(HNMCT) - Nhà văn Lê Lựu đã rời bỏ chúng ta mà đi vào một ngày thu muộn sau hơn mười năm đau ốm. Nghĩ về Lê Lựu, tôi nghĩ đến một con người từng trải và nhân hậu đã vắt kiệt đời mình cho trang viết.
1. Dạo đó Lê Lựu rời Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra lập và trực tiếp điều hành Trung tâm Văn hóa doanh nhân, làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa doanh nhân. Trung tâm của ông tổ chức nhiều sự kiện đình đám và Tạp chí Văn hóa doanh nhân rất đẹp, sang trọng, in nhiều tác phẩm văn học có giá trị. Lê Lựu từ một “ngài đại tá” hoạt bát, nhanh nhẹn, bình dị, rất “lính” và mang cái chất quê dân dã của Đồng bằng Bắc Bộ, bỗng trở thành một “VIP", với cà vạt, comple ngồi trong phòng điều hành làm việc với các nhân viên truyền thông, lên lịch tổ chức sự kiện, tính toán kế hoạch xuất bản tạp chí.
Nền kinh tế thị trường chi phối đời sống xã hội. Tầng lớp doanh nhân đã hình thành. Lê Lựu hiểu vai trò quan trọng của tầng lớp này trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Và có lẽ, ông muốn thông qua Trung tâm Văn hóa doanh nhân và Tạp chí Văn hóa doanh nhân để quảng bá văn học vào tầng lớp này. Mặt khác, ông muốn có một tờ tạp chí để thể hiện những gì ông mong muốn. Trong không khí đổi mới, văn nghệ bước sang một tâm thế và trạng thái khác. Lê Lựu, dường như đang góp phần mở rộng thêm cánh cửa của sự đổi mới văn nghệ trên chính tạp chí của ông.
2. Đó là một buổi sáng trong lành năm 2004. Tôi gặp lại Lê Lựu trong một căn phòng đầy sách. Ăn mặc chỉn chu đấy, nhưng không xóa hết được cái bản tính xuề xòa, dân dã nơi con người ông. Nắng lên chiếu thẳng vào khung cửa sổ làm hừng sáng cả căn phòng. Lê Lựu rời khỏi chiếc ghế bên bàn làm việc, cởi bỏ chiếc comple vắt lên thành ghế, rút bỏ chiếc cà vạt đặt xuống mặt bàn. Ông bước về phía tôi, chìa tay ra:
- Truyện của cậu không dễ in đâu, nhưng tôi sẽ in.
Tôi nhìn ông với sự cảm phục và niềm biết ơn.
Lê Lựu lại nhìn tôi, chăm chú rất lâu như để tìm một cái gì khác thường. Rồi ông nói:
- Được lắm. Có vấn đề. Đừng giới hạn mình. Đừng tự đưa ra những rào cản cho mình. Cậu phải có cái tinh thần vượt qua những giới hạn thông thường. Đó là nhân tố đầu tiên của tài năng.
Sau buổi đó, mấy truyện ngắn gai góc không dễ in của tôi như “Đồi đá trắng”, “Đánh tráo”, “Hắn”... xuất hiện trên Tạp chí Văn hóa doanh nhân, và cũng nhờ đó, về sau chúng được in lại trong tập truyện “Người bên lề”.
Lê Lựu để lại cho tôi ấn tượng đẹp về một nhà văn có bản lĩnh, sẵn sàng mở những cánh cửa cho người viết trẻ bước tới. Đó là điều rất cần thiết mà tôi hiểu rằng, không nhiều nhà văn nắm giữ các cơ quan xuất bản hay truyền thông có được. Lê Lựu là người thẳng thắn, mạnh mẽ, quyết liệt và tràn đầy nhiệt huyết, nghiêm cẩn với văn chương sau cái vẻ xuề xòa như chẳng có gì là quan trọng.
Sau này, tôi có nhiều lần trở lại Trung tâm Văn hóa doanh nhân của ông. Có lúc ngồi trong phòng khách, có lúc sang quán cà phê bên cạnh. Kể cả khi sức khỏe của ông có phần suy giảm, mỗi lần gặp lại, ông lại say sưa đủ thứ chuyện văn, chuyện đời.
