(HNMO) – Lễ hội đền Trần Thái Bình sẽ khai hội vào ngày 13 – 18 tháng Giêng (tức 4 – 9/2/2012). Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (Ban tổ chức Lễ hội) khẳng định sẽ không phát ấn như phỏng đoán của nhiều người.
Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình |
* Nhiều người dân quan niệm việc phát ấn ở Lễ hội đền Trần luôn mang lại sự may mắn đầu năm. Tại sao, lễ hội đền Trần Thái Bình lại không làm điều này?
- Việc phát ấn tại Lễ hội đền Trần cho đến thời điểm này vẫn có nhiều tranh cãi với ngay cả với những nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử. Trong sử sách đến nay cũng chưa có tài liệu chính xác nào khẳng định có việc này có từ thời các vua Trần. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng việc phát ấn cũng chỉ mang tính biểu trưng, chủ yếu mang yếu tố tinh thần. Chúng tôi không tổ chức phát ấn đền Trần vì sợ có thể gây nên những cách hiểu sai trong người dân. Có chăng, đó chỉ là những dấu đóng lưu niệm khắc dòng chữ kiểu như “Hội đền Trần Thái Bình”.
* Nhiều người cho rằng, việc tổ chức lễ hội đền Trần Thái Bình là để cạnh tranh Lễ hội đền Trần ở Nam Định vốn đã có tiếng từ lâu. Ông nói sao về điều này?
- Quan điểm của chúng tôi là bất cứ nơi nào trên đất nước này tôn thờ những vị vua Trần đều rất đáng được trân trọng. Mỗi người dân đều phải có lòng thành kính, nhớ đến công đức của những bậc tổ tiên, tiền bối. Còn lý do chúng tôi lại làm lễ hội đền Trần ở Thái Bình, bởi ở đây là nơi khởi nghiệp, phát tích của nhà Trần. Các nhà khoa học, lịch sử sau khi nghiên cứu đã kết luận rằng, chính tại huyện Hưng Hà, Thái Bình là mảnh đất khởi nghiệp của nhà Trần.
Hiện nay tại huyện Hưng Hà vẫn còn 3 ngôi mộ vua Trần còn nguyên vẹn |
Hiện nay, tại huyện Hưng Hà có 522 di tích lớn nhỏ, trong đó có 3 ngôi mộ của các vị vua Trần vẫn còn nguyên vẹn và nhiều di tích từ thời nhà Trần. Từ nhiều năm nay, con cháu nhà Trần ở đây đã vẫn xây dựng các khu đền thờ và gìn giữ những ngôi mộ một cách thành kính. Chúng tôi mong muốn rằng, việc tổ chức lễ hội để thu hút thêm nhiều người dân cả nước về đây để hiểu hơn giá trị truyền thống, lịch sử của cha ông
* Vậy, lễ hội đền Trần ở Thái Bình có điểm gì khác với ở Nam Định?
- Tôi cho rằng, cái khác là về địa lý và một số hoạt động văn hóa dân gian ở hai địa phương khác nhau. Mỗi địa phương đều có những hoạt động văn hóa tâm linh riêng và đưa nó vào đời sống bằng nhiều cách khác nhau. Ở Lễ hội đền Trần Thái Bình ngoài phần lễ rước dưới nước, trên bộ, lễ bái yết, lễ dâng hương, những trò chơi dân gian được nhiều người biết đến là pháo đất, thi vật cầu, thi thả diều, kèn đồng… sẽ có thêm hình thức sinh hoạt truyền thống chỉ ở đây mới có là thi cỗ cá.
* Như ông nói thi cỗ cá là nét độc đáo chỉ có ở lễ hội đền Trần Thái Bình, cụ thể của hình thức sinh hoạt văn hóa này là thế nào?
- Thi cỗ cá có từ nhiều đời nay ở huyện Hưng Hà, Thái Bình. Nó có nguồn gốc từ nếp sống sinh hoạt xưa từ thời các vua Trần. Chúng tôi vẫn còn giữ nhiều tư liệu nói về nếp sống sinh hoạt này từ thời xưa. Theo nhiều sử sách còn ghi lại, nhiều vị tướng lĩnh thời Trần đều có tên cúng cơm từ tên các loài cá như trắm, trôi, chép, mè… Điều đó, cho thấy con cá rất có ý nghĩa trong đời sống của người dân thời các vua Trần. Theo tục lệ xưa, vào mùa lễ hội, các làng, thôn đều thi cỗ cá. Trước đó, mỗi làng đều phải chuẩn bị một con cá thật to và ngon (được nuôi từ nhiều tháng), sau đó sẽ tự chế biến thành những món ăn ngon rồi dâng lên vua. Món ăn nào ngon nhất sẽ được tặng thưởng.
* Thi cỗ cá được tái hiện trong Lễ hội đền Trần Thái Bình sẽ như thế nào, thưa ông?
- Từ 8h sáng ngày 14 tháng Giêng (tức mùng 5/2/2012) các thôn ở xã Tiến Đức sẽ tham gia thi phần này. Đến đúng giờ quy định, các thôn sẽ có đoàn rước để mang mâm cỗ cá do mình sửa soạn, nấu đến sân tòa trung tế đền Vua để BTC chấm điểm. Mâm cố cá không bắt buộc phải bao nhiêu món, có thể chỉ là một món hoặc được làm thành nhiều món là do bàn tay khéo léo của người thực hiện.
Khu Bái đường của đền Trần, nằm trong quần thể di tích lăng mộ, đền thờ vua và tướng nhà Trần |
* Lễ hội đền Trần ở Thái Bình có cái bất lợi là nằm ở vị trí địa lý không thuận lợi vì hệ thông giao thông hiện nay về đến huyện Hưng Hà vẫn chưa hoàn chỉnh. BTC có sự chỉ dẫn nào để du khách thấp phương có thể dễ dàng tìm đến?
- Đây là mùa thứ 3 chúng tôi tổ chức lễ hội nên cũng rút được một số kinh nghiệm. Thật ra, có rất nhiều con đường có thể đến lễ hội đền Trần Thái Bình, có một số đoạn đường vừa làm xong khá mới, như đoạn Thái Hà nối với quốc lộ 1A dài 700m, rộng 42m, đường chính qua xã Tiến Đức rộng 8m nên có thể thỏai mái để phương tiện giao thông đi lại. Năm ngoái, chúng tôi đón khoảng 15.000 khách tham quan, năm nay chúng tôi ước chừng sẽ đón 20 – 30 vạn người. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị những phương án để tránh ách tắc và để mọi người có thể dễ dàng vào lễ hội.
* Hiện giờ có hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ đang diễn ra. Rất nhiều trong số đó đang bị dư luận lên tiếng vì tình trạng chặt chém khách du lịch. Ông có đảm bảo điều này không xảy ra ở lễ hội đền Trần Thái Bình năm nay?
- Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức để đáp ứng du khách. Khu di tích lăng mộ đền Trần rộng khoảng 24,5ha, có nhiều khu đất trống bằng phẳng để tiện cho việc để xe vào lễ hội. Chúng tôi đã giao cho UBND xã Tiến Đức trông giữ xe cho du khách với 1 giá chung theo quy định của ngành thuế và sẽ thường xuyên cho người đi kiêm tra việc này. Du khách đến đây có thể dự lễ hội không phải mua vé vào cửa hay trả bất cứ chi phí nào cho BTC lễ hội.
* Xin cám ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.