(HNM) - Trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á ngày một leo thang, sự kiện Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục 5.260 tỷ yên (tương đương 48,12 tỷ USD) trong năm tài khóa tiếp theo đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong năm tài khóa 2018, bộ này dự kiến tăng 2,5% chi tiêu cho quốc phòng, cao hơn dự đoán trước đó. Một phần của kế hoạch này được sử dụng để mua tên lửa SM-3 Block IIA, là tên lửa được thiết kế mang đầu đạn hạt nhân, nhằm trang bị cho các tàu khu trục của Nhật Bản. Ngoài ra, các khoản chi tiêu khác trong ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, bao gồm 88,1 tỷ yên dành mua 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, 70 tỷ yên dành mua một tàu ngầm mới và 100 tỷ yên dành cho 2 tàu chiến loại nhỏ, nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng Hải quân Nhật Bản ở khu vực biển Hoa Đông.
Nhật Bản dự kiến tăng ngân sách quốc phòng năm thứ 6 liên tiếp. |
Kế hoạch trên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh mối đe dọa từ chương trình phát triển tên lửa hạt nhân của Triều Tiên đang leo thang, trong khi những căng thẳng tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông vẫn chưa có chiều hướng được giải quyết. Nếu kế hoạch này được thông qua, đây sẽ là mức tăng kỷ lục và là năm thứ 6 liên tiếp chi tiêu cho quốc phòng của Nhật Bản gia tăng.
Thời gian gần đây, những lo ngại của Nhật Bản và các nước trong khu vực về chương trình phát triển tên lửa hạt nhân của Triều Tiên đã tăng lên đáng kể khi Bình Nhưỡng trình diện một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và cho biết nước này đang cân nhắc kế hoạch phóng tên lửa tới lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. Bản báo cáo đánh giá quốc phòng này lưu ý, một cuộc thử nghiệm trước đó của Triều Tiên cho thấy tên lửa nước này được phóng trong quỹ đạo hình cong khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn. Do đó, Tokyo cho rằng mối đe dọa từ Bình Nhưỡng đã đến “một giai đoạn mới”.
Tình thế này buộc chính quyền nhiều thành phố của xứ sở hoa Anh đào rục rịch tập dượt sơ tán trong trường hợp bị tấn công. Về khả năng phòng vệ trước rủi ro Triều Tiên tấn công bằng tên lửa, Nhật Bản đã có hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3... Tuy nhiên, không có hệ thống nào trong số trên là vũ khí phòng thủ lý tưởng khi mối đe dọa tên lửa Triều Tiên được nhận định “bước sang giai đoạn mới”. Mặc dù Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản, nhưng Tokyo vẫn cần thiết phải đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tăng cường hơn nữa khả năng phòng vệ để bảo vệ lãnh thổ và đối phó các nguy cơ. Giới phân tích Nhật Bản cũng lo ngại rằng Mỹ có thể sẵn sàng chấp nhận hành động của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, nếu Bắc Kinh thành công trong việc ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân và đưa các bên trở lại cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa muốn khẳng định cam kết quốc phòng với các đồng minh Châu Âu trong chuyến thăm tới châu lục này hồi cuối tháng 5 vừa qua càng làm dấy lên lo ngại. Điều này buộc Nhật Bản phải nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, để có thể phản ứng kịp thời với các hành động quân sự của Triều Tiên.
Rõ ràng, tình hình an ninh tại khu vực Đông Bắc Á đang xấu đi và là tín hiệu cảnh báo không chỉ đối với Nhật Bản mà còn với nhiều nước trên thế giới. Việc Tokyo liên tiếp đầu tư cho quốc phòng trong những năm gần đây cho thấy mối lo ngại trước cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.