(HNM) - Từ ngày 1-8-2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chính thức bán rộng rãi xăng sinh học E5 tại hơn 20 điểm ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Hải Phòng và Hải Dương. Sau gần 2 năm tạm dừng bán mặt hàng này do thiếu chế tài kiểm soát cồn ethanol, người tiêu dùng Việt Nam lại có cơ hội tiếp cận loại nhiên liệu đang được rất nhiều nước sử dụng.
Xăng E5 của Công ty Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí đã được đưa ra thị trường Việt Nam. |
Chậm so với thế giới
Theo các nhà khoa học, nhiên liệu sinh học (NLSH) mang lại nhiều lợi ích, trong đó nổi bật nhất là được sản xuất từ nguyên liệu thực vật khá phong phú và tái tạo được; không chứa các chất gây độc hại như dầu mỏ, khả năng phân hủy sinh học cao; góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính và phát thải khí độc hại khác, giảm chi phí khắc phục ô nhiễm. Việc nghiên cứu, sử dụng NLSH, trong đó chủ yếu là cồn ethanol đã thành xu thế tất yếu ở nhiều quốc gia để dần thay thế xăng, dầu có nguồn gốc hóa thạch trong các thập kỷ tới.
NLSH là những nhiên liệu có nguồn gốc từ các vật liệu sinh khối như củi, gỗ, rơm, trấu, phân và mỡ động vật... nhưng đây chỉ là những dạng nhiên liệu thô. NLSH dùng cho giao thông vận tải chủ yếu gồm các loại cồn sản xuất bằng công nghệ sinh học để sản xuất ra Gasohol (Methanol, Ethanol, Buthanol, nhiên liệu tổng hợp Fischer Tropsch); các loại dầu sinh học để sản xuất diesel sinh học (dầu thực vật, dầu thực vật phế thải, mỡ động vật). |
NLSH không chỉ được các nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Brazil ưu tiên phát triển mà các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia quan tâm từ nhiều năm trước. Năm 1985, Thái Lan đã triển khai dự án phát triển công nghệ sản xuất cồn ethanol từ sắn và diesel sinh học từ dầu cọ. Tháng 9-2000, nước này thành lập Ủy ban Ethanol quốc gia để điều hành chương trình phát triển NLSH; tháng 8-2002 ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng cho các nhà đầu tư vào NLSH và điều tiết thuế để gasohol (E10 - pha 10% ethanol) có giá bán thấp hơn 0,5 bạt/lít so với xăng. Hiện nay, với quy mô khoảng 5 triệu lít xăng E10 được tiêu thụ tại 10.000 cây xăng mỗi ngày, Thái Lan khẳng định sẽ sử dụng E10 và B10 (10% diesel sinh học) trong cả nước vào thập kỷ tới.
Câu hỏi mà người tiêu dùng quan tâm là việc sử dụng NLSH có bảo đảm được hiệu suất động cơ, tuổi thọ động cơ như khi dùng xăng, dầu từ nguồn gốc hóa thạch hay không? Việc sử dụng rộng rãi cồn ethanol kèm xăng, dầu ở trên 50 quốc gia khác đã là câu trả lời rất rõ ràng.
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu, sử dụng NLSH bắt đầu từ khoảng 20 năm trước nhưng mới ở quy mô nhỏ. Gần đây, việc nghiên cứu, ứng dụng NLSH mới được triển khai "ra tấm, ra món" khi nhiều viện nghiên cứu, trường ĐH và các doanh nghiệp cùng vào cuộc. Đặc biệt, cuối năm 2007, với việc phê duyệt "Đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025", Chính phủ đã "bật đèn xanh" cho việc đưa NLSH vào cuộc sống. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra có thể thấy, Việt Nam đang đi sau rất nhiều nước.
Bài toán nguyên liệu
Theo đánh giá của Cục Thông tin KHCN quốc gia, tiềm năng về một số loại cây trồng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất NLSH ở Việt Nam như lúa, ngô, sắn, khoai lang, mía là rất lớn. Những cây trồng này có khả năng thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của nhiều vùng sinh thái là điều kiện tốt để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung hướng đến sản xuất NLSH ở quy mô công nghiệp. Đáng lưu ý là hiện nay, Bộ NN&PTNT đã cho nhập khẩu một số giống jatropha (cây nguyên liệu để sản xuất ra diesel sinh học, có thể trồng ở vùng đất dốc, nghèo kiệt dinh dưỡng) để trồng khảo nghiệm tại Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ. Nếu sử dụng hợp lý đất hoang hóa, gò đồi để trồng cây jatropha phục vụ sản xuất NLSH thì lợi ích sẽ rất lớn.
GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - người nhiều năm nghiên cứu về NLSH cho rằng, Việt Nam nên quan tâm đến việc sản xuất NLSH, cụ thể là cồn ethanol từ các chất thải hữu cơ trong quá trình sản xuất nông nghiệp như rơm rạ, chất thải chăn nuôi... Mặt khác, nước ta có nhiều vùng đồi núi, có thể phát triển các loại cây nguyên liệu làm xăng sinh học. Nếu quy hoạch tốt và có công nghệ chế biến thích hợp thì việc phát triển xăng sinh học là rất hiệu quả trong điều kiện giá dầu mỏ biến động bất thường.
Nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng và nước ta vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn trong thời gian tới. Theo Bộ Công thương, đến năm 2025, nước ta vẫn phải nhập khoảng 24 triệu tấn xăng, cho dù lúc đó cả 3 nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã đi vào hoạt động. Con đường phát triển duy nhất là sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó NLSH là sản phẩm chủ lực. Rõ ràng sức ép ấy buộc chúng ta phải có bước đi thích hợp từ nghiên cứu đến sản xuất năng lượng. Việc bán, sử dụng xăng E5 tuy khá chậm so với thế giới nhưng là điểm mở đầu cho việc hình thành một thói quen mới của người tiêu dùng, đồng thời cũng thể hiện quan điểm phát triển "sạch" của Việt Nam trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.