(HNMO) – Trong những ngày cuối năm lạnh giá, đoàn công tác Báo Hànộimới đã có chuyến thăm Đồn Biên phòng A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), đơn vị bộ đội có mối quan hệ thâm tình với Báo từ lâu. Chuyến đi lần này có phần đặc biệt hơn hẳn vì chúng tôi lên thăm các anh đúng vào dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2017).
Gập ghềnh đường lên A Mú Sung
Suốt hành trình từ thành phố Lào Cai lên đến A Mú Sung, câu chuyện giữa các thành viên trong đoàn thường xuyên bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của Đại úy Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Mú Sung. Anh gọi để hỏi xem chúng tôi đang ở đâu, bao giờ lên đến nơi. Tôi bỗng dưng mường tượng đến cảnh anh cứ đi ra đi vào, ngóng trông đợi chờ. Hẳn là anh mong chúng tôi lắm. Tình người nơi biên cương thật chân tình ấm áp...
Đường lên A Mú Sung ngoằn nghoèo uốn lượn theo triền núi. Có một kỷ niệm vui nho nhỏ trong hành trình lần này mà tôi không thể không nhắc tới. Đó là đoàn chúng tôi đi quá vị trí đồn tới hơn chục kilomet. Nếu không có cuộc trao đổi qua điện thoại với Đại úy Thắng, thì có lẽ chúng tôi đã... vượt qua biên giới mất.
Quay ngược trở lại, đoàn tiếp tục đi theo hướng dẫn của Đại úy Thắng. Xe vẫn lăn bánh, tôi nhìn ra ngoài, nhận thấy nhà cửa ngày một thưa thớt, chỉ còn lại núi non trùng điệp, mây trời bát ngát và những rặng cây “run rẩy” trong gió rét. Xa xa, mặt trời dần khuất bóng trong ánh chiều đỏ rực.
Mãi rồi chúng tôi cũng lên đến Đồn Biên phòng A Mú Sung, lúc trời đã tối hẳn. Bước ra ngoài, cơn gió buốt lạnh ngày cuối năm ngay lập tức xua tan những mệt nhọc, bí bách trong tôi vì phải ngồi trên xe quá lâu. Hít một hơi thật dài, lấp đầy lồng ngực cái lạnh thoáng đãng đặc trưng của vùng cao, tôi cùng các thành viên trong đoàn rảo bước tiến về đồn.
Tình cảm lính biên thùy
Ra đón chúng tôi không ai khác ngoài Đại úy Thắng. Trong ánh điện nhập nhoạng, tôi vẫn nhận ra nét hồ hởi trên gương mặt anh. Bằng giọng nói trầm nhưng mạnh mẽ đúng “chất” lính biên thùy, Đại úy Thắng sốt sắng hỏi han từng người trong đoàn. Những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay nồng ấm như xua đi buốt giá nơi biên ải.
Trong bữa cơm thân mật với cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng A Mú Sung tối hôm đó, tôi lại có may mắn được ngồi cạnh Đại úy Thắng. Dù câu chuyện thi thoảng lại bị đứt quãng bởi những lời hỏi han, chia sẻ từ các thành viên đoàn và cán bộ, chiến sĩ đồn, tôi cũng phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả của người lính đã nhiều năm gắn bó với núi rừng biên cương.
Đại úy Thắng chia sẻ, anh quê ở Nam Định, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống... bộ đội. Bản thân anh năm 18 tuổi đã trở thành lính biên phòng, em trai anh hiện cũng đang là bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định. Trong suốt quãng thời gian 26 năm gắn bó với nghiệp nhà binh, bầu nhiệt huyết chưa bao giờ cạn cùng những bước chân không biết mỏi đã đưa Đại úy Thắng đến làm nhiệm vụ tại nhiều đơn vị khác nhau trên khắp các tỉnh, thành cả nước, từ quê nhà Nam Định, cho đến Vũng Tàu, Cà Mau… và hiện giờ là miền biên cương phía Bắc Tổ quốc - Lào Cai.
