(HNM) - Hơn một năm thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua bưu điện, Bưu điện Hà Nội đã
BĐHN luôn nỗ lực hết sức bảo đảm tốt quy trình nghiệp vụ chi trả an toàn, thuận tiện. Tuy nhiên, đây là công việc liên quan tới cơ quan BHXH và chính quyền địa phương nên công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các đơn vị.
Tháng 4-2014, lần đầu tiên BĐHN triển khai thí điểm chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tại huyện Ba Vì. Tổng số 31 xã của huyện được bố trí 100 tổ, bàn chi trả. Đặc điểm của huyện Ba Vì là số lượng người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH không đồng đều (xã ít nhất có 18 người hưởng, xã nhiều nhất có 836 người hưởng) nên Bưu điện Trung tâm 9 (đơn vị được giao nhiệm vụ chi trả trên địa bàn huyện Ba Vì) bố trí sử dụng thêm lao động hỗ trợ các bàn chi trả có số người hưởng đông, số tiền lớn để bảo đảm công tác chi trả thuận lợi, nhanh chóng, chính xác.
Kết quả thí điểm thành công tại huyện Ba Vì đã được phát triển ra 17 huyện khác như Phú Xuyên, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Phúc Thọ… Đến tháng 11-2015, BĐHN đã tiếp nhận chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH thêm 4 quận Hoàng Mai, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Bà Phạm Thị Xuân Mai - Phó Giám đốc BĐHN cho biết: Trong các buổi tuyên truyền, phổ biến nghiệp vụ, lãnh đạo bưu điện luôn quán triệt bảo đảm lịch chi trả, đúng người, đủ số tiền, phong cách làm việc, thái độ giao tiếp thể hiện tác phong văn minh, chuyên nghiệp, chu đáo, ân cần với người hưởng. Đặc biệt, quy định làm tròn số tiền lẻ (từ 100 đến 400 đồng làm tròn lên 500 đồng, từ 600 đến 900 đồng được làm tròn lên 1.000 đồng) là sự thay đổi tích cực so với phương thức chi trả trước đó được người hưởng rất hài lòng và đánh giá cao.
Công tác tuyên truyền đến đối tượng thụ hưởng cũng được quan tâm phối hợp với chính quyền địa phương. Hình thức phát thanh trên loa phường được chú trọng hơn cả nhằm thông báo trên diện rộng ngày giờ và khu vực chi trả, thủ tục mang theo… Bước đầu, nhiều người dân đánh giá cao thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của nhân viên bưu điện. Tuy nhiên, còn một số thắc mắc cũng như kiến nghị của người dân không riêng bưu điện giải quyết được mà phải có sự phối kết hợp với cơ quan BHXH và chính quyền địa phương.
Ông Hoàng Xuân Liệu (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) rất băn khoăn khi chứng kiến cảnh các con cháu dìu bố mẹ, ông bà là những người già yếu gặp khó khăn đi lại đến phường làm giấy ủy quyền lĩnh thay lương hưu nên thiết tha mong BHXH linh hoạt hơn trong việc xác nhận lĩnh thay lương hưu hoặc muốn bên bưu điện có cách chi trả phù hợp với những đối tượng già yếu ốm đau bệnh tật.
Tiếp nhận góp ý này, phía bưu điện cho rằng, quy định quản lý chi trả các chế độ BHXH do cơ quan bảo hiểm ban hành đến bưu điện cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt. Còn việc xác nhận ủy quyền lĩnh thay lương hưu lại được tiến hành ở cấp chính quyền phường, xã để bưu điện lấy đó làm căn cứ chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội. Chính quyền địa phương luôn khẳng định hết lòng phục vụ người dân nhưng quy định phải ký giấy ủy quyền trước mặt cán bộ chứng thực thì không thể thay đổi. Linh hoạt lắm thì các cụ già yếu đến phường không phải trèo cầu thang mà được cán bộ chứng thực dưới sảnh tầng 1. Còn không thì được hướng dẫn đến Văn phòng công chứng để làm dịch vụ ủy quyền…
Nếu sâu sát với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, có thể thấy từ tháng 8-2015, BHXH Việt Nam đã có Quyết định 919/QĐ-BHXH sửa đổi quy định trước đây giấy ủy quyền lĩnh thay lương hưu có giá trị tối đa 6 tháng thì nay không giới hạn thời hạn ủy quyền, các bên ủy quyền có thể thỏa thuận thời hạn ủy quyền.
Mặt khác, BĐHN đã có báo cáo, để phục vụ người hưởng tốt hơn, đối với trường hợp ốm nặng, già yếu, không có khả năng đi đến nhận lương hưu và trợ cấp BHXH tại điểm chi trả và cũng không có khả năng đi làm thủ tục ủy quyền cho người khác lĩnh thay thì người hưởng hoặc thân nhân người hưởng thông báo để bưu điện chi trả tận nhà (miễn phí). Con số 7 trường hợp ở một quận vừa được bưu điện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tại nhà trong kỳ lương tháng 12-2015 cho thấy chưa nhiều người biết đến hình thức này.
Sau hơn một năm thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua bưu điện, bên cạnh việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuẩn hóa tác phong phục vụ thì việc tuyên truyền để người dân hiểu các quy định pháp luật liên quan, hiểu quyền lợi, trách nhiệm của mình cũng như biết rõ các phương thức chi trả thuận lợi nhất rất cần được cả 3 bên: BHXH, bưu điện và chính quyền địa phương phối kết hợp triển khai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.