Xã hội

Linh hoạt trong vận hành Điểm tư vấn cộng đồng

Vũ Minh ghi 18/10/2023 - 06:22

Hà Nội đang triển khai rộng rãi mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” (Điểm tư vấn cộng đồng). Trong quá trình vận hành, các điểm tư vấn phát huy hiệu quả tích cực, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Để gỡ vướng, các địa phương áp dụng nhiều cách thức linh hoạt, tạo môi trường hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy thân thiện, nhân văn. Phóng viên Báo Hànộimới lược ghi ý kiến của đại diện một số điểm tư vấn để thấy rõ hơn điều này.

cai-nghien-ma-tuy.jpg
Thành viên Điểm tư vấn cộng đồng phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) tư vấn tại nhà cho một trường hợp sử dụng ma túy.

Thành viên Điểm tư vấn cộng đồng phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) Đào Xuân Thưởng:
Địa điểm đặt mô hình tư vấn chưa phù hợp

Điểm tư vấn cộng đồng phường Phúc Tân đặt tại Trạm Y tế phường, hoạt động với phương châm coi người nghiện, người sử dụng ma túy cũng như các trường hợp có nguy cơ cao là “khách hàng”. Chức năng chủ yếu của điểm tư vấn là cung cấp thông tin, kiến thức liên quan đến ma túy, các phương pháp, loại thuốc điều trị nghiện ma túy, các bệnh lý có nguy cơ mắc phải; cung cấp các dịch vụ tư vấn dự phòng tái nghiện và dự phòng lây nhiễm HIV cho người nghiện ma túy và người sau cai nghiện; hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng... Mô hình này có sự tham gia của đại diện các cơ quan chức năng ở cơ sở, tạo sự phối hợp liên ngành trong công tác điều trị cai nghiện ma túy.

Qua thực tế hoạt động cho thấy, bên cạnh yếu tố thuận lợi, việc vận hành Điểm tư vấn cộng đồng sao cho hiệu quả hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Địa điểm đặt mô hình chưa thực sự phù hợp vì ở khu vực nội thành, diện tích trạm y tế khá nhỏ, người dân đến khám, chữa bệnh đông, trong khi người nghiện, người sử dụng ma túy thường không muốn nhiều người biết đến tình trạng nghiện của bản thân, nên họ ít khi đến. Các hoạt động hỗ trợ để tăng sức hấp dẫn cho điểm tư vấn, thu hút các đối tượng tham gia còn hạn chế...
Chủ động gỡ vướng, các thành viên Điểm tư vấn cộng đồng phường Phúc Tân tìm cách gặp gỡ, tiếp xúc với người nghiện, người sử dụng ma túy hoặc những người có nguy cơ cao bằng thái độ thân thiện, cởi mở tại gia đình họ và những địa điểm phù hợp. Nội dung nói chuyện trong những lần gặp gỡ tập trung vào những vấn đề họ quan tâm như điều trị cai nghiện, chăm sóc sức khỏe, việc làm, thu nhập... để mỗi người thấy rõ tính hiệu quả và tích cực tham gia. Kiên trì thực hiện, trung bình mỗi năm, Điểm tư vấn cộng đồng phường Phúc Tân tiến hành tư vấn, trợ giúp pháp lý, kết nối chuyển gửi... cho hàng trăm lượt người.

Thành viên Điểm tư vấn cộng đồng phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Văn Sơn:
Đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp hoàn cảnh từng người

Cũng như các địa phương khác ở khu vực nội thành, hiện chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi tìm cách tiếp xúc với người nghiện, người sử dụng ma túy. Trong bối cảnh đó, các thành viên Điểm tư vấn cộng đồng bám sát địa bàn, lắng nghe người dân để hiểu rõ hơn về các đối tượng được “khoanh vùng” cần trợ giúp. Căn cứ vào thông tin có được, chúng tôi đưa ra giải pháp tư vấn, hỗ trợ phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh của từng người. Với người hoàn thành thời gian cai nghiện trở về địa phương, họ được quan tâm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, tránh xa ma túy...

Về địa điểm tư vấn, nhờ kiêm nhiệm nhiều chức vụ, vai trò, cá nhân tôi được bố trí một phòng làm việc nhỏ đặt tại điểm sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư, nên thường mời “khách hàng” đến đây để trao đổi. Trong không gian thân thiện, các trường hợp đều cởi mở bày tỏ chuyện chung, chuyện riêng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Điểm tư vấn cộng đồng phường Chương Dương đưa 4 trường hợp đi điều trị cai nghiện; 2 trường hợp điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone...

Bằng những kinh nghiệm đúc rút từ thực tế, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu địa điểm đặt mô hình tư vấn tại nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư. Đó là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Điểm tư vấn cộng đồng.

Ông Nguyễn Trọng Hải, thành viên Điểm tư vấn cộng đồng phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy):
Mạng xã hội Zalo là kênh tư vấn hiệu quả

Các cơ quan chức năng phường Nghĩa Tân hiện quản lý hồ sơ của hơn 30 trường hợp nghiện ma túy, trong đó, số lượng người có mặt tại địa phương thường xuyên là hơn 20 người. Góp phần hỗ trợ về nhiều mặt cho người sử dụng ma túy, đồng thời kiềm chế, giảm tác hại do ma túy gây ra, các thành viên Điểm tư vấn cộng đồng phường Nghĩa Tân tiếp cận với họ bằng nhiều cách.

Trong quá trình tiếp cận, vận động, hỗ trợ cho các nhóm đối tượng, chúng tôi thường tiếp xúc và gặp gỡ họ tại nhà riêng hoặc một địa điểm phù hợp, giúp đối tượng dễ dàng chia sẻ.

Kênh giao tiếp khác phát huy hiệu quả là lập nhóm trên mạng xã hội Zalo, gồm thành viên Điểm tư vấn cộng đồng, người có chuyên môn về y tế và các trường hợp cần tư vấn. Thời gian gần đây, với sự giúp đỡ của các y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhóm Zalo tư vấn của phường Nghĩa Tân hoạt động sôi nổi, tập trung vào thứ hai và thứ sáu hằng tuần, thu hút nhiều người tham gia. Khi gặp gỡ trực tuyến, các nhóm đối tượng thoải mái chia sẻ về tình trạng sức khỏe và những vấn đề đang gặp phải, qua đó các bên liên quan kịp thời nắm bắt được nhu cầu của từng người để có phương án chăm sóc, hỗ trợ phù hợp...

Nhìn chung, dù còn đó những khó khăn, vướng mắc, song việc đưa các Điểm tư vấn cộng đồng đi vào hoạt động ở cơ sở góp phần hỗ trợ người sử dụng, người nghiện ma túy sớm được tham gia điều trị và dự phòng, can thiệp HIV, lao, viêm gan B/C ngay tại nơi sinh sống. Mô hình này hoạt động hiệu quả thiết thực góp phần giảm tác hại do ma túy, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Linh hoạt trong vận hành Điểm tư vấn cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.