Đoàn công tác Báo Hànộimới chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên Phòng A Mú Sung. |
Ngần đấy lần chuyển công tác theo lệnh điều động là từng đấy lần anh đưa gia đình theo. Đại úy Thắng cho biết đã sống và làm việc tại Lào Cai được gần 10 năm. Tuy nhiên, anh mới chuyển về công tác tại Đồn Biên Phòng A Mú Sung hơn 1 năm nay. Nhắc đến gia đình, gương mặt người lính sạm đen vì sương gió vùng biên ải bỗng ngời sáng, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Đại úy Thắng kể, vợ anh cùng con gái (11 tuổi) và con trai (5 tuổi) hiện đang sinh sống tại thành phố Lào Cai. Dù thường xuyên phải xa nhà do đặc thù công việc, anh vẫn cố gắng 1 hoặc 2 tuần lại về thăm vợ con.
“Công việc khó khăn, vất vả nhưng anh may mắn có người vợ tần tảo làm hậu phương vững chắc, hai con cũng được lo ăn học đầy đủ. Nhiều người phải vài tháng mới được về thăm nhà”, Đại úy Thắng tâm sự.
Đồn xanh, sạch và đẹp
Qua một đêm nghỉ ngơi, sáng hôm sau tôi mới có dịp quan sát Đồn Biên phòng A Mú Sung. Trái với suy nghĩ ban đầu về một đồn biên phòng đơn sơ nơi núi rừng heo hút, Đồn Biên phòng A Mú Sung thực tế lại rất khang trang và đặc biệt sạch sẽ.
Khuôn viên đồn rộng rãi với những thảm cỏ xanh rì, cùng nhiều hòn non bộ, cây cảnh trang trí và hồ cá là thành quả từ những nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Hệ thống cơ sở vật chất cũng được đầu tư với trang thiết bị đồng bộ như đèn chiếu sáng, nhà đa năng, sân đánh bóng chuyền… để phục vụ các hoạt động giải trí, thể thao, văn hóa, văn nghệ lành mạnh, qua đó nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự gắn kết giữa cán bộ, chiến sĩ trong Đồn.
Đồn Biên phòng A Mú Sung khang trang, sạch đẹp. |
Đóng quân trên địa bàn biên ải vùng cao với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt vào mùa đông nhưng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung luôn tích cực, chủ động trong tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Bằng chứng rõ ràng nhất là những khu vườn xanh mướt mát với đủ chủng loại rau, củ quả, hệ thống ao nuôi cá hay những đàn bò, lợn, gà.. với số lượng lên đến cả trăm con. Nhờ đó, Đồn đến nay đã tự túc được nguồn rau xanh và thực phẩm sạch, bảo đảm được vấn đề dinh dưỡng cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ.
Cột mốc 92 (1): Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Sau bữa sáng đạm bạc, Đại úy Nguyễn Văn Thắng dù công việc bận rộn nhưng vẫn nhiệt tình đưa đoàn chúng tôi đến thăm cột mốc 92 (1) và cột cờ Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát). Niềm mong mỏi được đến hai địa điểm này trong tôi có lúc rất xa, nay thành hiện thực.
Gần 8 giờ sáng, đoàn chúng tôi hành trình ngược dòng sông Hồng để đến cột mốc 92 (1) nằm cách Đồn Biên phòng A Mú Sung chỉ vài kilomet. Sau khoảng 20 phút, chúng tôi đã có mặt tại cột mốc, nơi đánh dấu điểm đầu của sông Hồng chảy vào đất Việt, mang theo phù sa màu mỡ xuyên suốt 9 tỉnh, thành miền Bắc đất nước, trước khi hòa với biển ở cửa Ba Lạt (Nam Định).
