(HNM) - Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao về việc phân bón lá Boom Flower-n đang được nhiều nông dân sử dụng có chứa chất Nitrobenzene. Thực tế, phân bón lá Boom Flower-n chứa 20% Nitrobenzene có gây độc hại tới con người hay không, ảnh hưởng thế nào đến các sản phẩm cây trồng và môi trường... đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ phía các nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý.
Giật mình
Nhiều loại phân hóa học được nông dân sử dụng chăm sóc rau củ. Ảnh: Phương An
Trước thông tin nông dân sử dụng phân bón lá có chứa chất Nitrobenzene, một trong những chất độc gây ung thư, Hội đồng khoa học công nghệ Bộ NN & PTNT đã phải "cầu cứu" tới 20 nhà khoa học, nhà quản lý để có thể đưa ra những nhận định chính xác. Tại Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16-11-2009, Bộ Tài nguyên - Môi trường coi Nitrobenzene là thành phần nguy hại đặc biệt có khả năng gây ung thư hay gây đột biến gen rất cao. Trên bao bì phân bón lá Boom Flower-n của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang có ghi rõ thành phần hóa chất: Nitrobenzene: 20%; Chất trải bề mặt: 40%; Phụ gia: 40%. Phát hiện trên được công bố, nhiều ý kiến cho rằng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng cần khởi kiện Công ty Sản xuất phân bón, yêu cầu bồi thường sức khỏe nhân dân giống như "vụ Vedan". Được biết, Cục Trồng trọt cũng đã có công văn gửi các cơ quan chuyên môn cho ý kiến về vấn đề này.
Trao đổi vấn đề trên, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trì (Trưởng bộ môn Sinh lý - Sinh hóa - Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh) cho biết: Hiện chưa nước nào trên thế giới đưa chất này vào sản xuất phân bón, tác dụng của Nitrobenzene đối với cây trồng chưa được kiểm nghiệm. Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng: Nitrobezene là hợp chất cực độc, nhất là với máu, hệ thần kinh. Hít thở trong thời gian ngắn một lượng lớn Nitrobenzene sẽ nhanh chóng đưa đến mất cảm giác, phá hoại hệ thần kinh...
Ngược với luồng ý kiến trên, nhiều nhà khoa học lại cho rằng hoạt chất Nitrobenzene nếu sử dụng ở mức cho phép sẽ không gây nguy hại. Theo PGS Nguyễn Văn Bộ, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam: Boom Flower-n là sản phẩm minh bạch vì nếu nhà sản xuất biết Nitrobenzene là chất độc thì sẽ không in đậm thành phần của nó lên nhãn bao.
Sự thật đằng sau việc phân bón có chứa chất Nitrobenzene gây ung thư mới bắt đầu được "mổ xẻ". 20/26 nhà khoa học, nhà quản lý được Hội đồng khoa học công nghệ Bộ NN & PTNT mời tham vấn vẫn chưa thống nhất được ý kiến việc có hại hay không của loại phân bón này. Trước những luồng ý kiến trái chiều, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng đưa ra kiến nghị tạm dừng nhập chế phẩm Boom Flower-n, ngưng sử dụng phân bón lá này trên các loại rau, cây ăn trái, chè. Với lượng chế phẩm mà DN đã nhập khẩu, cần có hướng dẫn cụ thể khi sử dụng để bảo đảm an toàn.
Hiểm họa môi trường
Nhu cầu xã hội đòi hỏi con người phải sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để tăng năng suất, sản lượng. Việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp nhiều và không hợp lý đã làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề. Ở nước ta, hằng năm sản xuất khoảng gần một triệu tấn phân lân từ các nhà máy lớn. Khi bón đạm cho cây trồng, cây chỉ sử dụng được 40 - 60%, phần còn lại nằm trong đất và gây ô nhiễm đất. Khi bón đạm cho cây trồng từ phân khoáng và phân hữu cơ sẽ có một lượng khí thải đưa vào không khí...
Thực tế, mỗi vụ sản xuất, cả nước sử dụng hàng triệu tấn phân bón hóa học các loại, trong đó có một lượng lớn là phân bón giả, kém chất lượng. Theo ông Nguyễn Thái Lai, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, việc sử dụng nước và phân bón không hợp lý, quá mức cần thiết không những lãng phí tiền của người dân mà còn tạo ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước. Nguyên nhân do lượng phân bón nhiều, cây không hấp thụ hết bị ngấm xuống các tầng chứa nước phía dưới, ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm. Các nghiên cứu cho thấy, sử dụng lượng phân bón trung bình cho từng cây là 0,19kg lân; 0,41kg kali và 0,44kg đạm; trong khi đó, lượng phân bón cho từng cây nên áp dụng theo các mức 0,09kg lân; 0,27kg kali và 0,25kg đạm có thể thu được sản lượng tối đa.
Lỗ hổng trong quản lý
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả đến nay đã giảm khoảng 7% nhưng số mẫu phân bón kiểm tra không đạt chất lượng vẫn còn rất cao, khoảng trên 40%. Phần lớn số này kinh doanh theo kiểu chụp giật, hoạt động thời gian rất ngắn, làm ra hàng giả, kém chất lượng, sau đó giải thể rồi lại thành lập doanh nghiệp mới để tiếp tục làm giả.
Công tác quản lý chất lượng phân bón ở nước ta hiện có quá nhiều lỗ hổng. Mỗi khi chất lượng phân bón có "vấn đề", quả bóng thường được lăn qua lăn lại từ cơ quan khoa học này sang cơ quan khoa học khác, từ cơ quan này sang đơn vị kia mà không có một đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm. Đã đến lúc nên thành lập một hội đồng các nhà khoa học, nhà quản lý để thẩm định chất lượng phân bón và có một đơn vị cụ thể "đứng mũi chịu sào", làm nhạc trưởng cho chất lượng phân bón Việt Nam.
TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội: Nitrobenzene thuộc nhóm chất gây ung thư. Khi sử dụng trong phân bón, chất này có thể ngấm sâu vào đất, nước ngầm, khó phân hủy. Điều đó tất yếu sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. GS Vũ Triệu Mân, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội: Nên tham khảo ý kiến của các nước tiên tiến về chế phẩm Boom Flower-n, nếu họ dùng thì có nghĩa nó không nguy hại và ta cũng có thể dùng được. PGS Trịnh Xuân Vũ, nguyên Hiệu phó kiêm Trưởng bộ môn Sinh lý Thực vật Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh: Khác với nhiều loại chất điều hòa sinh trưởng khác ở chỗ là Nitrobenzene có thể gây ra ung thư, điều hoàn toàn không mong muốn của người tiêu dùng. Hiện nay chúng ta đang khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất "Nông nghiệp hữu cơ", đang triển khai "chương trình GAP", "An toàn vệ sinh thực phẩm"... nên việc đưa các chất độc hại nguy hiểm vào trong quá trình canh tác là hoàn toàn trái với xu hướng toàn cầu. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.