(HNMO) - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà khẳng định, hiện tuợng chuyển giá (CG) ngày càng phổ biến trong các khu vực doanh nghiệp (DN), nhất là các DN có vốn nước ngoài và liên kết lợi ích xuyên biên giới.
-Thưa bà, bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn nào?
-Tôi cho rằng, điệp khúc “được mùa-rớt giá”, khó khăn về thị trường tiêu thụ và phong trào “trồng-chặt bỏ” với bao hệ luỵ buồn đang và sẽ còn là bài toán chưa dễ tìm lời giải và không còn là câu chuyện của riêng một ngành hàng nông sản nào của Việt Nam. Bên cạnh đó hiện tượng CG là vấn đề cần được các nhà hoạch định chính sách tài chính quan tâm hơn nữa khi mà ngày càng xuất hiện DN thực hiện việc CG nhằm trốn thuế, gây thất thu ngân sách, thiệt hại cho nguời tiêu dùng và méo mó môi trường đầu tư…
- Mánh khóe này thường được áp dụng ở những đơn vị nào, thưa bà?
- Đang có xu hướng mở rộng về quy mô, hình thức, đối tượng tham gia CG, bao gồm cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DN có lãi và hoà vốn với mức độ khác nhau, nhất là ở DN khai lỗ kéo dài, nhưng không ngừng mở rộng kinh doanh. Thậm chí, có nhiều tập đoàn và DN kinh doanh xuyên quốc gia nằm trong top 500 công ty lớn nhất thế giới, đầu tư vào Việt Nam đã hơn hai thập kỷ nay mà vẫn kêu lỗ, và tuyên bố sẽ tiếp tục lỗ cả chục năm nữa, dù đã có kế hoạch mở rộng đầu tư lớn, đồng nghĩa với không chịu nộp thuế như một thách thức cả về năng lực và trách nhiệm quản lý của ngành thuế nước nhà.
- Rõ ràng chuyển giá sẽ làm cho vấn đề cạnh tranh giữa các DN không được lành mạnh. Vì DN lớn có thương hiệu mạnh có thể dùng định giá chuyển giao để tạo ra sản phẩm với giá thành thấp, ép các DN yếu hơn, đặc biệt là những DN nội địa thuần túy. Theo bà, làm thế nào để nhận diện được chiêu trò này?
-Tôi cho là không dừng lại ở đây, CG còn làm sai lệch thông tin, tín hiệu thị trường, giảm sút sức hấp dẫn môi trường đầu tư, làm giảm hiệu quả chủ trương, chính sách quản lý nhà nước… Hoạt động CG thường ẩn dưới nhiều chiêu trò, thủ thuật. Nhưng điển hình là: khai tăng chi phí khấu hao và giảm thu nhập chịu thuế trên cơ sở nâng giá trị tài sản cố định, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu nhập khẩu, lãi suất vay vốn và chi phí bảo lãnh vay vốn chi phí trả lương, đào tạo, chi phí quảng cáo, bán hàng hoặc nâng giá trị chuyển giao các tài sản vô hình như công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, nhãn mác, kỹ thuật quản lý điều hành và các dịch vụ khác trong góp vốn đầu tư của DN; hoặc ngược lại, khai giấu doanh thu, chi phí và lãi thực, hạ giá bán sản phẩm đầu ra (thậm chí với giá thấp hơn giá thành sản xuất) cho một công ty liên kết, chịu lỗ hình thức kéo dài để trốn thuế.
- Để thoát khỏi tình trạng này, theo bà cần giải pháp gì, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính?
- Tôi cho là chống CG là nhiệm vụ trực tiếp đầy thách thức của ngành thuế và các đơn vị chức năng hữu quan; đòi hỏi sự đồng bộ cả về nhận thức, quyết tâm và cách làm. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín, năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, trước hết trong ngành Thuế các cấp về chống CG, phải là nhiệm vụ và thước đo trách nhiệm quản lý nhà nước nói chung, trực tiếp của ngành Thuế nói riêng...
Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện Luật Quản lý thuế, trước hết là các quy định về quyền xác định giá, thương thảo giá trước; quyền ấn định thuế đối với các DN giao dịch liên kết có nghi ngờ CG, nổi bật là ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường hoặc khai lỗ vượt vốn chủ sở hữu; cập nhật thường xuyên các chi phí khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế đảm bảo rõ ràng, minh bạch, gắn với diễn biến chi phí thực tế thị trường quốc tế và Việt Nam. Song song đó kiện toàn và tăng cường năng lực nghiệp vụ, cơ sở vật chất, thông tin và trách nhiệm cần thiết của Tổ Quản lý thuế đối với hoạt động CG của Tổng cục Thuế và thành lập các nhóm chuyên trách chống CG ở các cấp địa phương; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ, đối thoại, kiểm tra, thanh tra và giám sát thường xuyên, định kỳ với các DN có dấu hiệu CG…
Chính phủ cũng cần tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá thực chất hiện trạng CG, xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của cá nhân, đơn vị để xảy ra những thiệt hại, lấy lại niềm tin trong nhân dân và DN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.