(HNM) - Đợt tấn công dữ dội của lực lượng đối lập Libya vào trung tâm thủ đô Tripoli trong 48 giờ qua dường như là đòn cuối cùng phá vỡ chế độ của nhà lãnh đạo M.Gaddafi. Ngày 22-8, quân nổi dậy đã kiểm soát tới 90% các khu vực ở thủ đô Tripoli.
Tại Quảng trường Xanh, trung tâm của thủ đô, địa điểm tượng trưng cho sự chiến thắng và tự hào của ông M.Gaddafi, người ta đã thấy cờ của lực lượng chống chính phủ. Dọc khu vực dẫn tới quảng trường này, người dân đã xuống đường ăn mừng chiến thắng gần kề của lực lượng đối lập. Tại thành phố Misrata, hàng trăm người cũng đã đổ ra đường bày tỏ sự ủng hộ với lực lượng đối lập. Còn ở Bengazhi, thành lũy của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC), phe đối lập đã đổ ra đường ăn mừng chiến thắng bằng các loại súng và pháo hoa.
Thủ đô Tripoli trở thành đống đổ nát khi giao tranh nổ ra. |
Điều phối viên NTC Adel Dabbechi, ngày 22-8 thông báo, Mohammed Al-Gaddafi, con trai cả của nhà lãnh đạo M.Gaddafi đã đầu hàng lực lượng nổi dậy. Trước đó, người con trai thứ Saif Al-Islam cũng đã bị bắt. Kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin cả ba người con của nhà lãnh đạo Libya M.Gaddafi đều đang nằm trong tay lực lượng nổi dậy. Trong khi đó, thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy cho biết, đơn vị quân đội bảo vệ Đại tá Gaddafi cũng đã hạ vũ khí. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen khẳng định chế độ của ông M.Gaddafi tại Libya "đang sụp đổ". Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu chính thức đầu tiên kêu gọi nhà lãnh đạo M.Gaddafi cần nhận thức được rằng chế độ của ông đã đến ngày tàn và nên từ chức ngay lập tức để cứu người dân Libya tránh khỏi cảnh đổ máu. Cùng ngày, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi ông M.Gaddafi "từ bỏ quyền lực ngay lập tức"…
Hiện tại, giao tranh đang diễn ra ác liệt khi vẫn còn các tay súng trung thành với ông M.Gaddafi cố thủ tại Bab Al-Aziziyah, tổng hành dinh của nhà lãnh đạo này. Trước đó, đêm 21-8, bất chấp việc lực lượng đối lập tuyên bố kiểm soát được phần lớn thủ đô Tripoli, trong một bài diễn văn phát trên truyền hình quốc gia, ông M.Gaddafi đã nhấn mạnh sẽ không rời thủ đô Tripoli và sẽ cùng chiến đấu với những người ủng hộ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, với thế chẻ tre của lực lượng đối lập tiến đánh Tripoli dưới sự hỗ trợ của bom đạn NATO, sự sụp đổ của chế độ M.Gaddafi chỉ là vấn đề thời gian. Người phát ngôn của phe nổi dậy Mahmoud Shammam đã hứa sẽ bảo đảm an toàn cho ông M.Gaddafi và mục đích của phe nổi dậy là đưa ông này ra tòa án ở Libya thay vì dẫn độ tới Tòa Hình sự quốc tế. Nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy, nhà lãnh đạo này từ bỏ vũ khí hoặc rời khỏi đất nước.
Tình hình Lybya đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Điều mà người dân quốc gia này hy vọng là được sống hòa bình liệu có thành hiện thực. Sau cuộc chiến vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Dư luận khu vực cho rằng, sự ra đi của M.Gaddafi có thể lại mở màn cho một giai đoạn mới đầy bất ổn và bấp bênh ở đất nước này. Trước hết, ngay trong nội bộ lực lượng nổi dậy đang tồn tại nhiều bất đồng rất dễ dẫn đến những cuộc giao tranh mới. Thêm vào đó, quốc gia này còn tồn tại nhiều chia rẽ bộ tộc phức tạp, có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột mới.
"Giờ G" với chế độ M.Gaddafi sắp điểm và vấn đề được - mất khi cuộc chiến qua đi hẳn phải cần một thời gian đủ dài. Tuy nhiên, vào thời điểm này, một sự thật đã rõ, số thương vong trong những giờ qua khi lực lượng đối lập tiến đánh Tripoli đã khiến 1.300 người thiệt mạng và 5.000 người khác bị thương chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng. Đây sẽ là một vết thương khó lành trên đất nước bộ lạc Bắc Phi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.