Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liệu có khả thi?

Thống Nhất - Tuấn Khải| 26/07/2017 06:45

(HNM) - Chủ trương sử dụng xe buýt dành riêng để đưa đón học sinh trên địa bàn TP Hà Nội, dự kiến sẽ áp dụng từ năm học 2017-2018, đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận...

Việc đưa đón học sinh bằng xe buýt cần được cân nhắc, có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.


Khoảng 30% học sinh có nhu cầu sử dụng xe buýt

Đưa đón con cái đến trường là vấn đề khá nan giải với nhiều gia đình ở Hà Nội. Trước thực tế này, tháng 5-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã tổ chức khảo sát nhu cầu sử dụng xe buýt của học sinh từ cấp tiểu học đến THPT tại các quận và huyện Gia Lâm, Đông Anh. Phiếu hỏi được gửi tới học sinh, phụ huynh với các nội dung cơ bản nhằm xác định nhu cầu sử dụng xe buýt, địa chỉ nơi ở, nơi học tập của học sinh, các điểm đưa - đón phù hợp… Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đây là mong muốn của ngành Giáo dục nhằm giảm sự vất vả trong đưa đón học sinh, đồng thời bảo đảm an toàn cho các em. Nếu được UBND thành phố phê duyệt, xe buýt đưa đón học sinh sẽ có màu sơn riêng, sử dụng thẻ thông minh, đưa đón theo khung giờ và vị trí cố định...

Ghi nhận từ thực tế cho thấy có khá nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương này. “Hằng ngày em đi xe đạp điện đến trường khá mệt. Nếu có xe buýt đưa đón, em sẽ tranh thủ nghỉ hoặc ôn bài trên xe, không lo phải tự lái xe hay nắng, mưa bất chợt” - em Lê Minh Đức, học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) hào hứng nói. Theo bà Nguyễn Thị Ngân (phụ huynh học sinh Trường THPT Thạch Bàn, quận Long Biên), nếu có nhiều học sinh đi xe buýt thì việc sử dụng phương tiện cá nhân sẽ giảm, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, phụ huynh bớt lo lắng khi để con tự đến trường. Mặt khác, việc đi xe buýt còn tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Theo quy hoạch mạng lưới trường học hiện nay của Hà Nội, mỗi phường đều có ít nhất 1 trường tiểu học, 1 trường THCS. Học sinh tiểu học và THCS phần lớn đều học tại nơi cư trú nên khoảng cách từ nhà đến trường khá gần. Kết quả khảo sát cho thấy, có khoảng 70% số học sinh sống cách trường dưới 3km, việc đi học chủ yếu do gia đình đưa đón hoặc tự túc. Trong số hơn 300 nghìn học sinh trả lời phiếu hỏi, khoảng 30% cho biết có nhu cầu di chuyển bằng xe buýt, tập trung ở khối THPT và học sinh cuối cấp THCS.

Khả thi hay không?

Việc sử dụng xe ô tô để đưa đón học sinh đã được triển khai tại Hà Nội từ vài năm gần đây, nhưng là do nhà trường và phụ huynh tự tổ chức, phục vụ riêng cho học sinh của trường. Tuy nhiên với chủ trương đưa đón học sinh bằng xe buýt, dự kiến sẽ được triển khai từ năm học mới này, không ít người bày tỏ sự lo ngại về tính khả thi. Ông Nguyễn Thành Chung (giáo viên Trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) đặt vấn đề: "Hiện nay, khi đưa đón học sinh, các trường đều cử giáo viên đi kèm. Sắp tới, khi tự di chuyển bằng xe buýt, ai sẽ hỗ trợ các em nếu có sự cố xảy ra, nhất là đối với học sinh tiểu học, THCS còn nhỏ tuổi, kỹ năng xử lý tình huống chưa tốt? Mô hình này cần được thiết kế phù hợp, tiện lợi và phải có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh".

Ông Lê Tuấn Anh (phụ huynh học sinh Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm) đang có con trai đi xe buýt công cộng cho biết, khi con học đến lớp 8 thì gia đình mới tạm yên tâm cho con tự đi xe buýt đến trường, nhưng nếu là con gái thì sẽ không dám cho đi. “Phần lớn các gia đình đều ở trong ngõ, nếu sử dụng xe buýt, các con phải đi bộ từ nhà ra bến và ngược lại, bất trắc tiềm ẩn nhất là trong tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm như hiện nay. Đưa đón học sinh nhỏ tuổi thì phải có cô giáo đi kèm, học sinh lớn thì có thể sử dụng xe buýt công cộng”- ông Lê Tuấn Anh chia sẻ. Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thu Anh (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa) cho rằng, việc đưa đón bằng xe buýt chỉ phù hợp với học sinh THPT, còn với cấp tiểu học, THCS thì phụ huynh muốn tự đưa đón con.

Lý giải về nỗi băn khoăn nói trên, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng Đào tạo đại học (Trường Đại học Giao thông vận tải) cho biết, hiện nay các bến xe buýt tập trung chủ yếu ở các trục đường lớn (trên 7m) trong khi đa số trường học nằm trên các trục đường nhỏ. Để tiếp cận xe buýt, học sinh phải đi bộ với khoảng cách khá xa - chỉ phù hợp với học sinh cuối cấp THCS và học sinh THPT. Mặt khác, thời gian học của các trường khá giống nhau nên nhu cầu đi xe sẽ cùng thời điểm, nghĩa là cần rất nhiều xe; với điều kiện giao thông như hiện nay, việc đó có thể gây ách tắc, ảnh hưởng đến việc học.

Liên quan đến chủ trương tổ chức xe buýt đưa đón học sinh, đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, Transerco đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát nhu cầu sử dụng xe buýt của học sinh. Sau khi phân tích thông tin tổng hợp từ kết quả điều tra, cơ quan chức năng sẽ phân loại nhu cầu và xây dựng đề án xe buýt đưa đón học sinh phù hợp. Về tiến độ triển khai các bước tiếp theo, hiện các bên liên quan đang chờ chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liệu có khả thi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.