(HNM) - Một lò gạch quy mô lớn, sử dụng trên đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng vẫn hoạt động trong thời gian dài; một trạm biến áp không bảo đảm an toàn vẫn được đóng điện… nhiều chuyện không bình thường đang diễn ra tại xã Phú Cát, huyện Quốc Oai.
Lò gạch tồn tại bất thường tại xã Phú Cát (huyện Quốc Oai). |
Vi phạm...
Tại một vùng rộng lớn bãi Sông Tích bị đào xới, người dân Thôn 2, xã Phú Cát chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới: Khi phát hiện chủ lò gạch ở khu Đầm Lát khoét đất làm gạch, hạ độ sâu mặt bãi đến 10-12m, chúng tôi đã đề nghị UBND xã kiểm tra, xử lý. Và chỉ vài ngày sau khi người dân phản ánh, chủ lò gạch bơm nước vào đầy khu vực bãi đã bị khoét nhằm xóa dấu vết… Điều đáng nói, lò gạch này thuê đất của xã để nuôi trồng thủy sản, nhưng không thấy tôm cá chỉ thấy múc đất "nuôi" gạch, song có điều không hiểu vì sao cơ quan chức năng chưa xử lý?
Lò gạch người dân nhắc đến thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Thứ (còn gọi là ông Nguyễn Văn Thừ) ở khu Đầm Lát - Phú Bàn (giáp Sông Tích). Ông Thứ làm lán trại để gạch mộc và chứa đất sản xuất gạch trên một khu vực bãi rộng lớn. Và hàng nghìn mét vuông đất liền kề với bãi gạch mộc đã bị khoét nhưng chứa đầy nước nên rất khó ước lượng độ sâu. Theo Hợp đồng 04/HĐ-UBND lập ngày 22-4-2015, UBND xã Phú Cát giao thầu cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Thứ 15.255,8m2 diện tích đất, mặt nước (đất công ích do UBND xã quản lý) tại khu vực Đầm Lát để cải tạo chăn nuôi thủy sản với thời hạn 5 năm (từ 22-4-2015 đến 22-4-2020).
Sau khi có phản ánh về việc ông Thứ khai thác đất trái quy định, cuối tháng 2-2016, UBND xã Phú Cát đã kiểm tra và phát hiện ông Thứ nạo vét lòng đầm sâu 8m so với mặt đập và lấy đất này để san gạt làm bãi chứa gạch. UBND xã lập biên bản vi phạm, yêu cầu khắc phục, trả lại nguyên trạng. Theo biên bản kiểm tra ngày 4-4-2016, UBND xã khẳng định ông Thứ thực hiện đúng cam kết, đã khắc phục hậu quả (!?). Tuy nhiên, người dân nghi ngờ kết quả này vì đầm đã bị bơm đầy nước nên khó khẳng định ông Thứ có trả lại hiện trạng như ban đầu hay không?
Việc khai thác đất chưa được làm rõ thì người dân lại phát hiện một trạm biến áp được dựng trong khu vực lò gạch của ông Thứ. Trạm biến áp dựng ở hành lang đê, dưới lòng Sông Tích, nguy cơ mất an toàn rất lớn nhưng vẫn được Công ty Điện lực Quốc Oai đấu nối điện từ đầu tháng 1-2016. Giải thích điều này, Giám đốc Công ty Điện lực Quốc Oai Nguyễn Văn Quỳnh khẳng định: Ông Thứ cung cấp đủ tài liệu khẳng định đất xây dựng trạm biến áp là đất sử dụng hợp pháp, đúng mục đích.
"Hồ sơ đủ điều kiện" mà ông Quỳnh nói đến chính là bản Hợp đồng số 50/HĐ-KT ngày 25-11-2013. Đây là bản hợp đồng ghi nhận việc UBND xã Phú Cát giao thầu quỹ đất công cho ông Nguyễn Văn Thứ cải tạo, sản xuất nuôi trồng thủy sản, tận dụng đất để đun đốt gạch bằng công nghệ Tuynel lò đứng với diện tích hơn 16.000m2 ở vị trí khu Táng Bàn Ngoài. Đặc biệt, trong đó còn có điều khoản: "Diện tích tận dụng lấy đất để khai thác đun đốt gạch là 1.067m2"; kèm theo giấy phép xây dựng tạm do UBND huyện Quốc Oai cấp năm 2014.
Còn với bản Hợp đồng 50/HĐ-KT do đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội cung cấp cho phóng viên, ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch UBND xã Phú Cát cho biết đây là bản hợp đồng do Chủ tịch UBND xã (nhiệm kỳ trước) ký giao thầu đất cho ông Thứ và diện tích đất UBND xã giao thầu tại hợp đồng này có vị trí tiếp giáp đất của Hợp đồng giao thầu số 04/HĐ-UBND. Cũng về Hợp đồng số 50/HĐ-KT, ông Nguyễn Văn Nhơn, Thôn 4, xã Phú Cát nói: Tôi làm Thanh tra nhân dân từ năm 1999 đến 2013 và từ năm 2015 đến nay. Tôi đã nhiều lần có ý kiến phản đối việc ông Thứ và một số chủ lò gạch trên địa bàn xã sử dụng đất trên diện tích chưa được chuyển đổi, nhiều chủ lò khai thác đất quá độ sâu cho phép nhưng không cấp nào giải quyết.
