(HNM) - Lâu nay, việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn TP Hà Nội đã có sự liên thông giữa các ngành, các cấp nhưng kết quả vẫn bị... trả chậm.
Trước thực tế đó, thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan sớm xây dựng các quy trình liên thông. Thời gian qua có một số đề án về xây dựng quy trình liên thông đã hoàn thành là: "Hoàn thiện quy trình giải quyết theo cơ chế "một cửa liên thông" đối với các TTHC thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của hai hay nhiều sở, ban, ngành, UBND thành phố liên quan đến lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) mà Sở LĐ-TB&XH làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả"; "Xây dựng hoàn thiện quy trình giải quyết theo cơ chế "một cửa liên thông" đối với các TTHC thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của hai hay nhiều sở liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng; quản lý đất đai; LĐ-TB&XH; tư pháp và hộ tịch". Hiệu quả sau một thời gian thực hiện các đề án này là bước đầu rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ hành chính.
Tuy nhiên, số lượng các TTHC thực hiện theo cơ chế "một cửa liên thông" còn ít, do các cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì chưa xây dựng quy trình liên thông. Bên cạnh đó, một số sở, ngành có trách nhiệm phối hợp giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, người dân theo cơ chế "một cửa liên thông" vẫn chưa thực hiện đúng trách nhiệm, dẫn tới tình trạng một số thủ tục liên thông vẫn bị chậm.
Để khắc phục vấn đề này, những năm qua, Sở Nội vụ thành phố đã tổ chức các đoàn trực tiếp khảo sát về việc giải quyết TTHC liên thông tại các sở, ngành, quận, huyện. Nguyên nhân chủ yếu, các đơn vị "đổ lỗi" việc chậm, muộn giải quyết TTHC là do các đơn vị khác không tích cực phối hợp. Do đó, đối với các thủ tục liên thông thì nhất thiết phải xây dựng được quy trình liên thông. Trong đó, quy định rõ thời hạn giải quyết đối với từng đơn vị, đồng thời, có cơ chế xử lý đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy trình.
Trong 5 năm tới (2015-2020), cải cách hành chính vẫn sẽ tiếp tục được TP Hà Nội xác định là khâu đột phá, trong đó, trọng tâm là tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCCVC. Vì thế, việc giải quyết các TTHC liên thông cần được tập trung thực hiện hiệu quả. Hiện, thành phố vẫn tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các đơn vị.
Nên chăng, trước mắt, các đoàn kiểm tra lựa chọn ngay vấn đề giải quyết TTHC liên thông tại các đơn vị để sớm khắc phục triệt để tình trạng "liên thông vẫn chậm" đã tồn tại lâu nay. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị xây dựng đề án liên thông giải quyết TTHC đối với từng lĩnh vực cụ thể để nâng số lượng TTHC liên thông, giảm số lần đi lại của công dân, doanh nghiệp khi làm TTHC.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.