Sáng 3-2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ), một loạt di tích trọng điểm trên địa bàn Hà Nội: Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), đền Sóc (huyện Sóc Sơn), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), đền Cổ Loa (huyện Đông Anh) tưng bừng khai hội, thu hút hàng vạn lượt khách du xuân, chiêm bái.
Thời tiết thuận lợi cùng công tác quản lý và tổ chức lễ hội đi vào nền nếp hứa hẹn mang lại một mùa lễ hội xuân tươi vui, an toàn và nhiều ý nghĩa.
Đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng
Lễ kỷ niệm 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2025 đã diễn ra long trọng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) vào sáng 3-2. Dự sự kiện, về phía Trung ương có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các nguyên Phó Chủ tịch nước: Trương Mỹ Hoa, Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến. Về phía thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà…
Tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân ta trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị ngoại bang - biểu tượng sáng ngời cho lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc. Việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng nhằm tri ân sâu sắc công ơn của các bậc tiền nhân; đồng thời khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại, đưa đất nước ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Khu di tích đền Cổ Loa (huyện Đông Anh) sáng 3-2 đã chính thức khai hội với các hoạt động dâng hương, tế lễ, rước kiệu bát xã Loa Thành đậm đà bản sắc văn hóa. Đến dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cùng đại diện các sở, ngành thành phố.
Để chào đón lễ hội, trước đó, Tuần văn hóa lễ hội Cổ Loa đã được khai mạc với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, thu hút hàng vạn người tham dự, như: Giải Bóng chuyền cúp Loa Thành, giải vật dân tộc, bắn nỏ truyền thống, thi đấu cờ người, biểu diễn tuồng cổ, hát chèo, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục, hát quan họ thuyền rồng…
Cùng ngày, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn) đã chính thức khai mạc với nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian hấp dẫn. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cùng đại diện nhiều sở, ngành tới dự.
Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 3 đến 5-2 (tức ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ) và vẫn duy trì lễ rước 8 lễ phẩm, lễ tế của các thôn làng - những nghi thức đã tạo nên “hồn cốt” của lễ hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng chính đáng của người dân. Đặc biệt, nghi lễ rước và cung tiến giò hoa tre và trầu cau được quan tâm nhất, được tổ chức bảo đảm an toàn, văn minh trong lễ hội. Phần hội năm nay cũng rất phong phú với nhiều hoạt động thi đấu thể dục, thể thao (vật, bóng chuyền hơi), các trò chơi dân gian truyền thống: Đi cà kheo, đập niêu, kéo co, đi cầu thăng bằng) và đặc biệt là hội thi nấu cơm. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, nghi thức Kéo Mỏ được trình diễn và cuộc thi cầu húc được tổ chức trên quy mô toàn huyện Sóc Sơn.
Ngoài ra, lễ hội còn có hoạt động trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm du lịch, ẩm thực địa phương; giới thiệu quảng bá văn hóa, di sản, du lịch Sóc Sơn nói riêng và du lịch Hà Nội nói chung; các gian hàng OCOP giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc sắc của huyện.
6h sáng 3-2, Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn - Chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đã chính thức khai hội tại sân Thiên Trù. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự.
Là lễ hội lớn và có thời gian kéo dài nhất trên cả nước, Lễ hội chùa Hương luôn thu hút hàng vạn lượt người hành hương. Trong đó, riêng ngày khai hội năm nay, lễ hội đã thu hút hơn 20 nghìn khách thập phương. Lực lượng chức năng của huyện Mỹ Đức và Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương đã có mặt từ 5h sáng làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn phương tiện giao thông vào điểm dừng đỗ, hướng dẫn du khách mua vé thắng cảnh, xuống thuyền đò di chuyển vào khu vực lễ hội… Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, tất cả các tuyến đường, khu vực lễ hội không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông, ùn ứ khách…
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương 2025 Đặng Văn Cảnh cho biết, quần thể di tích danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) có giá trị rất lớn về lịch sử, văn hóa, tâm linh và du lịch, với 21 điểm di tích có động, có đền, có chùa, có suối, có đồng, có bãi… Mỗi điểm di tích là một di sản văn hóa Phật giáo vô giá... Với những giá trị đó, ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận quần thể thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 24-9-2024, UBND thành phố Hà Nội quyết định công nhận quần thể Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) là khu du lịch cấp thành phố...
