(HNM) - Sau hơn một tuần đầy ắp các hoạt động trưng bày, trình diễn, tương tác, trải nghiệm, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 chính thức khép lại vào ngày mai (20-11), song dấu ấn sâu đậm từ sự kiện chắc chắn còn lưu lại rất lâu trong lòng công chúng. Những con số thống kê ấn tượng từ lễ hội cho thấy, đây thực sự là “điểm hẹn văn hóa” đầy hấp dẫn, nơi mọi người cùng nhau tôn vinh, thụ hưởng thành quả sáng tạo và đặt ra nhiều kỳ vọng mới cho nguồn lực sáng tạo của Thủ đô.
Những không gian hấp dẫn
Được thiết kế như một bảo tàng thu nhỏ, không gian “Truyền thống”, lấy yếu tố gần gũi thiên nhiên làm chủ điểm sáng tạo, chỉ sử dụng những vật liệu thuần Việt và thân thiện với môi trường để kết cấu công trình. Ở đó, tre trúc có vai trò như bức tường bao trọn Nhà bát giác (khu vực vườn hoa, tượng đài Lý Thái Tổ), tạo nên một tổng thể kiến trúc tối giản, mạch lạc, song không kém phần lộng lẫy. Trong không gian “Truyền thống” ấy, những lối trúc quanh co được soi sáng bằng nhiều cụm đèn sắp đặt cho cảm giác như nắng thu chiếu rọi, dẫn dắt người xem tới những sáng tạo về thời trang, sơn mài, điêu khắc…
Cách đó không xa, không gian “Hội nhập” lấy cảm hứng sáng tạo từ chính Tháp rùa, cầu Thê Húc… và tái sử dụng những nguyên liệu cũ để tạo hình, cũng mang đến nhiều lớp ý nghĩa cho người xem suy ngẫm. Một trải nghiệm thú vị khác đến từ “Cổng sáng tạo” tại trung tâm Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cho phép khách tham quan chạm vào đỉnh của đài phun nước, tạo nên những cảm xúc mới lạ và phấn khích.
Trong khuôn khổ lễ hội, còn có nhiều không gian, hoạt động trải nghiệm, tương tác mới mẻ khác, như: Không gian trải nghiệm sáng tạo “Khoe chơi” lấy nét đẹp văn hóa Hà Nội xưa và nay làm cảm hứng xuyên suốt; không gian “Đưa di sản tới đương đại bằng công nghệ thực tế ảo”, góp phần mô tả rõ hơn, đa chiều hơn về một Thủ đô di sản vốn đã rất tươi đẹp và sinh động ở thế giới thật... Tham quan không gian thực tế ảo, ông Trần Thanh Tùng (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) cảm giác choáng ngợp và xúc động khi “bước” vào không gian xưa của Kinh thành Thăng Long hơn ngàn năm trước.
“Lớp lớp tòa ngang, dãy dọc cung điện, đền đài được mô phỏng quy mô và lộng lẫy trên những tư liệu lịch sử, hiện vật khảo cổ và nghiên cứu của các nhà khoa học, chính xác tới từng chi tiết, hoa văn kiến trúc… Trong một không gian giả định không thể thật hơn, tôi thấy rất đỗi tự hào về bề dày lịch sử, văn hóa của đất nước và Hà Nội”, ông Trần Thanh Tùng chia sẻ.
Điểm đến của tri thức và sáng tạo
Sau hai năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 trở lại với quy mô lớn nhất từ trước tới nay về cả không gian, thời gian tổ chức lẫn số lượng, sự đa dạng các hoạt động, sự kiện.
Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn (đơn vị phối hợp tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022), Hà Nội là Thành phố sáng tạo về thiết kế, song yếu tố thiết kế vẫn chưa tạo được ấn tượng đậm nét trong lòng du khách; tỷ lệ người dân biết tới danh hiệu này chưa nhiều. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là cơ hội để chúng ta thay đổi điều này, thể hiện những thế mạnh từ nguồn lực sáng tạo, từ đó thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong đời sống cộng đồng.
Còn theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (giám tuyển của nhiều hoạt động tại lễ hội), với chủ đề là “Thiết kế và Công nghệ”, lễ hội năm nay quy tụ sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, kiến trúc sư, nghệ nhân dân gian, thực sự trở thành điểm hẹn của cộng đồng sáng tạo, nơi mọi người cùng nhau thể hiện đam mê và năng lực sáng tạo.
Trong khi đó, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Christan Manhart chia sẻ: “Hà Nội, với di sản văn hóa nổi bật và số lượng lớn những người sáng tạo, đang sở hữu những tiềm năng to lớn để sáng tạo làm chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuần lễ đặc biệt trong tháng 11 này, với các cuộc triển lãm, hội thảo, talk show và biểu diễn nghệ thuật trên toàn thành phố, là cơ hội tuyệt vời để chúng ta đến với nhau và tôn vinh thành quả của sự sáng tạo. Các nhân tài Việt Nam đang cho chúng ta thấy một lần nữa tinh thần đổi mới của họ, đóng góp cho việc dựng xây thành phố, vì lợi ích của mỗi công dân nơi đây như thế nào”.
Kỳ vọng những lễ hội tiếp theo sẽ có sức lan tỏa hơn nữa cho mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng và tài năng sáng tạo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng mong muốn toàn thể nhân dân cùng chung tay xây dựng Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO; đưa Hà Nội là Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.