Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lộ diện đối thủ tiềm tàng

Quỳnh Chi| 23/01/2013 06:14

(HNM) - Mặc dù còn 8 tháng nữa cuộc bầu cử Quốc hội Đức mới chính thức diễn ra, tuy nhiên, không khí cạnh tranh giữa các đảng phái đã nóng lên ngay từ những ngày đầu năm này.


"Phát súng" đầu tiên báo hiệu về một cuộc đua ẩn chứa nhiều kịch tính là cuộc bầu cử lập pháp tại bang Hạ Saxony ngày 20-1. Mặc dù đây chỉ là cuộc bầu cử mang tính chất địa phương, song không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó khi các bên đều coi đây là thước đo mức độ tín nhiệm để xây dựng chiến lược cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Triển vọng không mấy lạc quan của kinh tế Đức đang trở thành thách thức lớn nhất của Thủ tướng A.Merkel.


Trên thực tế các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, bà Angela Merkel vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri. Có thể nói, với hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng Đức kể từ năm 2006 đến nay, nhà lãnh đạo 59 tuổi này đã có nhiều thành công. Với nhiều người Đức, bà A.Merkel là một chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn, một bên chèo lái Châu Âu về bến bờ ổn định, bên kia bảo toàn sự vững chắc của nền tài chính Đức. Khi nhiều quốc gia trong khu vực lao đao vì nợ công và suy thoái, kinh tế Đức vẫn giữ được nhịp tăng trưởng. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp đã xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này tái thống nhất. Chính vì vậy, nhiều nhà quan sát nhận định sẽ không có đối thủ cạnh tranh nào tương xứng với bà A.Merkel trong thời điểm hiện nay.

Nói như vậy không có nghĩa con đường tới chiếc ghế Thủ tướng nhiệm kỳ 3 của "Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2012" sẽ trải toàn hoa hồng, nhất là trong bối cảnh Châu Âu tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ công. Theo số liệu do Cục thống kê liên bang vừa công bố, tổng sản phẩm nội địa của Đức trong năm 2012 chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của năm 2012 (3%) - cho thấy Đức bắt đầu "ngấm đòn" từ "cơn bão" nợ công. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong năm 2013, Đức - đầu tàu kinh tế Châu Âu, sẽ trải qua thời kỳ khó khăn hơn so với năm 2012. Tuy đã ngăn chặn được khủng hoảng khá hiệu quả, song Berlin đã hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2013 xuống còn 1% so với mức 1,6% dự báo trước đó. Ngân hàng trung ương Đức còn cảnh báo nền kinh tế nước này có thể rơi vào suy thoái vào đầu năm 2014 và chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,4% trong cả năm. Đáng chú ý là, nếu các thị trường chủ lực là khu vực Nam Âu không phục hồi, Đức sẽ bị phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ và Trung Quốc. Và kinh tế Đức tiếp tục tăng trưởng hay suy giảm sẽ do "sức khỏe" của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này quyết định.

Triển vọng không mấy lạc quan của kinh tế Đức trong năm 2013 đang trở thành thách thức lớn nhất với nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ 3 của Thủ tướng A.Merkel. Minh chứng rõ ràng nhất là kết quả bầu cử khá khiêm tốn của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền tại bang Hạ Saxony vừa được công bố ngày 21-1. Với 46,3% số phiếu bầu, phe đối lập gồm đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và đảng Xanh đã chiến thắng và giành được 69 ghế trong tổng số 137 ghế cơ quan lập pháp bang Hạ Saxony. Mặc dù thua liên minh đối lập chỉ 1 ghế, song điều này cũng đủ để phát đi tín hiệu cảnh báo liên minh cầm quyền CDU về một đối thủ tiềm tàng, có khả năng cản trở tham vọng của Thủ tướng A.Merkel.

Như vậy, phép thử này sẽ thúc đẩy bà Merkel sớm có những điều chỉnh quyết liệt trong chiến dịch vận động tranh cử. Từ nay đến cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9-2013, Thủ tướng Merkel sẽ phải tìm kiếm cho được một phó tướng có năng lực thu hút cử tri và hỗ trợ công việc. Ngoài ra, vai trò lãnh đạo của bà A.Merkel trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu cũng sẽ mang tính quyết định tới số phiếu cử tri.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộ diện đối thủ tiềm tàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.