Thành phố Việt Trì là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam, nơi chứa đựng nhiều tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị.
Với hệ thống di sản văn hóa đặc sắc hiện đang nắm giữ, thành phố Việt Trì được xác định sẽ trở thành một “Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” của tỉnh Phú Thọ, trong đó, di sản văn hóa quốc gia “Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang” với nghi lễ rước nước sẽ là một trong những sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc của vùng đất Tổ.
Lễ hội độc đáo của vùng đất Tổ
Hằng năm, “Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang” diễn ra vào ngày mồng 3 tháng Giêng tại đền, chùa Tam Giang (phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với những nghi thức mang đậm dấu ấn lịch sử của vùng đất Văn Lang xưa.
Đây là lễ hội truyền thống gắn với tín ngưỡng thờ thần hoàng làng Thổ Lệnh, anh hùng dân tộc Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và Thánh mẫu Quách A Nương - những người có nhiều công lao đóng góp cho vùng Bạch Hạc xưa.
Cùng với tín ngưỡng thờ thần hoàng làng, “Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang” mang biểu tượng của tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Lễ hội gồm nhiều hoạt động nhưng đặc trưng nhất là nghi lễ rước nước tại ngã ba Hạc - nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn: Sông Hồng, sông Đà và sông Lô.
Lễ rước nước là một nghi lễ mở đầu thường thấy trong các lễ hội truyền thống ở nước ta, thường gắn với lễ mộc dục (tắm tượng) hoặc để dâng cúng các vị thần linh. Nghi lễ rước nước Bạch Hạc thuộc phần lễ trong “Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang” là một nghi lễ linh thiêng, thể hiện ước nguyện về sự sinh sôi nảy nở của vạn vật thiên nhiên và con người, mang hồn cốt văn hóa đặc trưng của vùng. Nghi lễ rước nước Bạch Hạc diễn ra vào lúc 12h đêm ngày 8 tháng Ba âm lịch hằng năm. Đây là khoảng thời gian trời đất giao hòa để bước sang một chu kỳ mới, gắn với chu kỳ sản xuất của cư dân nông nghiệp.
Tham gia lễ rước nước gồm cụ tiên chỉ, các bô lão, tộc biểu ở các giáp (nay là thôn, xóm) và đại diện các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền phường Bạch Hạc; đội tế nam, đội tế nữ, phường bát âm, đội rước long đình... và dân làng.
Ngoài trang phục theo nghi lễ truyền thống, đoàn rước còn chuẩn bị kiệu, lọng, nhạc khí, chóe đựng nước, gáo múc nước và các lễ phẩm.
Sau khi cụ tiên chỉ ra hiệu lệnh, kiệu được rước từ trong đền xuống bến thuyền đi đến địa điểm lấy nước. Đoàn rước gồm ba chiếc thuyền rồng được trang trí cờ hoa lộng lẫy đi từ bến sông bên đền Tam Giang chạy ngược sông Lô về hướng cầu Việt Trì, qua đền thờ Nữ tướng Quách A Nương rồi quay ngược lại, xuôi về ngã ba Hạc. Tại đây, đoàn rước thả neo, dừng thuyền làm lễ xin phép thần linh lấy nước về cúng thánh.
Trước khi lấy nước, chủ tế dùng một vòng tròn cuốn vải màu hoặc vải ngũ sắc thả xuống mặt sông để định vị vị trí lấy nước và ngăn những thứ không sạch sẽ, sau đó múc nước trong vòng tròn đổ vào chóe qua một lượt vải đỏ. Sau khi được múc đầy, người ta rước các chóe nước thiêng về đền làm lễ tế.
Lễ hội Bạch Hạc được nhiều nhà nghiên cứu ví như một bảo tàng sống động với nhiều nghi lễ, dân ca, trang phục dân tộc cổ truyền, trò chơi dân gian gắn liền với các truyền thuyết, lịch sử về các vị anh hùng của dân tộc, được quy hoạch nằm trong hệ thống lễ hội của vùng đất Tổ. Là một phần đặc trưng của lễ hội, nghi lễ rước nước Bạch Hạc được tỉnh Phú Thọ lựa chọn xây dựng thành một sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc của vùng đất Tổ nhằm mang lại những trải nghiệm văn hóa hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với tỉnh.
Xây dựng thương hiệu Thành phố lễ hội về với cội nguồn
Với hai di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, Phú Thọ là địa phương điển hình trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh vùng đất Tổ ngày càng được hoàn thiện, các di tích được cải tạo tu bổ, các hoạt động văn hóa lễ hội được tổ chức hiệu quả, đổi mới, hấp dẫn. Một số sản phẩm du lịch văn hóa đã xây dựng được thương hiệu và tạo ấn tượng với khách du lịch trong nước và quốc tế như: "Tour Hát Xoan làng cổ”, “Tour đêm đền Hùng”, chương trình du lịch quốc tế đường sông, trải nghiệm làng nghề...
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch, tính độc đáo, linh thiêng của nghi lễ rước nước Bạch Hạc là cơ sở cốt lõi hình thành và phát triển thành một sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Đặc biệt, trải nghiệm tìm hiểu nghi lễ rước nước diễn ra vào lúc nửa đêm sẽ góp phần kích cầu các hoạt động dịch vụ du lịch về đêm cùng với các dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm và các dịch vụ gia tăng khác; đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố Việt Trì trở thành “Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”.
Để nghi lễ rước nước Bạch Hạc trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của tỉnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ) Nguyễn Đức Hòa cho biết, từ tháng 6-2022 đến tháng 4-2023, Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ đã triển khai Dự án Xây dựng mô hình sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tâm linh “Nghi lễ rước nước Bạch Hạc, đền Tam Giang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ”.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng không gian văn hóa thực hành nghi lễ; cải tạo, sửa chữa, trang trí cảnh quan môi trường, bến thuyền; cải tạo, trang trí, nâng cấp thuyền rước nước... nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch, góp phần xây dựng thành phố Việt Trì trở thành “Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”. Đây sẽ là mô hình kiểu mẫu về khai thác giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đất Tổ, hứa hẹn sẽ được nhân rộng ở nhiều địa phương khác trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.