(HNM) - Sau một thời gian giáo dục ĐH Việt Nam phát triển thiên về số lượng mà xao lãng chất lượng, lòng tin của xã hội đối với chất lượng đào tạo ĐH đã giảm sút nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, xu hướng giáo dục ĐH theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng được nhiều người coi là một lối thoát trong
Vì sự sống còn của nhà trường
Có thể phần nào thấy sự mất lòng tin của xã hội vào chất lượng đào tạo nguồn nhân lực qua tình trạng cử nhân thất nghiệp tăng cao, số người vào ĐH giảm liên tục trong 3 năm trở lại đây, trong khi lượng người du học tự túc tăng nhanh chóng. Sự kết nối giữa đào tạo và thị trường lao động còn quá lỏng lẻo, thể hiện qua nghịch cảnh: Sinh viên thất nghiệp tràn lan trong khi các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tuyển lao động phù hợp. Số liệu điều tra về lao động, việc làm của Tổng cục Thống kê cho thấy quý III-2014 có 174.000 người thất nghiệp. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2013 tại 350 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cho thấy, có tới 82% lao động không đáp ứng được đòi hỏi về chuyên môn hoặc kỹ năng cao của nhà tuyển dụng.
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành. (Ảnh: Tấn Thạnh) |
Trong một diễn đàn về giáo dục ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam diễn ra gần đây, từ góc độ doanh nghiệp, ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam cho biết: Sinh viên tốt nghiệp ĐH chưa thực sự đáp ứng nhu cầu chuyên môn thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là sinh viên khối công nghệ, kỹ thuật. Họ chủ yếu học kiến thức cơ bản, nhưng thiếu cập nhật thường xuyên. Điều đó dẫn đến tình trạng hầu hết doanh nghiệp phải đào tạo lại, cập nhật thêm kiến thức cho sinh viên để đáp ứng công việc. Kỹ năng mềm hay kỹ năng thực hành xã hội cũng là điểm yếu mà các doanh nghiệp thường than vãn về lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp.
Xuất phát từ thực tế trên, việc triển khai mô hình đào tạo theo hướng nghề nghiệp đang hình thành trong các trường ĐH, CĐ hiện nay được cho là yêu cầu cấp thiết. Chuyên gia Phạm Thi Ly, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Khi "thị trường bằng cấp" đã bão hòa và bằng ĐH gần mất hết giá trị, chỉ những trường ĐH chứng minh được ý nghĩa thiết yếu của ngành học mới có thể tồn tại và lớn mạnh. Định hướng nghề nghiệp ứng dụng, với đặc trưng là kết nối chặt chẽ với thế giới việc làm, gắn bó với thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp sẽ là hướng đi bảo đảm sự sống còn của các trường.
Giảng viên là yếu tố then chốt
Với các doanh nghiệp, việc hợp tác đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, ngoài việc thực hiện trách nhiệm xã hội, cũng là cơ hội để tiếp cận với nguồn lao động chất lượng cao theo định hướng, có nhiều sự lựa chọn cho việc bổ sung hoặc làm mới nguồn nhân lực, trong khi không mất nhiều thời gian và tốn kém đào tạo lại. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tham gia vào Chương trình giáo dục ĐH định hướng nghề nghiệp vẫn phàn nàn rằng các trường ĐH chưa mặn mà và thiếu chủ động trong các mối hợp tác bền vững, ít quan tâm tới việc các em học được gì và ra trường làm được gì. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, một số trường cũng tỏ ý quan ngại về việc các doanh nghiệp thiếu quan tâm và chưa nhiệt tình với việc đào tạo kỹ năng cho đội ngũ lao động.
Về phía các trường, để đào tạo định hướng nghề nghiệp có hiệu quả, GS Trần Trung, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho rằng: Các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức kinh tế, xã hội có trách nhiệm giới thiệu mô hình cơ cấu tổ chức, quản lý nhân sự nghiệp vụ, công nghệ, trang thiết bị, phương thức điều hành cho giáo viên, sinh viên thực tập. Còn các cơ sở đào tạo thì cần cụ thể hóa chuẩn đầu ra, với những chứng chỉ có tên gọi mà các đơn vị sử dụng nhân lực hiểu được, gắn liền với kỹ năng thực hành, năng lực nhận thức kỹ thuật và công nghệ theo khối ngành nghề, phát hiện và giải quyết một số vấn đề cụ thể, cơ bản trong ngành nghề đào tạo.
Trên hết, một yếu tố được xem là quyết định sự thành bại của định hướng đào tạo nghề nghiệp, đó là đội ngũ giảng viên. Họ phải đảm đương vai trò rộng hơn, sâu hơn so với cách tiếp cận giáo dục truyền thống. Bà Phạm Thị Hương, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân tích: Giảng viên phải sẵn sàng thay đổi để tham gia vào chương trình đào tạo được xây dựng theo nhu cầu của thị trường lao động thay vì mang nặng tính học thuật như các chương trình truyền thống. Các giảng viên phải dạy cho sinh viên "biết làm" thay vì chỉ học để "biết". Giảng viên lúc này không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà phải khẳng định được vai trò huấn luyện, thúc đẩy người học.
Ngoài ra, theo bà Phạm Thị Hương, việc đánh giá cũng phức tạp hơn bởi phải dựa vào năng lực và quá trình hình thành năng lực trong suốt quá trình đào tạo thay vì chỉ ở một học phần hay môđun nào đó của chương trình. Đó cũng không chỉ đơn thuần là đánh giá kết quả của từng sinh viên đơn lẻ mà còn là kết quả chung của nhóm và sự đóng góp của từng thành viên trong nhóm… Đây là việc không hề dễ dàng với các giảng viên ở các chương trình truyền thống vốn đã quen với các kỳ thi, kiểm tra vốn được thiết kế chủ yếu để đánh giá kiến thức thu nhận được trong quá trình học tập. Giảng viên cũng phải đảm nhiệm vai trò khá mới mẻ so với giảng viên truyền thống, đó là chịu trách nhiệm chính trong tìm kiếm và tạo dựng mối quan hệ hợp tác mang tính cấu trúc, bền vững với thế giới nghề nghiệp để giúp nhà trường kết nối đào tạo với thị trường lao động. Ngoài ra, mối quan hệ nói trên giữa nhà trường và doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững và gắn kết lâu dài chủ yếu thông qua sự hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Để được doanh nghiệp tin tưởng và sẵn sàng hợp tác thì giảng viên cần có năng lực nghiên cứu và tiếp cận trong nghiên cứu ứng dụng. Đó chính là thử thách lớn đối với giảng viên khi tham gia giảng dạy theo định hướng nghề nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.