(HNM) - Theo số liệu của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018, thành phố và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút được 66,3 triệu lượt khách nội địa và 10,9 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu toàn vùng từ du lịch đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2017.
Điều đáng nói là riêng với khách quốc tế, thành phố Hồ Chí Minh đã đón hơn 7,5 triệu lượt khách. Còn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tài nguyên du lịch hơn, mới đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Những con số này cho thấy tiềm năng du lịch trong vùng còn rất nhiều.
Trên thực tế, từ nhiều năm qua, thành phố Hồ Chí Minh luôn đóng vai trò trung tâm trung chuyển du khách nội địa và khách quốc tế đến Đồng bằng sông Cửu Long. Bình thường du khách đến thành phố Hồ Chí Minh để làm việc, hội họp và khám phá thành phố từ 1 đến 2 ngày, sau đó sẽ tiếp tục hành trình tới 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, trải nghiệm cuộc sống của người dân miền sông nước.
Tuy có gắn kết mật thiết nhưng 14 tỉnh, thành phố này vẫn chưa thực sự tạo nên một thương hiệu du lịch liên vùng có bản sắc. Hiện nay, du lịch tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang có sự trùng lắp, mỗi tỉnh chưa xây dựng thế mạnh riêng biệt, nên du khách khó phân biệt được sự khác nhau giữa các địa phương. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Các địa phương cần hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để tránh sự nhàm chán”.
Chung nhận định, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiếp thị giao thông - vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng, thiên nhiên đã ban tặng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long tài nguyên du lịch dồi dào. Tuy nhiên, lợi thế này chưa được phát huy tốt. Vì vậy, cần có sự liên kết vùng với vai trò đầu tàu thuộc về thành phố Hồ Chí Minh để các địa phương cùng nhau khai thác hết tiềm năng du lịch.
Nắm bắt xu thế này, trong cuộc họp giữa lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp lữ hành lớn trong khu vực diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề xuất: Nên hình thành hội đồng phát triển du lịch gồm lãnh đạo các tỉnh, thành, cơ quan tham mưu. Hội đồng này sẽ thảo luận, đánh giá tình hình và xây dựng chương trình hợp tác phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2020-2025...
Bàn về vấn đề này, ông Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, cần có cơ chế điều phối liên vùng, từ đó chấm dứt tình trạng mạnh địa phương nào, nơi đó tự phát triển riêng lẻ hiện nay. Ông Hiệp cũng đề xuất chia thành 2 cụm du lịch đặc thù phía Đông và phía Tây của Đồng bằng sông Cửu Long, với thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ cùng Phú Quốc (Kiên Giang) làm “đầu tàu” phát triển.
Đánh giá cao đề xuất của thành phố Hồ Chí Minh và sự đồng thuận của các địa phương trong liên kết phát triển du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. Vì vậy, cần sự nỗ lực, phối hợp đồng bộ; kết nối liên vùng, liên ngành, phát huy các di sản văn hóa, con người để tạo nên chuỗi sản phẩm, điểm đến du lịch đa dạng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.