(HNMCT) - Trong quá trình phát triển, Sơn La luôn xác định Hà Nội là thị trường du lịch trọng điểm, ngược lại, Hà Nội luôn coi Sơn La là điểm đến giàu tiềm năng. Chính sự liên kết, hợp tác ấy đã “kéo” khoảng cách giữa hai địa phương ngày một gần hơn.
Giàu tiềm năng nhưng vẫn ở... tốp cuối
Sơn La là một tỉnh miền núi Tây Bắc được thiên nhiên ban tặng hệ thống cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn cùng khí hậu tuyệt vời, quanh năm mát mẻ. Cùng với đó là sự hình thành, bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, đặc trưng của 12 dân tộc anh em đã tạo nên sức hấp dẫn khó quên của vùng đất được coi là “mái nhà của Đồng bằng Bắc Bộ” này.
Sơn La có 12 dân tộc cùng sinh sống, đông nhất là người Thái, Mông, Dao, Mường... nhưng vẫn bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Đó là các lễ hội và trò chơi dân gian gắn với các mùa vụ trong năm như: Dân tộc Thái có Lễ hội Hoa ban tại Mộc Châu, Lễ hội Lồng tồng (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu), dân tộc Mông có Lễ hội Nào sồng (Mộc Châu), Lễ hội Tu su (Yên Châu), dân tộc La Ha có lễ hội Mừng cơm mới, người Kháng ở Quỳnh Nhai có Lễ hội Xen pang ả...
Ẩm thực cũng là một thế mạnh nổi bật của Sơn La với những món ăn dân dã, mang hương vị đặc trưng của vùng Tây Bắc như gà nướng, pa pỉnh tộp, canh bon, cá giảng, xôi ngũ sắc, rượu men lá rừng... Được chế biến với những bí quyết riêng của mỗi dân tộc nên ẩm thực Sơn La luôn để lại ấn tượng sâu sắc đối với du khách.
Về điểm du lịch, Sơn La nổi tiếng với các thắng cảnh như cao nguyên Mộc Châu, đền vua Lê Thái Tông, tháp cổ Mường Và, hang A Phủ, Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, công trình Thủy điện Sơn La - lớn nhất Đông Nam Á, cầu Pá Uôn...
Trong số đó phải kể đến cao nguyên Mộc Châu. Nằm ở độ cao 1.050m so với mực nước biển, nơi đây được ví như “cỗ máy điều hòa khổng lồ” của vùng Tây Bắc với những nét đặc trưng của bốn mùa trong một ngày. Những năm qua, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã trở thành điểm đến “hot” của du khách trong và ngoài nước, với các điểm “check-in” nổi tiếng như: Đồi chè trái tim, rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông...
Với tiềm năng phong phú, đa dạng như vậy nhưng bao năm qua Sơn La vẫn bị coi là điểm trung chuyển khách từ Hà Nội lên Điện Biên, Lai Châu và các tỉnh lân cận bởi hệ thống giao thông không thuận lợi; sản phẩm du lịch thiếu sự sắc nét; công tác quảng bá, xúc tiến kém; nguồn nhân lực thiếu và yếu; nhận thức về phát triển du lịch chưa được các cấp lãnh đạo cũng như người dân quan tâm đúng mức. Đấy là lý do vì sao việc phát triển du lịch của Sơn La hiện vẫn đang ở tốp cuối của các tỉnh vùng Tây Bắc...
Sẵn sàng kết nối
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, tỉnh Sơn La bước đầu đã có những thay đổi đáng kể, trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương.
Hà Nội là một trong những địa phương quan trọng mà Sơn La hướng tới, như Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 1-4-2013 về phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Tỉnh ủy Sơn La đã nêu rõ: “Xây dựng chương trình hợp tác phát triển du lịch với một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, một số tỉnh Bắc Lào, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội - trung tâm du lịch lớn của cả nước”.
Bà Hoàng Nguyên Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Sơn La khẳng định: “Trong những năm qua, thị trường khách đến Sơn La chủ yếu đến từ Hà Nội, chiếm khoảng 80%. Đây là nguồn khách quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển của du lịch Sơn La”.
Là một doanh nghiệp thường xuyên đưa các đoàn khách lớn từ Hà Nội lên Mộc Châu, Sơn La, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong Travel Phùng Xuân Khánh cho rằng, Mộc Châu nói riêng và Sơn La nói chung còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch. Nhưng muốn đi xa hơn nữa, cần có một tầm nhìn chiến lược, bài bản để thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển là những “rào cản” khiến du lịch Sơn La chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng.
Công tác xúc tiến, quảng bá đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa hình ảnh của điểm đến và địa phương, do vậy đây cũng là một trong những hoạt động được Sơn La đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Nhiều sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch Sơn La tại Hà Nội đã được tổ chức như: Tuần Văn hóa - Du lịch Sơn La tại Hà Nội năm 2018; Giới thiệu nông sản an toàn xuất khẩu, quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La cũng phối hợp, hỗ trợ Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các đoàn khảo sát, xây dựng tour, tuyến du lịch liên kết giữa Hà Nội với Sơn La và các tỉnh Tây Bắc...
Tuy nhiên, theo ông Lương Duy Doanh, Trưởng ban truyền thông Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội UNESCO, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Năm Sao (Fivestar Travel), du lịch Sơn La cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để lan tỏa những thế mạnh sẵn có. Với gần 1.000 doanh nghiệp thành viên, câu lạc bộ sẵn sàng hỗ trợ, tổ chức các đoàn famtrip lớn đến Sơn La khảo sát, tạo ra các điểm du lịch phát triển song song với quảng bá tuyên truyền, đồng loạt đẩy các sản phẩm lên để cùng bán. Có như vậy mới tạo thành thương hiệu riêng cho du lịch Sơn La.
Để sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội và Sơn La ngày càng hiệu quả, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng: Hai địa phương cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện cho các công ty lữ hành, điểm đến có cơ hội liên kết, xây dựng những sản phẩm đặc sắc, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách du lịch. Bên cạnh đó, hằng năm phối hợp tổ chức từ 1 - 2 sự kiện chung.
Ngoài ra, hai địa phương cũng cần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý du lịch, xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác xây dựng môi trường kinh doanh du lịch chung trên nguyên tắc các bên cùng có lợi, cùng khai thác giá trị tài nguyên du lịch có trên địa bàn dựa trên định hướng phát triển chung của ngành...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.