(HNM) - Thực tế cho thấy, đang có sức ép về chất lượng, tiến độ thi công các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Bên cạnh các dự án triển khai tốt, vẫn còn một số dự án chậm hoặc có nguy cơ chậm tiến độ, có thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu chung.
Trong nhiều nguyên nhân có vấn đề nhà thầu thiếu năng lực, không "bám" kế hoạch, thiếu ý thức khắc phục khó khăn. Chẳng hạn tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, khối lượng thi công hiện đạt khoảng 32,2%, chậm hơn 13% so với kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải phải cắt chuyển 16,5km do các nhà thầu phụ yếu kém đảm nhận và yêu cầu nhà thầu chính trực tiếp thi công. Hay gói thầu số 1, dự án Phan Thiết - Dầu Giây, nhà thầu thiếu kinh phí mua vật liệu, ảnh hưởng tiến độ dự án…
Để xử lý, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án đôn đốc nhà thầu cập nhật, điều chỉnh tiến độ thi công các tháng tiếp theo để bù lại phần khối lượng chậm tiến độ. Đồng thời, với nhà thầu vi phạm hợp đồng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đã ký kết, chủ đầu tư đã thông báo vi phạm lần 3 nhưng nhà thầu không có chuyển biến, sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng, gửi thông báo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nhà thầu không hoàn thành hợp đồng, bị xử lý sẽ bị đánh giá “không đáp ứng” trong quá trình lựa chọn nhà thầu cho các dự án tiếp theo (trong vòng 3-5 năm) của Bộ Giao thông Vận tải.
Rõ ràng, cùng với việc hỗ trợ, gỡ vướng mắc cho nhà thầu, rất cần mạnh tay xử lý nhà thầu yếu kém, bởi khi nhà thầu yếu kém thì tiến độ, chất lượng công trình bị ảnh hưởng đáng kể. Động thái quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải có thể coi là động tác “lên dây cót” cho các nhà thầu để thực hiện các dự án hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.