Theo dõi Báo Hànộimới trên

Leo thang xung đột tại Sudan: Nhiều quốc gia khẩn cấp di tản công dân

Hoàng Linh| 27/04/2023 06:26

(HNM) - Việc Sudan bất ngờ xảy ra xung đột đã khiến hàng nghìn người nước ngoài, bao gồm cả các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ, bị mắc kẹt. Trước những dự báo về tình hình giao tranh tiếp tục leo thang tại Sudan, nhiều quốc gia đã khẩn cấp triển khai sơ tán công dân khỏi các khu vực đang là điểm nóng.

Máy bay sơ tán công dân Jordan, Palestine, Iraq, Syria, Đức hạ cánh an toàn tại thủ đô Amman (Jordan).

Giao tranh giữa quân đội Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) kéo dài đã khiến các khu dân cư bị nhấn chìm vào bạo lực. Trước diễn biến phức tạp này, các quốc gia đã đẩy mạnh nỗ lực giải cứu công dân của mình khỏi những điểm nóng. Mới nhất, sau khi sơ tán các nhà ngoại giao, Vương quốc Anh đã gấp rút đưa công dân ra khỏi Sudan từ ngày 25-4. Bộ Ngoại giao nước này cho biết, các chuyến bay quân sự đã khởi hành từ một sân bay bên ngoài thủ đô Khartoum của Sudan, phục vụ người có hộ chiếu Anh, với ưu tiên là các gia đình có trẻ em, người già hoặc cá nhân cần chăm sóc y tế. Sáng 26-4, chuyến bay đầu tiên chở khoảng 40 công dân Anh đã hạ cánh an toàn tại Cyprus. Hiện còn khoảng 4.000 người Anh mang hai quốc tịch và 400 người chỉ có hộ chiếu Anh đang ở Sudan.

Cùng ngày 26-4, hai máy bay quân sự Italia cũng đưa 96 người, gồm 83 công dân nước này và 13 người có quốc tịch khác hạ cánh an toàn tại Rome. Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani nhận định, việc sơ tán không dễ dàng nhưng “đã có kết quả xuất sắc”. Cũng theo quan chức ngoại giao này, một số người Italia - chủ yếu là nhân viên các tổ chức phi chính phủ và nhà truyền giáo - đã quyết định ở lại Sudan. Về phần mình, Đức thông báo chuyến bay chở 100 công dân nước này đã tới Jordan và đã gửi 2 máy bay khác để nối dài nỗ lực “giải cứu”. Trước đó, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng đã sơ tán toàn bộ nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Sudan. Tổng thống Joe Biden khẳng định, sẽ theo dõi chặt chẽ nhằm cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho khoảng 16.000 công dân Mỹ còn mắc kẹt.

Từ châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận, hầu hết công dân nước này đã được sơ tán an toàn đến các cửa khẩu biên giới. Bắc Kinh cũng thông báo chưa ghi nhận trường hợp thương vong nào liên quan đến công dân nước mình ở Sudan. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, tất cả công dân Nhật Bản muốn sơ tán đều đã rời khỏi Sudan. Tokyo tạm thời đóng cửa đại sứ quán của nước này ở Khartoum. Còn Hàn Quốc cho biết, một máy bay quân sự của nước này đã sơ tán 28 công dân Hàn Quốc cùng một số công dân Nhật Bản từ sân bay quốc tế mới ở thành phố Port Sudan đến thành phố Jeddah (Saudi Arabia).

Bên cạnh các nỗ lực sơ tán bằng đường hàng không, nhiều quốc gia đã triển khai hiệu quả công tác sơ tán theo đường bộ. Cộng hòa Chad dự kiến đưa 438 công dân rời khỏi Sudan theo tuyến đường từ Khartoum đến Port Sudan. Đây cũng là thành phố trung gian mà Morocco dự định sơ tán 200 công dân đến trước khi đưa về nước. Về phần mình, Algeria đã thành lập một đội khẩn cấp để theo sát hoạt động sơ tán các nhân viên ngoại giao và công dân muốn trở về nhà.

Theo giới quan sát, việc hai lực lượng đối địch ở Sudan đồng ý duy trì các lệnh ngừng bắn thêm 72 giờ (tính từ đêm 24-4) là điều kiện thuận lợi cho việc di tản của các nước và tiến trình sơ tán đang diễn ra khẩn trương bởi khoảng lặng không còn nhiều. Cuộc xung đột đã bước sang tuần thứ hai liên tiếp được cho là sẽ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang tại quốc gia Bắc Phi có thể “nhấn chìm toàn bộ khu vực”.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh những nỗ lực bảo đảm an toàn cho người dân, cộng đồng quốc tế cần chung tay tìm giải pháp chấm dứt bạo lực trước khi xung đột tại Sudan dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng đối với toàn bộ khu vực và toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Leo thang xung đột tại Sudan: Nhiều quốc gia khẩn cấp di tản công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.