Quy trình sản xuất ma túy tổng hợp dễ dàng cùng chi phí thấp đang khiến các thị trường buôn bán chất cấm bất hợp pháp trên toàn thế giới ngày càng trở nên khó lường với những hậu quả chết người.
Cảnh báo kể trên do Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) đưa ra hôm 25-6 vừa qua. Trong Báo cáo Ma túy thế giới năm 2023, UNODC cho biết, nguồn cung ma túy bất hợp pháp liên tục ở mức kỷ lục và mạng lưới buôn bán ngày một tinh vi đang phức tạp hóa các cuộc khủng hoảng toàn cầu và thách thức với các dịch vụ y tế.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người “vật lộn” với chứng nghiện ma túy, các băng nhóm tội phạm tiếp tục lợi dụng tình trạng xung đột và khủng hoảng trên thế giới để mở rộng hoạt động sản xuất loại chất cấm nguy hiểm này.
Dữ liệu mới nhất ước tính, số người tiêm chích ma túy trên toàn cầu vào năm 2021 là 13,2 triệu người, cao hơn 18% so với ước tính trước đó, trong khi số người sử dụng chất này lên đến hơn 296 triệu người, tăng 23% so với thập kỷ trước. Cùng giai đoạn, số người mắc chứng rối loạn do sử dụng ma túy đã chạm mốc 39,5 triệu người, tăng 45% sau 1 thập kỷ.
Báo cáo của UNODC nêu rõ, Fentanyl (loại thuốc giảm đau thuộc nhóm Opioid thường được sử dụng sau phẫu thuật) đang làm thay đổi thị trường buôn bán chất gây nghiện ở Bắc Mỹ. Chỉ tính riêng năm 2021, phần lớn trong số 90.000 ca tử vong do dùng Opioid quá liều ở khu vực này đều liên quan đến Fentanyl được sản xuất trái phép.
UNODC cũng cung cấp thông tin về tác động nghiêm trọng của hoạt động buôn bán ma túy đến môi trường lưu vực sông Amazon; thử nghiệm lâm sàng liên quan đến ảo giác; sử dụng cần sa trong y tế và ma túy ở các cơ sở nhân đạo; đổi mới trong điều trị bằng thuốc…
Giám đốc Điều hành UNODC Ghada Waly khẳng định, cần đẩy mạnh những biện pháp chống lại các đường dây buôn bán ma túy đang lợi dụng xung đột và khủng hoảng toàn cầu để mở rộng hoạt động trồng và sản xuất trái phép ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp.
Sự sụt giảm mạnh diện tích trồng thuốc phiện ở Afghanistan sau lệnh cấm trồng loại cây này có thể thúc đẩy xu hướng dịch chuyển sang sản xuất ma túy tổng hợp trong khu vực. Quốc gia Tây Nam Á vốn là một trong những nơi sản xuất ma túy đá (methamphetamines), chất gây nghiện được buôn bán và sử dụng nhiều nhất hiện nay.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội đã thúc đẩy những thách thức về ma túy, sự tàn phá môi trường và mức độ ngày càng phổ biến của ma túy tổng hợp.
Nhu cầu điều trị các rối loạn liên quan đến ma túy phần lớn vẫn chưa được đáp ứng. Năm 2021, chỉ 1 trong 5 người mắc các chứng rối loạn liên quan đến ma túy được điều trị. Mức độ chênh lệch về khả năng tiếp cận điều trị giữa các khu vực cũng ngày càng lớn.
Nhóm dân số trẻ tuổi dễ bị tổn thương nhất khi sử dụng ma túy và cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi chứng rối loạn do sử dụng chất gây nghiện. Tại châu Phi, 70% số người được điều trị ở độ tuổi dưới 35.
UNODC cho rằng, sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa và tiếp cận các dịch vụ điều trị phải được ưu tiên trên toàn thế giới, đồng thời nhấn mạnh, phản ứng cần thiết từ các cơ quan thực thi pháp luật để kịp thời ứng phó với các loại hình buôn bán ma túy tinh vi, cũng như sự gia tăng của các loại ma túy tổng hợp rẻ tiền trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.