(HNMO)- Sáng 19/5/2010, Tượng đài Thánh Gióng bằng đồng nặng 85 tấn chính thức được rước lên đỉnh Đá Chồng thuộc Phù Linh,Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là một trong những công trình trọng điểm của Nhà nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
(HNMO)- Sáng nay (19/5/2010), Tượng đài Thánh Gióng bằng đồng nặng 85 tấn chính thức được rước lên đỉnh Đá Chồng thuộc Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là một trong những công trình trọng điểm của Nhà nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Đến dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Thanh Hằng, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và đông đảo các tăng ni phật tử.
Theo truyền thuyết dân gian, đây là nơi Thánh Gióng cởi bỏ áo giáp và cưỡi ngựa bay về trời. Từ câu truyện truyền thuyết gian dân, Thánh Gióng đã trở thành hình tượng tiêu biểu về con người Việt Nam yêu nước thương nòi. Việc đúc dựng tượng đồng Thánh Gióng cũng nhằm mục đích nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì, việc chọn ngày hôm nay – 19/5 làm Lễ rước tượng Đức Thánh Gióng lên đỉnh núi Đá Chồng có nhiều ý nghĩa, vừa là Ngày sinh của Hồ Chủ tịch, vừa là dịp sinh của cụ Gióng (tức 8-9/4 Âm lịch).
Sau gần 7 tháng thi công(từ 26-10-2009), tượng đài Thánh Gióng bằng đồng lớn nhất Việt Nam đã hoàn thành khuôn đúc cuối cùng. Tượng có trọng lượng 85 tấn đồng nguyên chất, chiều cao tới đỉnh là 11,07m, với độ vươn ra là 16m.
Tổng kinh phí cho việc đúc tượng là 50 tỷ đồng huy động từ nguồn xã hội hóa, trong đó riêng phần đúc tượng 25 tỷ đồng. Công trình do Cty TNHH Nam Đại Phong (Nam Định) đảm nhận đúc đồng, bệ tượng do công ty xây dựng Coma 7 đúc. Công trình được đặt trong diện tích hơn 1000m2, trên đỉnh núi Đá Chồng. Bờ kè đá được đơn vị thi công sử dụng hơn 7000m3 đá để kè quanh đỉnh núi.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty ATS - đơn vị đã phát tâm công đức tới 25 tỷ đồng để hoàn thành việc đúc tượng, cho biết: “Đây là việc làm rất ý nghĩa, vì nó không chỉ thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ người Việt hôm nay trước công lao của vị Thánh đứng đầu trong "tứ bất tử", mà còn khẳng định truyền thống yêu nước, ý chí quật cường mà Thánh Gióng được coi là biểu trưng luôn được nhân dân ta gìn giữ, phát huy. Tôi rất tâm đắc với hình tượng Đức Thánh Gióng, vì ngài là một hình tượng đặc biệt, duy nhất, để phân biệt với các hình tượng văn hóa khác trên thế giới."
Sau khi lên tới đỉnh núi, các khối tượng sẽ được lắp ráp song song với quá trình xây dựng hoàn thiện sân hành lễ.
Dự kiến, Lễ khánh thành, và lễ hô thần nhập tượng Thánh Gióng sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9/2010 tới đây. Việc đúc hoàn thành tượng đài Thánh Gióng cũng góp thêm nhân tố tôn vinh di sản hội Gióng đang đệ trình UNESCO công nhận là di sản phi vật. Sau khi hoàn thành, tượng đài Thánh Gióng sẽ là điểm nhấn của di tích tâm linh tại Sóc Sơn, đón tiếp người dân đến tham quan, chiêm bái.
Một số hình ảnh trong Lễ rước sáng 19/5:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.