chóng xác minh đề đưa ra cách giải quyết.

Mặt khác, ngành y tế cũng cần có các tổng kết khoa học, khách quan về chất lượng, điểm mạnh yếu của công nghệ xử lý rác thải, đánh giá xem đã có sự hài hòa phù hợp giữa điều kiện kinh tế và kỹ thuật chưa? Chú ý rằng công nghệ xử lý rác thải y tế trên thế giới hiện đang theo xu hướng gần gũi hơn với môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lộ rõ “thói xấu” khi xử lý rác thải y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.