(HNMO)- Hôm nay 19-4 (tức mùng 10 tháng Ba âm lịch) là ngày chính lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Mùa lễ hội Đền Hùng năm nay đã khép lại, nhưng trong lòng hàng triệu triệu người dân đất Việt vẫn đọng lại những tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp dành hướng tới mùa lễ hội năm sau.
|
Nhân dân nô nức dâng hương lễ Tổ trong lễ hội Đền Hùng năm nay |
Lễ hội Đền Hùng năm nay diễn ra trong niềm vui đón bằng công nhận "Di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nên dù là năm lẻ nhưng lễ hội Đền Hùng được tổ chức long trọng, với nhiều hoạt động văn hoá diễn ra trong suốt 7 ngày từ mùng 4 đến mùng 10 tháng Ba âm lịch. Theo Ban tổ chức lễ hội, hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đã về dâng hương lễ Tổ và vui hội. Số lượng du khách đến với Đền Hùng năm nay tăng đột biến so với những năm trước, nhất là ngày khai hội đúng vào ngày nghỉ cuối tuần.
Đáng ghi nhận, tuy lượng khách tăng đột biến, nhưng nhờ có kế hoạch chuẩn bị khá kỹ càng, tăng cường lực lượng phân luồng giao thông nên không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường đến với Đền Hùng; các bãi trông giữ xe được phân bố hợp lý đáp ứng được nhu cầu gửi phương tiện của các du khách.
|
Bên cạnh đó, như Báo Hànộimới đã đề cập, lượng khách đông, không gian Khu di tích có hạn song những hình ảnh phản cảm như ăn xin, cờ bạc, hàng rong, chèo kéo khách… hầu như không có. Dọc các lối đi, từ sân trung tâm lễ hội lên đền Thượng, xuống đền Trung, đền Hạ rồi đền Giếng, đâu đâu du khách cũng gặp những tấm biển nhắc nhở người trẩy hội ứng xử văn minh: không mặc quần soóc, áo không tay, váy ngắn khi hành lễ, không vứt rác bừa bãi, đặt tiền "giọt dầu"… đúng nơi quy định. Trong các điểm di tích, hệ thống hòm công đức, khay đựng tiền "giọt dầu" được đặt ở những nơi hợp lý, có người thu gom. Tất cả các điểm ghi công đức đều có tấm biển ghi rõ nội dung tiếp nhận công đức, số điện thoại nóng của những người có trách nhiệm để kịp thời tiếp thu phản ánh của du khách. Đội ngũ nhân viên tiếp nhận công đức mặc đồng phục, đeo thẻ, tỉ mỉ ghi rõ số tiền công đức trên mẫu phiếu do Cục Thuế tỉnh Phú Thọ phát hành.
Những chuyển biến tích cực ở lễ hội Đền Hùng năm nay phần nào cho thấy, tỉnh Phú Thọ đang từng bước hướng tới tổ chức một lễ hội kiểu mẫu. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng du khách khi đến với lễ hội Đền Hùng, đôi lúc, đôi nơi vẫn xảy ra những hành xử chưa đẹp, thiếu văn hóa làm ảnh hưởng xấu đến mục tiêu chung mà hầu hết mọi người đang hướng tới.
Trong số đó phải kể đến tình trạng ép giá, “bắt chẹt” khách của một số chủ hàng quán. Tình trạng này xảy ra ở dọc đường trục chính, nằm ngoài khu vực sân trung tâm lễ hội. Tại đây, du khách khi vào quán uống nước, nếu quên không mặc cả giá, khi thanh toán, chủ quán tha hồ “hét” giá trên trời, gấp 4-5 lần mức giá bình thường. Du khách chỉ còn biết móc “hầu bao” để trả dù trong lòng rất bực bội bởi cứ như mình vừa bị trấn lột hoặc bị móc túi vậy! Đơn cử, một lon nước tăng lực “bò húc”, chủ quán “hét” đến 3-4 chục nghìn đồng, ấm trà mạn nhỏ 3 chục nghìn đồng. Quá đáng hơn, dù du khách đã gọi đồ để uống và chịu giá “cắt cổ” nhưng chủ vẫn đòi phí ghế ngồi (5 nghìn đồng/ghế)... Nhiều nhóm du khách đã trót ngồi xuống ghế rồi, đến khi hỏi giá đồ giải khát thấy quá đắt nên vội đứng dậy, liền bị chủ quán bắt trả tiền ghế ngồi 10 nghìn đồng/ghế. Theo lý giải của một số chủ quán giải khát, sở dĩ phải tính như vậy cũng là “bất đắc dĩ” vì lượng khách hàng ít, trong khi phí thuê ki-ốt lại quá đắt, 6-7 triệu đồng/ki-ốt trong một mùa lễ hội(!?)
Mùa lễ hội Đền Hùng năm nay, do lượng khách tăng đột biến, nhất là vào 2 ngày nghỉ cuối tuần (mùng 4 và mùng 5 tháng Ba âm lịch vừa qua) nên không tránh được tình trạng du khách chen lấn, xô đẩy lẫn nhau khi lên đền Thượng hoặc xuống đền Giếng. Hơn thế, du khách không xếp hàng đi theo tuần tự trên lối đi đã được quy định mà thi nhau leo lên hoặc đi vào những khu vực đã có biển báo “khu vực nguy hiểm cấm trèo” hay “cấm đi lối này”... Tình trạng này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường rừng, thậm chí có thể xảy ra cháy rừng khi du khách bất cẩn châm thuốc lá.
Mong sao từ mùa lễ hội Đền Hùng năm sau, du khách không còn phải chứng kiến những hình ảnh, những hành xử xấu kể trên. Nhiều du khách kiến nghị Ban tổ chức nên có biển chỉ dẫn phân định rõ ràng “lối lên”, “lối xuống” (hay đường một chiều): từ cổng đền lên đền Hạ, đền Trung, đền Thượng là “lối lên”, còn xuống đền Giếng là “lối xuống” để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy như đã diễn ra.
Dưới đây là những hình ảnh ghi lại cái đẹp và chưa đẹp ở lễ hội Đền Hùng năm nay:
|
Trạm cấp cứu và phòng chống dịch, bệnh thường trực trong những ngày lễ hội diễn ra |
|
Mỗi quầy bán hàng có giá thuê 6-7 triệu đồng trong những ngày diễn ra lễ hội |
|
Mặc dù có biển thông báo nhưng nhiều du khách vẫn ném tiền lẻ xuống khu vực đền Giếng, gây phản cảm |