(HNMO)- Festival Phim Tài liệu quốc tế lần thứ III với tên gọi "Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh" sẽ diễn ra từ ngày 6 tới 13-6 tại TP Hồ Chí Minh và từ ngày 8 tới 14-6 tại Hà Nội.
(HNMO)- Festival Phim Tài liệu quốc tế lần thứ III với tên gọi "Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh" sẽ diễn ra từ ngày 6 tới 13-6 tại TP Hồ Chí Minh và từ ngày 8 tới 14-6 tại Hà Nội.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ các chương trình hoạt động của Liên minh Các tổ chức Văn hóa châu Âu tại Hà Nội. PV HNMO đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Tuyết – Giám đốc Hãng phim TL&KHTW về sự kiện đặc biệt này.
Là thành viên của Ban tổ chức, xin bà cho biết rõ hơn về chương trình của Festival Phim Tài liệu quốc tế lần thứ 3?
Sau thành công của hai Festival Phim Tài liệu quốc tế lần thứ I và II năm nay, Festival Phim Tài liệu quốc tế lần thứ III sẽ có các quốc gia châu Âu như: Italia, Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch và Wallonie-Bruxelles (Bỉ) và Hãng Phim Tài liệu khoa học Trung ương tham gia.
Trong chương trình liên hoan này, mỗi tối trong tuần phim này, BTC sẽ giới thiệu một bộ phim tài liệu châu Âu và một bộ phim tài liệu Việt Nam cùng đề tài nhằm tạo sự đối thoại, tăng khả năng cảm nhận của công chúng về phim tài liệu Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Các cặp phim trình chiếu dịp này gồm: "Claveland chống lại phố Wall" (Thụy Sĩ) / "Khoảng cách" (Việt Nam); "Múa với Pietragalla: trên đầu mũi chân" (Pháp)/"Đi để thấy" (Việt Nam); "Những câu chuyện mưa" (Italia)/ "Lời ru buồn" (Việt Nam)…
Bà có nhận định gì về các phim tài liệu của các nước châu Âu được chọn trình chiếu trong Liên hoan phim lần này?
Tôi quả thật rất vui vì được là một trong 8 nước thành viên tổ chức LHP Tài liệu Quốc tế lần thứ 3. Cho đến giờ phút này, về thủ tục pháp lý về tổ chức Liên hoan đã xong, các phim tài liệu của 7 nước châu Âu tham gia trình chiếu trong dịp này đã qua khâu kiểm duyệt và cấp phép. Các bộ phim này đều là những bộ phim chất lượng và có đề tài rất phong phú như: văn hóa, xã hội, pháp luật, âm nhạc, hội họa, di cư, quy hoạch…Và các bộ phim của Việt Nam cũng có những đề tài tương đồng.
Xin bà cho biết, vì sao BTC lại quyết định chọn TP. Hồ Chí Minh là nơi để khai mạc Festival Phim Tài liệu quốc tế lần thứ 3 chứ không phải là Hà Nội như mọi lần?
Festival phim Tài liệu Quốc tế lần thứ 3 là một sự kiện văn hóa lớn, vì vậy chúng tôi cũng mong mỏi khán giả TP. HCM được biết đến nên chúng tôi tổ chức khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 6/6 tới thay cho mọi lần là tại Hà Nội. Đây cũng là cơ hội cho khán giả TP.HCM được thưởng thức các bộ phim tài liệu châu Âu. Đặc biệt, trong dịp tổ chức sự kiện này, trước mỗi buổi chiếu phim chúng tôi đều tổ chức một bữa tiệc, nên khán giả còn có dịp thưởng thức nét văn hóa ẩm thực của quốc gia đó.
Vậy tiêu chí chọn các bộ phim tài liệu Việt Nam tham gia trong dịp này là gì thưa bà?
Chúng tôi chọn các bộ phim tài liệu Việt Nam có đề tài tương đồng với LHP như: đề tài múa chúng tôi chọn “Hãy nói” của Đào Thanh Tùng và Phan Huyền Thư; đề tài âm nhạc chúng tôi chọn “Kèn đồng” của đạo diễn Nguyễn Văn Hướng; đề tài hội họa chúng tôi chọn “Điệu múa cổ” của đạo diễn Nguyễn Văn Hướng; đề tài xã hội chúng tôi chọn “Khoảng cách” của đạo diễn Trần Phi; đề tài người cao tuổi tôi chọn “Chuyện của mọi nhà” của đạo diễn Vương Khánh Luông; đề tài di cư chúng tôi chọn “Lời ru thì buồn” của đạo diễn Nguyễn Quý Mạnh Minh và Mạc Văn Chung; đề tài quy hoạch chúng tôi chọn “Đất lạnh” của đạo diễn Nguyễn Thước. Các bộ phim này đều đạt chất lượng về nội dung, lẫn độ dài so với phim của các nước bạn. Tuy cùng là làm về một chủ đề, nhưng phong cách làm của các đạo diễn khác nhau, cách giải quyết vấn đề khác nhau.
Việc đưa phim tài liệu đến gần hơn với công chúng luôn là điều khó khăn, với cương vị là người đứng đầu một đơn vị sản xuất phim tài liệu lớn của Việt Nam, bà nhận định như thế nào về điều này?
Là một đơn vị sản xuất phim tài liệu lớn, ngoài chức năng sản xuất phim thì chức năng phổ biến phát hành phim cũng rất quan trọng. Chúng tôi cũng rất chú trọng việc đưa phim tài liệu đến gần khán giả hơn. Vì vậy, chúng tôi đã nghĩ ra nhiều giải pháp đưa phim tài liệu giới thiệu đến khán giả với mọi hình thức. Chúng tôi đã làm việc với đài truyền hình, và Ban giám đốc hệ thống các rạp chiếu. Thời gian gần đây, khán giả đã tiếp cận được các bộ phim tài liệu nhiều hơn do các đài truyền hình đã dành nhiều thời lượng phát sóng cho phim tài liệu và vào các khung giờ tốt hơn. Bên cạnh đó, hệ thống các rạp chiếu cũng đã chiếu nhiều phim vào trước các giờ chiếu chính cũng là điều thuận lợi. Tuy nhiên, để phát hành phim tài liệu hiệu quả hơn cũng cần có những biện pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.