Bảo đảm trật tự, văn minh
Theo Trưởng ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) Bùi Văn Triều, để tránh ách tắc, quá tải trong những ngày diễn ra lễ hội, Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cấp 4 bến, bảo đảm nơi đỗ hơn 5.000 ô tô vận chuyển 60.000 khách/ngày. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn bố trí 10 cổng kiểm soát vé thuyền đò, thắng cảnh dọc bờ suối Yến... Lễ hội chùa Hương năm nay, Ban Tổ chức cũng huy động hơn 550 người làm nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tuyên truyền du khách tham gia lễ hội văn minh, văn hóa. Tại các khu vực bến xe, bến thuyền đều có hướng dẫn rõ ràng cho người dân và du khách. 110 xe điện của Công ty cổ phần Chùa Hương xanh sẵn sàng phục vụ dịch vụ vận chuyển du khách từ 4 bến đỗ ô tô, xe máy về Bến đò Yến Vĩ. Giá các dịch vụ được niêm yết công khai…
Còn theo Thượng tá Giáp Thành Trung, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, để bảo đảm an toàn cho du khách, Công an huyện đã trưng tập hơn 100 lượt cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an huyện và các xã, thị trấn làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phân luồng bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy; thường xuyên tuần tra, kiểm soát phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý hoạt động trộm cắp, móc túi, lừa đảo, ép khách, ép giá, xin tiền, cưỡng đoạt tài sản, đổi tiền lẻ, gây rối trật tự công cộng…
Với Lễ hội Gióng đền Sóc, năm nay, các hoạt động dịch vụ như trông giữ xe và kinh doanh buôn bán tại lễ hội được siết chặt hơn; đặc biệt nghiêm cấm hàng giả, hàng nhái, ấn phẩm mê tín dị đoan cũng như nâng giá hàng hóa, dịch vụ. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc thông tin, tình trạng bán hàng rong sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Tống Giang Phúc cũng cho biết, lễ hội năm nay có nhiều đổi mới. Từ đêm 29 Tết (ngày 28-1-2025), phần hội đã diễn ra và lượng khách đến đền Sóc lên tới hàng vạn người. “Ban Tổ chức đã có phương án bảo đảm an ninh, an toàn, trông giữ xe cho người dân và du khách. Huyện bố trí lực lượng trực xuyên Tết, nhờ vậy, đến nay chưa xảy ra tình huống mất cắp, ùn tắc giao thông. Ban Tổ chức đã thực hiện công tác tuyên truyền lễ hội từ sớm về thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, công tác phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường. Lễ hội diễn ra theo đúng kịch bản, bảo đảm đúng truyền thống”, ông Tống Giang Phúc cho biết. Trong khi đó, Ban Tổ chức Lễ hội Cổ Loa 2025 cho biết, điểm nổi bật tại lễ hội năm nay là đã di chuyển 100% các điểm kinh doanh dịch vụ ra ngoài không gian tổ chức Lễ hội Cổ Loa, bảo đảm không gian sáng, xanh, sạch, đẹp. Ban Tổ chức đã ra mắt chuyên trang https://dulichcoloa.com. vn; tăng cường công tác tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu tuyến du lịch hành trình di sản từ Cổ Loa về đền Sái và hành trình di sản về vùng đất cố đô.
Tại lễ hội, Ban tổ chức đã lắp dựng 10 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, tinh hoa ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương và bát xã Loa Thành; dựng điểm check-in; ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền đưa thông tin về lễ hội…
Trong sáng 3-2, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác tổ chức lễ hội. Đoàn kiểm tra ghi nhận lễ hội được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, đúng tinh thần giữ gìn bản sắc truyền thống, mang đến sự tươi vui cho người dân và du khách. Các nghi lễ tiến hành bảo đảm trật tự, không để xảy ra tình trạng lộn xộn, tranh cướp lộc. Đoàn kiểm tra lưu ý, Ban Tổ chức cần chú ý công tác phòng, chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Trong khi đó, đánh giá khâu tổ chức Lễ hội Gióng đền Sóc, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho rằng, Lễ hội Gióng đền Sóc diễn ra trong 3 ngày, vì thế, Ban Tổ chức cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, tươi vui.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.