(HNM) - Liên minh cầm quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội Syria. Sự ủng hộ của cử tri là thắng lợi và tạo đà để nhà lãnh đạo Syria ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ mới vào năm sau. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra những áp lực to lớn khi quốc gia Trung Đông đang đối mặt với những khó khăn chồng chất do xung đột, dịch Covid-19 và các đòn trừng phạt kinh tế.
Theo kết quả do Ủy ban Bầu cử trung ương Syria công bố ngày 21-7 (giờ địa phương), đảng Baath của Tổng thống B.Al-Assad và các đảng liên minh đã giành 177 trong tổng số 250 ghế tại Quốc hội. Đây là cuộc bầu cử lập pháp lần thứ ba của Syria kể từ khi xung đột bắt đầu bùng phát tại quốc gia này năm 2011. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát 70% đất nước sau khi đánh bật phiến quân và các phần tử khủng bố tại nhiều khu vực.
Sau khi bị hoãn 2 lần do lo ngại tình hình dịch Covid-19, vào ngày 19-7, gần 7.300 điểm bỏ phiếu tại Syria đã được mở cửa để người dân đi bầu cử, trong khi hơn 1.400 điểm bỏ phiếu khác được thiết lập để các binh sĩ nước này thực hiện quyền công dân. Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Bầu cử Syria cho biết, tỷ lệ người dân tham gia bỏ phiếu chỉ đạt 33%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 57% của năm 2016 do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cùng với những bước tiến trên thực địa, đây là lần đầu tiên cuộc bầu cử Quốc hội Syria diễn ra tại các căn cứ địa cũ của phe nổi dậy mà quân đội Syria đã chiếm lại, như vùng Ghouta ở phía Tây Nam hay tỉnh Deraa ở miền Nam. Tuy nhiên, tại tỉnh Idlib giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, địa phương cuối cùng do các tay súng cực đoan chiếm đóng, hoạt động bỏ phiếu không diễn ra. Cuộc bầu cử cũng không có sự tham dự của gần 5 triệu người tị nạn Syria sống rải rác tại Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan...
Thế đa số dành cho đảng Baath của Tổng thống B.Al-Assad và các đồng minh là điều được dự đoán trước bởi các lực lượng đối lập không có mặt trong cuộc bầu cử lần này mà hầu hết là các ứng cử viên độc lập. Thế nhưng, kết quả trên không được người Kurd ủng hộ và các hòm phiếu cũng không đặt tại các khu vực do chính quyền tự trị người Kurd kiểm soát. Đại diện người Kurd cho rằng, Chính phủ vẫn duy trì cách tiếp cận như chưa có khủng hoảng xảy ra trong khi điều cần làm là tập trung viết lại Hiến pháp mới theo tiến trình chính trị được quốc tế ủng hộ, sau đó mới tiến hành bầu cử.
Sau gần một thập kỷ xung đột triền miên, gần nửa triệu người đã thiệt mạng và hơn một nửa dân số Syria phải rời bỏ nhà cửa. Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, hiện có 11 triệu người Syria cần cứu trợ nhân đạo. Hầu hết các thành phố, trung tâm kinh tế quan trọng của nước này chỉ còn là những đống đổ nát. Nền kinh tế Syria đã rơi tự do trong vài tháng qua với việc đồng bảng Syria mất khoảng 70% giá trị, khiến giá hàng hóa cơ bản tăng cao và người dân không có khả năng chi trả. Đặc biệt, tháng trước, chính quyền của Tổng thống B.Al-Assad đã trở thành tâm điểm của những biện pháp trừng phạt được đánh giá là cứng rắn nhất từ trước đến nay của Mỹ với mục tiêu siết chặt nguồn tài trợ cho Chính phủ quốc gia Trung Đông này...
Do đó, dù kết quả bỏ phiếu sẽ giúp ông B.Al-Assad duy trì ưu thế và rộng đường tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2021, chính quyền của nhà lãnh đạo 54 tuổi này vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi Syria đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế chưa từng thấy. Với những người dân Syria đã mệt mỏi vì chiến sự, mối quan tâm hàng đầu hiện nay không nằm ngoài khát vọng lập lại hòa bình và tái thiết đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.