(HNM) - TP Hồ Chí Minh đã bước vào mùa khô, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng thời gian gần đây trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ đã cho thấy nhiều hạn chế trong công tác PCCC.
Lực lượng PCCC TP thường đến hiện trường khi các vụ cháy đã lan rộng và khó cứu chữa. |
Hàng loạt các vụ cháy nổ lớn ở các KCN-KCX trên địa bàn thành phố thời gian gần đây đã cảnh báo về việc PCCC tại DN sản xuất kinh doanh. Điển hình, vào tối 6-12, đã xảy ra đám cháy tại khu nhà xưởng Công ty TNHH sản xuất, thương mại Vân Long (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), thiêu rụi hoàn toàn nhà xưởng rộng khoảng 200m2 cùng thiết bị máy móc. Trước đó, ngày 28-11, kho hàng diện tích gần 3.000m2 cùng hàng trăm tấn hóa chất, sữa bột và hàng hóa tổng hợp của Trung tâm Tiếp Vận Xanh (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) cũng bị thiêu rụi hoàn toàn, thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn vào khoảng giữa năm 2012, vụ cháy nổ tại Công ty Dược phẩm S.P.M (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân), đã làm các mảng tường sụp đổ đè lên nhiều công nhân khiến anh Ngô Út (quê Thừa Thiên Huế) tử vong, 3 công nhân khác rơi vào tình trạng nguy kịch.
Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, thành phố hiện có 15 KCX-KCN, với tổng diện tích khoảng 2.174ha và gần 269 nghìn lao động đang làm việc tại đây. Từ đầu năm đến nay, trong địa bàn của Hepza đã xảy ra 32 vụ cháy nổ (tăng 11 vụ so với năm 2011). Có vụ cháy gây thiệt hại cả người và của gây xôn xao dư luận là vụ tại Công ty cổ phần Dược phẩm S.P.M (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân) làm 1 người chết, 7 người bị thương…
Theo Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, các vụ cháy tại KCX-KCN đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác PCCC. Đơn cử, khi cháy nổ vào ban đêm, công tác PCCC gặp rất khó khăn, đặc biệt là thời gian để huy động lực lượng đến chữa cháy thường kéo dài ít nhất vài chục phút bởi thời điểm đó chỉ có nhân viên bảo vệ thường trực nên việc phát hiện cháy và báo cháy chậm. Có hơn 80% số vụ cháy lớn vừa qua kéo dài cháy tự do trên 10 phút. Do vậy, khi lực lượng PCCC đến hiện trường, đám cháy đã lan rộng, việc cứu chữa bị hạn chế nhiều. Thậm chí có nhiều vụ khi đám cháy xảy ra dù lực lượng tại chỗ phát hiện sớm nhưng vẫn bị thiêu rụi hoàn toàn bởi không báo cháy mà tự ý tổ chức dập lửa, đến khi không thể cáng đáng nổi mới báo cho lực lượng PCCC.
Công tác đào tạo, huấn luyện về PCCC cho lực lượng tại chỗ trong những năm qua vẫn hầu như "bỏ ngỏ" khiến mỗi khi xảy cháy, việc cứu chữa rất lúng túng. Đặc biệt tại các xưởng sản xuất không có các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan trong khi khối vật tư, hàng hóa dễ cháy bố trí vượt quá công năng sử dụng so với thiết kế ban đầu. Thậm chí, một số cơ sở còn tự ý thay đổi thiết kế, cơi nới mở rộng diện tích mà không báo cho lực lượng PCCC. Một vấn đề đáng lo ngại nữa là tại các KCX-KCN trên địa bàn, nguồn nước tích trữ mỗi khi xảy ra hỏa hoạn thiếu trầm trọng. Hiện ngoài KCN Tân Thuận (quận 7) được trang bị đội xe cứu hỏa riêng biệt (nguồn vốn tự đầu tư), các KCX-KCN còn lại vẫn chưa có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.