Thế giới

Liên minh châu Phi (AU) tiến hành Đại hội lần thứ 38:Hướng tới mục tiêu bền vững

Quỳnh Dương 17/02/2025 - 08:27

Trong 2 ngày cuối tuần, Đại hội thường niên lần thứ 38 của Liên minh châu Phi (AU) đã diễn ra tại Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) với chủ đề "Công lý cho người châu Phi và người gốc Phi thông qua bồi thường". Ngoài chủ đề chính, các cuộc thảo luận tập trung vào nhiều lĩnh vực như an ninh khu vực, phát triển kinh tế, cải cách thể chế cùng những vấn đề chiến lược hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2063.

the-gioi.jpg
Đại hội thường niên lần thứ 38 của Liên minh châu Phi (AU) được tổ chức tại Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia).

Chủ đề của đại hội năm nay là sự tiếp nối của những nội dung đã bàn thảo tại đại hội lần thứ 37. Các nhà lãnh đạo nhận định rằng, việc theo đuổi công lý và công bằng liên quan đến người dân châu Phi và tất cả người gốc Phi trên toàn cầu là một chính sách lớn. AU nhấn mạnh: "Sự phức tạp liên quan tới việc giải quyết những sai trái trong quá khứ, cho dù chúng bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dân, chế độ nô lệ xuyên Đại Tây Dương, chế độ phân biệt chủng tộc hay sự phân biệt đối xử có hệ thống, đòi hỏi phải được xem xét kỹ lưỡng và có cách tiếp cận chiến lược".

Theo Thư ký điều hành Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) Claver Gatete, tác động lâu dài của nạn buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương và nạn bóc lột thuộc địa trong quá khứ, đã cướp đi người dân, tài nguyên và phẩm giá của châu Phi. Điều này cũng dẫn đến tình trạng bất bình đẳng dai dẳng trong các hệ thống tài chính toàn cầu, cơ cấu thương mại và thể chế quản trị, ảnh hưởng đến lục địa Đen cho tới ngày nay. Một trong những căn cứ có thể thấy rõ nhất là dù châu Phi - nơi có 30% trữ lượng khoáng sản của thế giới và 65% đất canh tác, song chỉ chiếm 3% thương mại toàn cầu và chỉ 1% sản lượng sản xuất.

AU kêu gọi cách tiếp cận toàn diện đối với công lý bồi thường vượt ra ngoài khía cạnh tài chính, bao gồm: Cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu để bảo đảm sự công bằng cho châu Phi trong việc định hình các chính sách kinh tế; khai thác Khu vực thương mại tự do Lục địa châu Phi (AFCFTA) để thúc đẩy thương mại và công nghiệp hóa nội khối; ưu tiên gia tăng giá trị cho khoáng sản của châu Phi để bảo đảm rằng, các nguồn tài nguyên mang lại lợi ích trước tiên cho người châu Phi; thúc đẩy quan hệ đối tác với cộng đồng người châu Phi ở nước ngoài để tăng cường hợp tác kinh tế và văn hóa; đẩy nhanh quá trình hội nhập của châu Phi thông qua việc thực hiện Nghị định thư AU về tự do di chuyển của người dân nhằm tăng cường hợp tác khu vực.

Đại hội lần thứ 38 của AU diễn ra trong bối cảnh các cuộc xung đột ở Sudan và Congo ngày càng leo thang, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân thường và an ninh khu vực. Theo AU, xung đột tại Sudan đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Ước tính 12 triệu người phải di tản và hàng trăm nghìn trẻ em phải chịu đựng tình trạng suy dinh dưỡng do chiến tranh. Trong khi quân đội Sudan kiểm soát miền Đông và miền Bắc đất nước, RSF đã giành được nhiều thắng lợi trên hầu hết khu vực Darfur, nơi đã trong tình trạng khốn cùng sau khi cuộc nội chiến kết thúc cách đây 5 năm, cướp đi sinh mạng của 300.000 người. Ủy viên Liên minh châu Phi về các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh Bankole Adeoye cho rằng, chiến tranh ở Sudan cần phải chấm dứt vì nó ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khu vực. Hiện tại, Nam Sudan, Ethiopia, Ai Cập, Chad đang tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn.

Tại Congo, nhóm phiến quân M23 đã chiếm Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu và thành phố Bukavu thuộc tỉnh Nam Kivu. Bạo lực đã khiến hơn 2.700 người thiệt mạng từ cuối tháng 1-2025. Hơn 7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trên khắp đất nước, trong đó có gần 3 triệu người chỉ riêng ở Bắc Kivu.

Bởi vậy, các nhà lãnh đạo AU đã đưa ra một số quyết định và cam kết, đặc biệt là về các vấn đề như thúc đẩy chương trình nghị sự phát triển của châu Phi, thúc đẩy hòa bình và an ninh để đạt được các mục tiêu bền vững như đã đề ra vào năm 2063, qua đó, giải quyết nhiều thách thức, biến châu Phi thành một nơi tốt đẹp hơn, không có xung đột.

Chương trình Nghị sự 2063 được AU thông qua vào năm 2013, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của châu Phi. Tầm nhìn này không chỉ hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế mà còn đề cao các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường. Mục tiêu chính là xây dựng một châu Phi thống nhất, tự cường, và có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Tuy nhiên, những cuộc xung đột, bất ổn đang đẩy lùi sự phát triển của châu lục này và cần phải có sự hợp lực toàn cầu, những bước đi đột phá mới có thể bảo đảm được các mục tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên minh châu Phi (AU) tiến hành Đại hội lần thứ 38: Hướng tới mục tiêu bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.