Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo chuyện buồn vui phố cổ

Vũ Ngọc| 14/12/2015 06:18

(HNM) - Ông Trần Miễn, 83 tuổi, Tổ trưởng Tổ dân phố ở phố Tạ Hiện (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn cần mẫn với những buổi hòa giải, với những công việc

Những việc "không tên"...

Đến khu phố Tạ Hiện hỏi những người dân sinh sống tại đây về ông Trần Miễn không ai là không biết. Trong 61 năm qua, ông là người lo chuyện vui, buồn của khu phố. Ông Miễn sinh ra và lớn lên ở vùng đất quê hương năm tấn Thái Bình. Thời chiến tranh loạn lạc, ông rời bỏ quê hương để lên Thủ đô học hành và định cư.

Ông Trần Miễn giới thiệu với khách quốc tế về những bức tranh cổ động của Việt Nam.


Khi Thủ đô được giải phóng, cũng là lúc cuộc sống của những người dân tại khu phố cổ có nhiều biến động. Lúc đó, người kháng chiến từ các tỉnh khác về Hà Nội công tác và định cư khá nhiều. Những quan điểm, lối sống khác biệt của các vùng miền nếu không được giải quyết triệt để sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết, rất đáng lo ngại. Lúc này, công tác cán bộ cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, các cơ quan nhà nước tại Hà Nội có sáng kiến vận động những người có uy tín tại khu phố của mình đảm nhiệm thêm chức tổ trưởng tổ dân phố. Năm 1955, mới 22 tuổi nhưng được mọi người tín nhiệm, ông Miễn nhậm chức Tổ trưởng tổ dân phố Tạ Hiện từ đó.

Ông Trần Miễn công tác ở Bộ Văn hóa, công việc chính là phân phối sách cho các nhà xuất bản. Từ ngày làm Tổ trưởng tổ dân phố, cứ hết việc cơ quan là ông lại lao vào công việc của khu phố. Nhiều khi ông phải tranh thủ buổi tối để viết khẩu hiệu, viết sổ hộ khẩu… Vừa làm Tổ trưởng tổ dân phố, ông kiêm luôn Trưởng ban Thống kê, Trưởng ban Bình dân học vụ, văn hóa… Ông Miễn nhớ lại: Thời chiến tranh khốc liệt, nhiều nhà tại khu phố không có người ở. Trường hợp kinh khủng nhất là có xác chết trong nhà chúng tôi phải di dời. Trẻ tuổi lại chưa gặp những trường hợp như vậy nên cũng sợ lắm, nhưng mình là cán bộ dân phố, không đứng ra làm thì nói ai theo?

Tưởng chừng công việc của Tổ trưởng tổ dân phố là đơn giản nhưng đó lại là công việc khó khăn vào thời điểm ấy. Bởi lẽ, khu phố Tạ Hiện là nơi tập trung nhiều thương nhân Hoa kiều có tầm ảnh hưởng rất lớn. Sau khi tiếp quản, tình hình xã hội ở đây vẫn rất phức tạp, vẫn còn tập trung nhiều rạp hát tuồng của giới ăn chơi như Quảng Lạc, Kim Lan, Kim Phụng… và nhiều địa điểm ăn uống nổi tiếng khác. Việc quản lý những địa điểm này không dễ. Bên cạnh những công việc chung còn có những việc cá nhân của mỗi gia đình trong khu phố. Xưa nay, hầu hết người dân sống ở Tạ Hiện đều tận dụng tầng 1 để làm nơi buôn bán. Nhiều nhà sử dụng diện tích tối đa để phục vụ cho lợi ích kinh doanh nên cầu thang cũng được thu hẹp, chỉ có thể đi lại chứ không thể khiêng quan tài khi nhà có người mất. Vì vậy, những người dân sống tại đây đã nghĩ ra cách buộc dây vào quan tài và thả nhẹ nhàng xuống tầng 1, sau nó mới tiến hành phúng viếng. Bao đời nay, người dân ở đây quan niệm người nhà không được động vào người đã khuất nên công việc này dành cho cán bộ tổ dân phố. Mấy chục năm qua đi, ông Miễn không nhớ nổi mình đã thay mặt bao nhiêu gia đình nói lời tạm biệt đối với người thân của họ.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, với sự góp mặt của ông nhiều cặp vợ chồng đã hóa giải những xích mích, hàng xóm bỏ qua cho nhau những chuyện nhỏ nhặt. Ông Miễn đã âm thầm miệt mài làm những công việc đó. Đối với ông, "vác tù và hàng tổng" cho những người dân ở khu phố là một cái duyên, đồng thời cũng là một vinh hạnh đối với bản thân.

