(HNM) - Làm thế nào để hạn chế xuống mức thấp nhất ảnh hưởng tới việc đi lại của hành khách trong quá trình sửa chữa, nâng cấp đường lăn, sân đỗ của sân bay Tân Sơn Nhất; có hay không việc nhà thầu Hàn Quốc khi tham gia dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã thổi phồng chi phí để lập quỹ đen
Nghi vấn nhà thầu Hàn Quốc “thổi phồng” chi phí để lập quỹ “đen” lên tới hàng trăm tỷ đồng khi xây dựng cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn chưa được làm rõ. Ảnh: Nam Khánh |
Tại buổi giao ban báo chí quý I-2015, nhận định về quy hoạch luồng tuyến bến xe tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng: Hà Nội có nhiều bến xe ở các khu vực. Hiện nay, nhu cầu vận tải hành khách rất đa dạng. Không phải ở phía tây, người ta chỉ đi phía tây mà đi cả các phía khác. Nếu quan điểm giản đơn là phía tây chỉ đi phía tây thì hành khách sống tại các khu vực khác phải chịu thêm một chuyến đi nữa, tăng chi phí, tăng thời gian, tác động vào giao thông đô thị. Hơn nữa, giao thông đô thị tại Hà Nội đã hình thành tuyến vành đai khá rõ. Các bến xe đều đã có thể kết nối vào vành đai và không phải đi xuyên tâm. Do đó, tôi cho rằng không nhất thiết bến xe phía nào chỉ đi phía đó, để đáp ứng nhu cầu nhanh chóng, tiện lợi, giảm chi phí cho người đi lại. |
Sửa chữa sân bay Tân Sơn Nhất: Cấp bách
Việc sửa chữa đường băng Tân Sơn Nhất ngay khi chuẩn bị bước vào mùa hè, mùa cao điểm du lịch, liệu có hợp lý là vấn đề được thắc mắc nhiều nhất. Trả lời vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: Đây là dự án cấp thiết và cấp bách. Trong năm nay, các hãng hàng không tiếp nhận thêm nhiều máy bay mới. Trong khi Tân Sơn Nhất là sân bay chính, nhu cầu về sân đỗ rất lớn. Việc cải tạo này sẽ góp phần giảm tải cho khu vực đường lăn Bắc Nam (dưới chân Đài chỉ huy cũ), đồng thời bố trí thêm được 4 vị trí đỗ tàu bay B777-300ER, 11 vị trí đỗ tàu bay A321-200 và tương đương, nâng khả năng của sân đỗ lên 46 vị trí đỗ tàu bay. Nói như đại diện của Vietnam Airlines, công trình này hoàn thành sớm ngày nào, hãng hàng không lợi sớm ngày đó.
Cũng theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo sẽ khởi công dự án vào ngày 10-4 và kéo dài 10 tháng. Quá trình thi công cần cố gắng tối đa để không ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách. Bên canh đó, các hãng hàng không phải phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam để có được các phương án tốt nhất. Về phía Cục, trước ngày 10-4 phải có báo cáo cụ thể, chi tiết khi hạn chế khai thác, tàu bay cất, hạ cánh sẽ lăn như thế nào, phối hợp giữa kiểm soát không lưu với dịch vụ mặt đất ra sao… để bảo đảm kế hoạch khai thác các chuyến bay cũng như tránh chậm, hủy chuyến do việc sửa chữa, nâng cấp.
Nhà thầu Hàn Quốc lập quỹ "đen"? - Chưa có thông tin chính thức
Báo chí Hàn Quốc đưa tin nhà thầu POSCO trong quá trình tham gia làm đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã thông đồng với nhà thầu phụ của Việt Nam nhằm "thổi" chi phí, qua đó lập quỹ "đen" lên đến gần 199 tỷ đồng. Các cơ quan truyền thông đặt câu hỏi: Bộ GTVT có biết thông tin này và hướng xử lý ra sao? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Đến nay, Bộ chưa nhận được thông tin chính thống nào. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, thực hiện từ 2009, hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2014. Dự án có 8 gói thầu, thực hiện bằng đấu thầu quốc tế. Trong đó, Nhà thầu POSCO (Hàn Quốc) trúng thầu 3 gói A1, A2, A3, còn lại là các nhà thầu KENGNAM, DOOSAN và Vinaconex. Các gói thầu của dự án được nhà tài trợ kiểm tra, kiểm soát, có thư phản hồi là dự án thực hiện đúng quy định quốc tế. Trong quá trình thực hiện, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thay mặt Bộ GTVT làm chủ đầu tư, đã triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế, tư vấn thiết kế, đấu thầu, xây lắp… Các thủ tục quản lý đầu tư được tiến hành nghiêm ngặt. Tất cả gói thầu qua đấu thầu quốc tế so với giá ban đầu đưa ra trong dự toán đều thấp hơn. Qua đánh giá sơ bộ của Kiểm toán Nhà nước thì các dự án đều thực hiện đúng quy trình đề ra. Việc thanh toán giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ theo phương thức nào thuộc thẩm quyền của nhà thầu, Tổng công ty VEC và Bộ GTVT không can thiệp. VEC chỉ thanh toán theo khối lượng được tư vấn giám sát và Ngân hàng ADB chấp thuận. Khi nào có thông tin chính thức từ phía cơ quan chức năng của Hàn Quốc, Bộ GTVT sẽ công bố cụ thể.
Về việc nhà tài trợ JICA yêu cầu hoàn trả số tiền đã giải ngân cho hợp đồng tư vấn với Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) trong dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, vụ án Tập đoàn JTC đưa hối lộ vẫn đang trong quá trình điều tra và chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, khoản tiền này chắc chắn sẽ phải được hoàn lại. Số tiền là bao nhiêu thì đang còn phải rà soát lại hợp đồng. Nguồn vốn đầu tư đều phải minh bạch, rõ ràng.
POSCO đã trúng thầu các gói thầu xây dựng hai dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế, được tiến hành minh bạch với giá trúng thầu thấp hơn 15% - 30% giá dự toán của gói thầu. Theo hợp đồng đã ký kết với POSCO và các nhà thầu khác tại các dự án do VEC làm chủ đầu tư, phương thức, hình thức thanh toán giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ thuộc thẩm quyền của nhà thầu chính, VEC không can thiệp. VEC chỉ thanh toán cho nhà thầu chính các khối lượng hoàn thành bảo đảm chất lượng được tư vấn giám sát xác nhận và cơ quan kiểm soát chi là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cùng Bộ Tài chính và được nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chấp thuận. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.