(HNM) - Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, từ ngày 15-9, sản phẩm đồ chơi trẻ em (ĐCTE), 6 loại thiết bị điện, điện tử (TBĐ) khi lưu thông trên thị trường đều phải gắn dấu hợp quy (tem CR).
Chưa thực hiện nghiêm túc
Đồ chơi điện tử không có tem hợp chuẩn CR vẫn được bày bán ở nhiều nơi. Ảnh: T. K
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới tại một số siêu thị điện máy lớn trên các phố Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Trần Duy Hưng (Hà Nội), 6 loại TBĐ gồm: dụng cụ điện đun nước nóng tức thời; dụng cụ điện đun nước và chứa nước nóng; máy sấy tóc và các dụng cụ làm đầu khác; ấm đun nước, nồi cơm điện; quạt điện gắn tem CR đã có bày bán nhưng chưa phổ biến. Tại siêu thị Media Mart Hai Bà Trưng, khi xem một số mặt hàng thuộc diện quy định đều không thấy tem CR. Một số mặt hàng nhập khẩu chỉ dán tem chống hàng giả và nhân viên trực tiếp bán hàng nói không biết quy định nêu trên. Tại trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim trên phố Tràng Thi, một số mặt hàng đã có tem CR nhưng tổng thể thì việc thực hiện quy định chưa nghiêm túc.
Ngược lại, hầu hết TBĐ bày bán tại siêu thị Intimex (phố Lê Thái Tổ) đều đã được gắn tem CR. Nhưng tại các cửa hàng kinh doanh nhỏ - lẻ, khi hỏi mua hàng có CR, chủ hàng cho rằng, nếu là hàng ngoại nhập thì tùy mặt hàng có tem nhập khẩu, còn hàng sản xuất trong nước thì tem chứng nhận là "Hàng Việt Nam chất lượng cao" chứ chưa biết đến tem CR.
Riêng với ĐCTE, ngày 15-9, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (QLCLSPHH) phối hợp với Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra việc thực hiện dán tem hợp quy (CR) đối với ĐCTE tại siêu thị BigC (đường Trần Duy Hưng). Kết quả sơ bộ cho thấy, hầu hết ĐCTE bày bán đã dán tem CR nhưng nhãn phụ in tiếng Việt trên bao bì sản phẩm đồ chơi nhập khẩu nhỏ, khiến người tiêu dùng khó nhận biết... Khảo sát tại phố Lương Văn Can cho thấy, khoảng một nửa số loại đồ chơi bày bán đã có dấu CR. Tuy nhiên, nhiều chủ hàng phản ánh, khách hàng chỉ chú ý đến hình thức, giá cả hoặc thương hiệu chứ rất hiếm người hỏi đến loại có dấu CR. Ngoài ra, một số loại ĐCTE nhập về, có tem CR thì mối hàng đều nâng giá khoảng 10% so với trước khi có dấu.
Khách hàng là người quyết định
Phải khẳng định rằng, việc quy định gắn tem CR đối với TBĐ và ĐCTE là nhằm bảo vệ khách hàng và những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng nói trên đều được tự in, tự dán tem CR. Nhưng trước đó, doanh nghiệp sẽ phải mang hàng hóa đi kiểm định, nếu đạt yêu cầu mới được phép dán tem CR.
Trao đổi với báo giới, ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cho biết, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn, có uy tín coi việc dán tem CR là cơ hội để khẳng định sản phẩm hàng hóa của mình so với hàng cùng loại. Các cơ sở sản xuất lớn trong nước, đặc biệt là nhập khẩu chính ngạch thì sản phẩm hàng hóa loại này đã được quản lý theo quy định. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhập lậu, không hợp tác trong việc gắn tem CR vì đối tượng hàng hóa đó đã vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLCLSPHH cho biết, những ngày tới, các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra việc thực hiện quy định dán tem CR. Đặc biệt, khi Trung thu sắp đến, việc kiểm tra sẽ được làm ráo riết ở những tuyến phố bày bán nhiều ĐCTE. Những cơ sở bày bán ĐCTE không có tem hợp quy sẽ bị xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng, tịch thu và tiêu hủy sản phẩm.
Thực tế cho thấy, một chính sách khi mới đi vào cuộc sống không dễ gì phát huy được ngay tác dụng. Chuyện mũ bảo hiểm là ví dụ thấy rõ. Những ngày đầu, việc thực hiện gắn tem khá tốt nhưng càng về sau, sự biến tướng, tràn lan mũ giả, mũ nhái kiểu dáng trở nên phổ biến trong khi các cơ quan thực thi pháp luật hầu như án binh bất động. Trong khi đó, việc lực lượng chuyên trách QLCLSPHH không được quyền xử phạt, tịch thu tang vật khi phát hiện có vi phạm cũng là một trong những hạn chế hiện nay. Trong bối cảnh ấy, nếu khách hàng không tẩy chay mặt hàng theo quy định phải có tem CR, cơ quan quản lý không xử lý quyết liệt thì tình trạng "đánh trống bỏ dùi" rất dễ xảy ra.
Theo công bố mới nhất của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, đến cuối tháng 8-2010 cả nước có 119 đơn vị nhập khẩu, 17 đơn vị sản xuất trong nước và 311 đơn vị kinh doanh được chứng nhận hợp quy cho mặt hàng ĐCTE. Tương tự, con số này với 6 loại TBĐ lần lượt là 262, 28, 470. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.