... và câu chuyện phố cổ

Cuối tháng 7 năm 2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề xuất với UBND TP Hà Nội về chủ trương lát đá 11 tuyến phố cổ. Khi đề xuất được công khai, đã có ý kiến trái chiều nói về vấn đề này. Nhiều nhà khoa học, những nhà nghiên cứu về văn hóa, cảnh quan đã phản biện việc cải tạo khu phố. Là người sống gắn bó lâu năm với phố cổ, ý kiến phản biện tâm huyết của ông Trần Miễn đã được lãnh đạo quận tiếp nhận.

Việc này có nguyên do từ năm 2011, Tạ Hiện nằm trong dự án cải tạo thí điểm, ngoài việc cải tạo mặt đứng các công trình kiến trúc, cải tạo đồng bộ mái hiên mái che, mái vẩy, mặt đường phố Tạ Hiện cũng được hoàn thành việc lát đá tự nhiên. Là người chứng kiến những thay đổi của khu phố, ông nhận thấy sau khi cải tạo, Tạ Hiện trở thành khu phố hút khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc lát đá ở Tạ Hiện gây trơn trượt, nguy hiểm cho người tham gia giao thông mỗi khi trời mưa. Trong các cuộc họp của quận khi bàn về vấn đề cải tạo khu phố ông đã nêu lên thực trạng này, ý kiến phản biện thực tế được quận Hoàn Kiếm tiếp thu.

Ông Miễn cho biết: "Mỗi khi trời mưa hay nồm, mặt đá ngưng tụ nước trên bề mặt nên nhiều xe máy bị ngã. Tôi sống ở đây nên tôi biết, có lần tôi phát hoảng khi chứng kiến cảnh bà mẹ đèo hai đứa con đi loạng choạng vì đường trơn, may mà xuống xe kịp mới không bị ngã". Sau sự việc ấy, ông Miễn tự tay căng dây chắn đường, treo biển "Đường trơn trượt, nguy hiểm".

Đôi mắt tinh anh, nói chuyện hóm hỉnh kèm những tràng cười hào sảng, ông hào hứng kể cho chúng tôi về chuyện ngày đầu làm Tổ trưởng tổ dân phố. Nhưng, khi nói tới hiện tại thì ông bảo, trải qua bao nhiêu thăng trầm, khu phố Tạ Hiện không còn giữ được những nét cổ xưa. Nhiều hộ đã thay đổi kiến trúc để phục vụ hoạt động kinh doanh. Thêm nữa, do không gian chật hẹp nên nhiều hàng hóa được bày bán dưới lòng đường. Tình trạng này diễn ra ngày càng phức tạp. Mong muốn lớn nhất của ông Trần Miễn là chính quyền địa phương và lực lượng chức năng sẽ có biện pháp giải quyết kịp thời để hình ảnh Việt Nam đẹp hơn trong mắt bè bạn quốc tế, đồng thời tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa người dân với cán bộ cơ sở.

Hiện nay dù tuổi đã cao nhưng ông Trần Miễn vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn, đặc biệt việc thông thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp từ hồi trẻ đã giúp ông rất nhiều trong việc giao lưu với du khách nước ngoài đến thăm khu phố cổ. Ngoài trăm việc "không tên" ở khu phố Tạ Hiện, hằng ngày ông còn phụ con cháu cai quản cửa hàng tranh cổ động qua các thời kỳ. Hai con trai của ông đều là họa sĩ, đồng thời là tác giả của những bức tranh mà hằng ngày ông giới thiệu với bạn bè quốc tế. Với ông đây cũng là hình thức an hưởng tuổi già và như một thú chơi. Cửa hàng của gia đình ông góp phần tạo nên ấn tượng thú vị cho du khách quốc tế khi đến với khu phố cổ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lo chuyện buồn vui phố cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.