(HNMCT) - Với chủ đề “Điện ảnh - nhân văn, thích ứng và phát triển”, Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ VI (HANIFF VI) đã thu hút được những tác phẩm lớn, những nhà làm phim uy tín, qua đó góp phần giới thiệu hình ảnh của Việt Nam với thế giới.
Liên hoan phim chuyên nghiệp
Từ hàng trăm bộ phim đăng ký tham dự, HANIFF VI tuyển chọn được 123 bộ phim của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 11 bộ phim điện ảnh và 20 phim ngắn dự thi. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn chiếu 7 bộ phim trong chương trình Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, 63 bộ phim trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới và 22 bộ phim đương đại của nước ta. Ngoài chiếu phim ở các rạp, tại trung tâm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm còn có 3 buổi chiếu phim ngoài trời, có sự tham gia của đoàn làm phim. Cùng với đó là các hoạt động chuyên ngành như chợ dự án; triển lãm “Bối cảnh quay phim và các di tích, di sản văn hóa Hà Nội”; hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc”, “Điện ảnh - kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa”.
Đạo diễn Lương Đình Dũng, thành viên Ban giám khảo HANIFF VI nhận định: “LHP được tổ chức chuyên nghiệp, với Ban giám khảo quốc tế gồm những người có chuyên môn cao, có uy tín. Với một LHP thì thành viên Ban giám khảo là yếu tố quan trọng thứ hai sau việc mời phim tham dự. Đây là một nỗ lực rất lớn của Ban tổ chức, bởi các thành viên Ban giám khảo quốc tế là những nhà làm phim, nhà phê bình, thường có những dự án lớn, nên không dễ để mời họ cùng lúc có mặt tại Hà Nội”.
Có thể thấy, HANIFF VI đã mang lại một bữa tiệc ấn tượng về ngôn ngữ điện ảnh. Bên cạnh bộ phim “Hoa nhài” của điện ảnh Việt Nam, 10 bộ phim còn lại của các nền điện ảnh lớn trên thế giới như Brazil, Iran, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Pháp... thể hiện sự đa dạng trong cách kể, cách quay và dựng phim đầy sáng tạo với môn nghệ thuật thứ 7.
Bộ phim dài được mong đợi nhất là “Ghép tủy” của điện ảnh Iran. Khán giả xem phim này không phải thất vọng bởi họ đã được xem một câu chuyện - một hoàn cảnh vô cùng éo le trong những khung hình gần gũi, âm nhạc và tiếng động cùng cách diễn xuất chân thực của các diễn viên. Hay như bộ phim “Paloma” của điện ảnh Brazil, mặc dù đề tài đồng tính không quá mới mẻ nhưng bộ phim đã thể hiện khao khát của một cô gái (được sinh ra trong hình hài một người đàn ông) muốn được là chính mình, mong ước được xã hội công nhận tình yêu của cô với một chàng trai bằng đám cưới ở nhà, trước sự cho phép của đức cha - người đại diện cho Chúa Giesu. Bộ phim “Nàng Zere” của điện ảnh Kazakhstan được ví như một bài thơ từ những khung hình đầy tính ẩn dụ về số phận người phụ nữ, về khát khao và danh dự trong tình yêu. Còn bộ phim “Sương mù” của điện ảnh Ấn Độ lại mang đến nỗi ám ảnh về tình yêu và dục vọng...
Bài học cho điện ảnh Việt
Bên cạnh những tác phẩm dự thi, khán giả còn được tiếp cận nhiều bộ phim xuất sắc được giới thiệu trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới. Nhiều tác phẩm đã được đề cử tại các hạng mục quan trọng như: Phim hay nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất tại các liên hoan phim uy tín trên thế giới. Qua những tác phẩm điện ảnh này, có thể thấy những bài học tạo nên thành công của điện ảnh các nước.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đánh giá: “Tổng kinh phí làm phim của điện ảnh Iran rất khiêm tốn nhưng họ đã chạm đến các vấn đề của dân tộc. Đó là một đất nước giàu truyền thống văn hóa, với những bộ phim về đề tài gia đình rất dung dị nhưng chạm đến tình cảm khán giả, chạm đến những tiêu chí về nghệ thuật. Còn Ấn Độ cũng cho thấy sự thay đổi trong cách làm phim. Nếu trước đây trong một bộ phim Ấn Độ thường có nhiều màn hát, múa, kịch thì ở “Sương mù” - một câu chuyện dung dị về tình yêu, dục vọng nhưng trong phim chỉ có một bài hát duy nhất của diễn viên chính. Điều đó có nghĩa là bản thân điện ảnh Ấn Độ cũng bắt đầu thay đổi để tiếp cận công chúng tốt hơn”.
LHP quốc tế Hà Nội là dịp tôn vinh các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, rõ dấu ấn sáng tạo, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và cũng là dịp để nhìn lại sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Tôi cho rằng, LHP đã tạo được uy tín trong phạm vi khu vực ASEAN. Việt Nam là một trong những thị trường điện ảnh phát triển. Đây là đánh giá không phải của chúng ta, mà là của các chuyên gia quốc tế. Nền điện ảnh Việt Nam cũng là một trong những nền điện ảnh phục hồi nhanh sau dịch Covid-19”.
Tuy vậy, nhiều khán giả vẫn muốn thời gian diễn ra LHP dài hơn chứ không chỉ trong 4 ngày. Thời gian công chiếu những tác phẩm điện ảnh trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới nên trải rộng về mặt không gian, thời gian để công chúng có thêm cơ hội được trải nghiệm. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc quảng bá, tạo ra phong cách riêng cho thương hiệu LHP quốc tế Hà Nội. Mỗi kỳ liên hoan nên được chuẩn bị dài hơi hơn bởi một hệ thống chuyên trách, xem LHP quốc tế Hà Nội là một thương hiệu lớn cần được đầu tư bài bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.