Đại úy Nguyễn Văn Thắng (ngoài cùng bên trái) và đoàn công tác Báo Hànộimới thăm cột mốc 92(1). |
Lách mình qua hàng cỏ lau cao quá đầu người, tôi cùng các thành viên trong đoàn cuối cùng cũng có thể “nhìn tận mắt, sờ tận tay” niềm mong ước suốt chuyến đi này. Cột mốc 92(1) nằm ở phần bờ sông phía Việt Nam, được cắm cách đây 13 năm, chính xác là vào ngày 7-12-2004, tại độ cao 114m.
Bất chấp sự bào mòn của thời gian, cùng sương gió khắc nghiệt nơi biên ải, cột mốc 92(1) vẫn hiên ngang đứng vững, trường tồn với non nước. Cũng tại dải biên cương này, vào một ngày giữa tháng 2-1979, 24 chiến sĩ của Đồn Biên phòng A Mú Sung đã ngã xuống, máu thịt hòa cùng đất Mẹ để giữ vững biên giới Tổ quốc, đem lại bình yên cho đất nước. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tinh thần, ý chí cùng khí phách hiên ngang của các anh, những người lính Cụ Hồ sẽ còn sống mãi trong lòng đồng đội và trong tim mỗi người con đất Việt.
Cột cờ Lũng Pô: Hiên ngang một cõi đất trời
Rời cột mốc 92(1), đoàn tiếp tục di chuyển đến cột cờ Lũng Pô nằm cách đó không xa. Sau cuộc trò chuyện ngắn với các cán bộ, chiến sĩ ở Trạm Biên phòng Lũng Pô, chúng tôi rốt cuộc cũng đặt chân đến địa điểm cuối cùng trong hành trình lần này. Bước qua lối vào, trước mắt tôi là một khuôn viên khang trang, rộng rãi, sạch đẹp với những chậu cây cảnh được sắp xếp ngay ngắn. Được như vậy chính là nhờ công chăm sóc, quét dọn hằng ngày của các chiến sĩ biên phòng nơi đây.
Ngay trung tâm khuôn viên là cột cờ Lũng Pô sừng sững, hiên ngang một cõi đất trời với chiều cao 31,43m, tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m. Ngước mắt lên đỉnh cột, tôi nhận thấy một hình ảnh rất quen thuộc. Đó là lá cờ Tổ quốc có diện tích 25m2, tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở tỉnh Lào Cai. Giữa núi rừng trùng điệp, màu cờ đỏ sao vàng nổi bật trên nền trời xanh ngắt cùng mây trắng bao la như lời khẳng định chủ quyền đất nước không gì có thể đổi thay. Nhìn lá cờ phần phật tung bay trong gió lạnh của những ngày cuối năm, tôi và các thành viên trong đoàn dấy lên một cảm giác vừa thân thương, vừa tự hào.
Cột cờ Lũng Pô hiên ngang một cõi đất trời. |
Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn. Hành trình lên thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung rồi cũng đến lúcphải kết thúc. Chia tay chúng tôi, Đại úy Thắng không giấu được sự bùi ngùi. Những cái ôm, những cái bắt tay đầy níu kéo như muốn giữ chân chúng tôi...
Chia tay, Đại úy Thắng chúc đoàn thượng lộ bình an, phát huy tinh thần người làm báo, tích cực tuyên truyền cho các hoạt động của Đồn và thúc đẩy mối quan hệ thắm tình giữa hai bên. Đáp lại tình cảm của Đại úy Thắng, chúng tôi cũng mong anh cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung tiếp tục phát huy khí thế, phẩm chất của người lính biên phòng, giữ vững tay súng bảo vệ biên cương đất nước và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Xe lăn bánh, chúng tôi xuôi dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa khi mặt trời đã trên đỉnh đầu. Khung cảnh dọc đường vẫn vậy, vẫn bình yên và tĩnh lặng trong cái nắng dịu cuối năm...
Tạm biệt A Mú Sung, tạm biệt Lũng Pô. Hẹn gặp lại vào một ngày không xa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.