Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo ngại hụt hẫng trình độ cán bộ quản lý

Việt Nga| 23/10/2015 06:04

(HNM) - Các đại biểu quốc hội đã chỉ rõ những tồn tại của bộ máy, của nền kinh tế mà căn nguyên là việc lựa chọn, sử dụng cán bộ trong công việc

Theo các ĐB, trong điều kiện tình hình thế giới có biến động về kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng những kết quả nước ta đạt được trong năm 2015 và 5 năm qua rất đáng mừng. Cụ thể, kinh tế tăng trưởng; việc tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phát triển văn hóa xã hội đều đạt được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng, sự phát triển này chưa bền vững. Điều này cũng đã được nêu rõ trong bản báo cáo về KTXH năm 2015 và 5 năm 2011-2015 của Chính phủ trước Quốc hội: "Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc".

Năng lực của cán bộ quản lý, điều hành là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động. Ảnh: Tiến Dũng


Các ĐB: Nguyễn Đình Quyền, Đào Văn Bình, Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đánh giá này rất đáng lo ngại. Vì cụm từ "kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc" đã được báo cáo của Chính phủ nhận định từ nhiệm kỳ trước và giờ vẫn tiếp tục được sử dụng, như vậy là kéo dài quá lâu. Đằng sau đó là cả vấn đề mà người dân đang cảm thấy bất an như: Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém... Việc Việt Nam vừa đàm phán thành công tham gia Hiệp định TPP bên cạnh cơ hội cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh, năng suất lao động của người Việt Nam và sức cạnh tranh của nền kinh tế chỉ bằng một phần vài chục của các quốc gia láng giềng trong khu vực như Singapore, Thái Lan…

Theo phân tích của ĐB Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội), tất cả yếu tố tạo năng suất lao động… đều xuất phát từ yếu tố con người, kể cả nguyên nhân khách quan cũng do con người tạo ra. Vì vậy, việc quyết định đến sự phát triển của đất nước cũng như sự phát triển có bền vững hay không phụ thuộc vào yếu tố con người. Song, trong báo cáo KTXH của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Quốc hội lại chưa làm rõ và chưa đặt xứng tầm về yếu tố con người, trong đó có công tác cán bộ.

ĐB Nguyễn Đình Quyền nêu rõ, những tồn tại, hạn chế, yếu kém về năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức hiện không chỉ ở trong bộ máy nhà nước mà còn có trong cả hệ thống chính trị. Theo ĐB Quyền, với cương vị là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH, nhiều năm liền ông được Bộ Nội vụ mời chấm thi (với thí sinh mang hàm vụ trưởng, vụ phó, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, giám đốc sở, ngành…) thì thấy rất đáng lo ngại vì có sự hụt hẫng về trình độ cán bộ quản lý. Điều này dẫn đến sự hụt hẫng về năng lực cán bộ trong đó có trong hoạch định chính sách và năng lực tổ chức chính sách.

Từ sự yếu kém năng lực quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ĐB Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh: "Đến nay, chúng ta đã ban hành hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật mà vẫn nói đến từ "chưa đồng bộ", "còn chồng chéo" thì đó là lo ngại thực sự. Hơn nữa, trong các báo cáo cũng đã nhắc đến sự xuất hiện lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách, làm méo mó quy luật, tính khách quan của chính sách"… Đồng quan điểm với ĐB Quyền, nhiều ĐB cũng chỉ ra, không chỉ việc hoạch định chính sách bất cập mà việc tổ chức thực hiện chính sách cũng rất nhiều bất cập. Các ĐB kiến nghị, Chính phủ cần làm rõ hơn và chú trọng đến yếu tố con người, trong đó có công tác cán bộ trong báo cáo KTXH. Góp ý việc xây dựng các chính sách, một số ĐB kiến nghị, hiện nay chúng ta mới chỉ trông đợi vào tính tự giác của cán bộ mà chưa xây dựng được thiết chế kiểm soát.

Trong phiên thảo luận của Đoàn Hà Nội có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các ý kiến phát biểu đã kiến nghị trực tiếp tới Tổng Bí thư nhiều vấn đề. Đề xuất với Tổng Bí thư, ĐB Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh: "Chúng tôi và cử tri vui mừng vì trong nhiệm kỳ này, Đảng đã chỉ đạo tiến hành quy hoạch cán bộ và hiện việc thực hiện đã đi vào nền nếp, tạo ra sự bài bản cho công tác cán bộ. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu. Cử tri vẫn phản ánh, việc chọn được người có tài, đức vào bộ máy nhà nước nói riêng và vào trong hệ thống chính trị nói chung từ lý thuyết đến hiện thực còn xa".

Kết quả kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015

Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm: Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển; đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định. Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm. Đến tháng 9 năm 2015, nợ xấu còn 2,9% (tháng 9-2012 là 17,43%) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng. Thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; cung ứng vốn tốt hơn cho nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Có 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn...

(Lược trích Báo cáo về tình hình KTXH năm 2015 và 5 năm 2011-2015 của Chính phủ)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại hụt hẫng trình độ cán bộ quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.