Thực ra, tôi đã biết đến Lê Lựu từ trước đó rất nhiều. Khi còn là một cậu bé nhà quê ở tận xứ biển vùng Diễn Châu, Nghệ An, tôi đã được nghe một băng ghi âm lưu truyền trong dân chúng mà diễn giả chính là Lê Lựu. Hồi ấy, ông là một nhà văn quân đội được mời sang thăm nước Mỹ. Chuyến đi này có ý nghĩa đặc biệt mở ra sự hiểu biết lẫn nhau giữa những cựu binh từng là kẻ thù trong quá khứ. Và khi trở về, ông kể chuyện nước Mỹ, một câu chuyện ly kỳ như có màu cổ tích. Cứ tối tối mọi người trong làng lại tập trung tại nhà ông chú tôi, nơi có cái cát sét và chiếc loa thùng to để nghe và bàn tán râm ran. Giọng Lê Lựu cực kỳ hấp dẫn, lối nói chuyện dí dỏm, thông minh hiếm có của ông như hút hồn người nghe.
3. Nhưng, ấn tượng lớn nhất của tôi về Lê Lựu chính là ở tiểu thuyết “Thời xa vắng” của ông. Cuốn sách này xuất bản năm 1985, tạo nên tiếng vang lớn và đã đến tận các vùng nông thôn xa xôi, được các cô cậu học trò mới lớn như chúng tôi săn lùng. Tôi mua được cuốn này ở hiệu sách cầu Bùng và đọc say mê suốt mấy hôm liền. Những trang văn đẹp, số phận đầy bất hạnh của nhân vật chính Giang Minh Sài và mối tình của Sài với Hương đã ám ảnh tôi một thời gian dài.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, lũ bạn cùng lớp chúng tôi tụ tập trò chuyện tại chiếc sân rộng trước căn nhà một người bạn. Đó là một đêm trăng vằng vặc sáng. Tất cả ngồi quây quần trên chiếu, bên đĩa lạc rang. Buổi tối hôm ấy, tôi kể lại tiểu thuyết “Thời xa vắng” cho các bạn cùng nghe. Câu chuyện kéo dài đến tận khuya. Khuya đến mức, ngoài kia, những con đường làng đã vắng ngắt không còn một bóng người. Có lẽ đêm đã nghiêng về sáng lâu rồi. Vì thế, cả lũ chúng tôi thức luôn đến sáng. Đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng thời Trung học, rồi chúng tôi rời quê, mỗi đứa một phương, có đứa biền biệt đến tận bây giờ chưa gặp lại.
Sau này, trong lớp học ấy chỉ có tôi đi theo con đường viết văn. Những trăn trở về số phận con người luôn trở lại trong lòng tôi. Đối với nhà văn, không có gì lớn hơn và quan trọng hơn là con người. Và, mỗi khi nghĩ về nền văn học thời kỳ đổi mới, tôi lại nghĩ về hình tượng Giang Minh Sài, nhân vật này đã trở thành một tượng đài văn học có sức ám ảnh lớn mấy chục năm nay.
Trong cảm nhận của tôi, có lẽ Lê Lựu là một trong vài ba nhà văn lớn bậc nhất của thời kỳ đổi mới ở nước ta, cùng với Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp. “Thời xa vắng” không chỉ là câu chuyện về một vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ với những phong tục hủ lậu, cũng không chỉ là câu chuyện hôn nhân tan vỡ hay sự trắc trở trong câu chuyện tình đẹp đẽ và đau đớn. Vấn đề căn bản trong tiểu thuyết này là vấn đề con người không được sống là chính mình. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhân vật Sài “nửa đời trước không được yêu người mà mình yêu, nửa đời sau lại yêu phải người không phải là mình”. Sau chiến tranh, từ một người lính, Sài đối mặt với những khốn khổ trong cuộc sống hòa bình. Nhân vật này không chỉ là sự hư cấu mà nó như được chưng cất lên từ đời sống, điển hình cho số phận biết bao nhiêu con người cùng thế hệ. Chính vì thế, nó đã tạo nên sự rung cảm sâu sắc trong bạn đọc cả nước.
Trước và sau “Thời xa vắng”, Lê Lựu còn có nhiều tác phẩm khác, nhưng chính tác phẩm này đã làm nên tên tuổi ông, định vị ông trong nền văn học nước nhà. Và, đúng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng khẳng định: “Thời xa vắng” là một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam với thông điệp: Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những thứ hay những giá trị của người khác. Với “Thời xa vắng”, Lê Lựu đã thực sự mang tới một thay đổi lớn lao và quan trọng cho đời sống văn học Việt Nam. Tư tưởng của “Thời xa vắng” đã làm cho văn học Việt Nam bước sang một giai đoạn mới kể từ năm 1954".
Nhớ về Lê Lựu, một lần nữa người viết không thể quên điều này: Trong vô vàn vấn đề đặt ra cho nhà văn, vấn đề lớn nhất là vấn đề hạnh phúc của con người. Nhà văn đứng về phía con người và soi sáng những uẩn khúc phía sau sự đau thương của họ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.