Trước đây, tôi cũng chỉ được UBND xã cung cấp Hợp đồng giao thầu số 04/HĐ-UBND, ngoài ra không có thêm hợp đồng nào. Trong tháng 5-2016, tôi được Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cung cấp Hợp đồng số 50/HĐ-KT, mới biết ông Thứ được giao thầu cả diện tích để khai thác đất làm gạch. Song, những hợp đồng này đều trái quy định của pháp luật vì tất cả diện tích giao thầu đó chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, còn hợp đồng giao thầu đất nuôi trồng thủy sản chỉ là cách để địa phương tạo điều kiện cho chủ lò tận dụng đất "cải tạo" để đun đốt gạch…
...nhưng không bị xử lý
Về sự tồn tại của trạm biến áp trong khu vực đất giao thầu của ông Thứ, ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai khẳng định: Trạm biến áp nằm tại vị trí là vùng tiêu nước của Sông Tích, ngoài đê bao xã Phú Cát và thôn Hòa Trúc của xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai). Nước Sông Tích thường lên rất nhanh, có thời điểm chỉ trong 1 ngày nhưng phải ký đến 2 lệnh báo động vì mực nước thay đổi đột ngột. Chỉ cần mực nước Sông Tích ở mức báo động 1 (mức 7,8m), trạm biến áp này đã ở trong tình trạng mất an toàn. Tuy nhiên, Điện lực Quốc Oai không có thỏa thuận hay tham vấn ý kiến của Phòng Kinh tế về vị trí lắp đặt trạm biến áp. Để bảo đảm an toàn, Phòng Kinh tế đề nghị chủ lò gạch phải di chuyển trạm biến áp ra khỏi vùng chứa nước. Nếu chưa di chuyển đề nghị Công ty Điện lực Quốc Oai ngừng cấp điện.
Ngày 1-4-2016, UBND huyện Quốc Oai cũng đã có văn bản yêu cầu Điện lực Quốc Oai chưa đấu nối, chưa cấp điện cho trạm biến áp, tuy nhiên yêu cầu này không được thực hiện. Báo cáo vấn đề này với Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, Giám đốc Công ty Điện lực Quốc Oai vẫn khẳng định: Chất lượng công trình bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định hiện hành; việc cấp điện cho trạm biến áp thực hiện theo Thông tư 33/TT-BCT ngày 10-10-2014. Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Phú Cát cũng khẳng định, Công ty Điện lực Quốc Oai không có ý kiến gì với địa phương khi lắp đặt trạm biến áp mới gây ra sự việc đáng tiếc này. Và vì vậy liệu có thể đặt câu hỏi: Liệu có bất cập nào trong quy trình lắp đặt trạm biến áp dẫn đến tình trạng "làm đúng quy định" nhưng vẫn gây mất an toàn?
Theo một số tài liệu, lò gạch của ông Thứ có vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, nằm ở vị trí phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của xã Phú Cát (đã được UBND huyện phê duyệt), được UBND huyện cho phép chuyển đổi mô hình từ lò thủ công sang lò công nghệ cải tiến thân thiện môi trường… Nhưng diện tích đất UBND xã giao thầu cho các lò gạch, trong đó có lò của ông Thứ, đều chưa được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất vật liệu xây dựng. Trong khi đó, UBND TP Hà Nội đã nghiêm cấm việc khai thác đất nông nghiệp để sản xuất gạch nung và chính UBND huyện Quốc Oai cũng từng báo cáo đã chấm dứt tình trạng hạ cốt ruộng lấy đất làm gạch…
Thế nhưng với thực trạng đất tại khu Đầm Lát vẫn bị khoét và hợp đồng giao thầu UBND xã Phú Cát vẫn cho phép khai thác đất cho thấy việc quản lý nhà nước đã bị buông lỏng. Lý giải điều này, ông Cửu phân bua: Các lò gạch hoạt động đã từ lâu, nhiều lần các phòng, ban chức năng của huyện kiểm tra nhưng không yêu cầu dừng hoạt động, do đó các lò gạch vẫn sản xuất bình thường!? Bất bình trước việc này, ông Nguyễn Văn Nhơn cho biết: Tôi đã nhiều lần gửi đơn đến xã Phú Cát và huyện Quốc Oai, đã nhiều lần trao đổi với đại diện Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai để phản ánh vi phạm của các lò gạch… Nhưng cán bộ chỉ hứa hoặc tìm cách dung hòa mà không giải quyết. Ở đây phải chăng có chuyện nhập nhèm khi địa phương ký hợp đồng giao thầu đất cho các chủ lò?
Trên địa bàn xã Phú Cát hiện còn 4 lò gạch khác cũng "mọc" trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý. Tại xã Ngọc Liệp cách đấy không xa, cũng tồn tại một lò gạch quy mô lớn ở xứ đồng Ngã Bún, với mức đầu tư 20 tỷ đồng trên diện tích đất của khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng chăn nuôi do UBND xã giao thầu cho ông Phạm Đức Quang... Thực tế cho thấy, đây là "mẫu số chung" của không ít lò gạch trên địa bàn huyện Quốc Oai và một số địa phương khác. Đặc biệt, có nơi vẫn để xảy ra tình trạng khai thác đất nông nghiệp không đúng quy định, gây bất bình trong nhân dân. Với thực trạng nêu trên, rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng nhằm chấn chỉnh lại hoạt động giao thầu đất của UBND các xã, đồng thời yêu cầu các chủ lò gạch phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.