(HNM) - Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chế biến nông sản trên địa bàn huyện Hoài Đức là vấn đề cũ song lúc nào cũng mới bởi nói nhiều mà ô nhiễm vẫn không giảm. Đã có nhiều công trình, dự án nhằm cải thiện môi trường nơi đây được triển khai nhưng đến nay đều không phát huy hiệu quả.
"Bộ ba" làng nghề ô nhiễm nặng
Huyện Hoài Đức có 51/53 làng có nghề, trong đó có 11 làng nghề được cấp bằng công nhận. Trong số các làng nghề, có 3 làng chế biến nông sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm là do các làng nghề nằm xen kẽ trong khu dân cư, sản xuất theo quy mô gia đình, nhiều công đoạn sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên nguồn chất thải tồn đọng có mùi, phát tán trên diện rộng. Theo ông Hồ Trung Nghĩa, Trưởng phòng TN&MT huyện, tổng lượng chất thải rắn do làng nghề thải ra khoảng 112.200 tấn/năm, chất thải theo nước thải đã gây ứ đọng hệ thống cống rãnh, có nơi chất thải dày 0,2-0,3m, kéo dài cả cây số. Không những vậy, đặc thù của làng nghề là chế biến tinh bột nên lượng nước thải rất lớn khoảng 3.155.000m3/năm. Kết quả phân tích mẫu nước lấy từ 3 làng nghề cho thấy: Nguồn nước mặt có màu đen xám, cao hơn mức độ màu trung bình 2,12 lần, hàm lượng chất ô nhiễm cao Coliform (một nhóm vi khuẩn rất phổ biến) cao hơn vài nghìn lần so với mức trung bình, lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn 2mg/l, lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước cao hơn tiêu chuẩn 18,23 lần, lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng cũng cao hơn tiêu chuẩn 12,3 lần… Đây là nguyên nhân khiến các bệnh về mắt, đường hô hấp của người dân cao gấp 3-5 lần so với các địa phương khác. Ngoài ra, các làng nghề khác trên địa bàn cũng có chiều hướng gia tăng ô nhiễm như: làng bún bánh Cao Hạ (Đức Giang), sản xuất két bạc (Kim Chung), sản xuất bánh kẹo và dệt kim ở La Phù...
Nhiều dự án cải tạo môi trường "phá sản"
Trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên bức xúc thì nhiều chương trình, dự án nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn lại không phát huy hiệu quả. Cụ thể, từ năm 1995-2001, huyện Hoài Đức đã đầu tư xây dựng công trình sản xuất phân hữu cơ từ bã sắn, đót và xử lý nước thải ở xã Dương Liễu trị giá gần 5 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, công trình đã bàn giao cho Công ty TNHH Mặt Trời Xanh sử dụng nhưng không phát huy được hiệu quả. Theo UBND xã Dương Liễu, công trình được thiết kế xây dựng từ năm 1995, trên diện tích mặt bằng chỉ 5.000m2 nên công suất thiết kế, xử lý nước thải, chất thải nhỏ hơn nhiều so với lượng chất thải hiện nay. Hơn nữa, Công ty TNHH Mặt Trời Xanh cũng không tìm ra được thị trường cho sản phẩm phân bón hữu cơ nên sản xuất bị đình đốn. Ngoài dự án trên, năm 2002, được sự giúp đỡ của Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), xã Minh Khai cũng hoàn thành công trình xử lý nước thải với công suất 120m3/ngày với tổng số tiền đầu tư 100 triệu đồng. Nhưng khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, công trình đã phải "đắp chiếu" do đặt sai vị trí. Vì nằm sát khu dân cư nên mỗi khi xử lý nước thải, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, bay vào trường học và khu vực liền kề gây bức xúc trong dân. Sự đổ vỡ của các dự án khiến công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề trên địa bàn trở nên bức xúc. Trong khi đó, kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường của huyện hằng năm đều tăng theo cấp số nhân. Nếu như năm 2006, kinh phí sự nghiệp môi trường của huyện chỉ đạt 30 triệu đồng, thì đến năm 2007 đã tăng lên 700 triệu đồng, năm 2008 là 3,2 tỷ đồng; năm 2009, huyện tiếp tục bố trí 3,2 tỷ đồng, thành phố hỗ trợ 1,5 tỷ đồng và đến năm 2010, kinh phí sự nghiệp môi trường trích từ ngân sách huyện đã đạt trên 4 tỷ đồng.
Mới đây, UBND huyện Hoài Đức đã xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường huyện đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Mục tiêu đến 2015, tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, làng nghề có hệ thống thu gom nước thải, rác thải. Những cơ sở lớn phải có hệ thống xử lý nước, phân loại chất thải rắn; các khu chăn nuôi tập trung đều có hệ thống ủ biogas… Ngay trong tháng 6 này, Bộ TN&MT đã khảo sát, đầu tư công trình xử lý nước thải công suất 13.000m3/ngày/đêm. Dự kiến đến tháng 9-2010 sẽ khởi công đúng vào dịp diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Theo như thiết kế, công trình sẽ cơ bản giải quyết được những bức xúc về nước thải sản xuất của cụm 3 làng nghề Minh Khai, Dương Liễu và Cát Quế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, với hàng loạt các công trình bị phá sản trước đây, thì những dự án, công trình mới tiêu tốn hàng tỷ đồng liệu có phát huy hiệu quả? Điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành nhất là UBND huyện Hoài Đức cần có sự cân nhắc kỹ về tính khả thi trước khi xây dựng công trình. Nếu không, tiền đầu tư nhiều nhưng công trình thì lại đắp chiếu và ô nhiễm vẫn là "chuyện thường ngày ở huyện".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.