Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang thực hiện lấy ý kiến của 18 bộ, ngành; 38 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ngân hàng, 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành về Tờ trình và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, Nghị định số 52/2016/NĐ-CP.
Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13-6-2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Còn Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13-6-2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua gần 7 năm thực hiện, cơ chế quản lý tiền lương, tiền thưởng hiện hành tại Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, Nghị định số 52/2016/NĐ-CP đang phát sinh một số bất cập. Chính vì vậy, Nghị định sửa đổi này nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế chủ yếu của chính sách tiền lương đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong bối cảnh chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, tạo động lực cho loại hình doanh nghiệp này tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Dự thảo Nghị định gồm 4 Điều, quy định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP, với những nội dung cơ bản về thang lương, bảng lương, tiền lương của người quản lý… Trong đó, công ty có quy mô lợi nhuận lớn được áp dụng hệ số tăng thêm 1,5; 2,0; 2,5 lần lương cơ bản. Đối với công ty có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận bằng hoặc thấp hơn năm trước liền kề thì người quản lý vẫn được áp dụng hệ số tăng thêm nhưng bảo đảm không vượt quá mức 70% của hệ số tăng thêm tối đa trong khung nhân với tỷ lệ giữa lợi nhuận kế hoạch so với thực hiện của năm trước liền kề.
Đáng chú ý, nội dung dự thảo cho phép một số doanh nghiệp, tổ chức được áp dụng cơ chế tiền lương của doanh nghiệp nhà nước, có tính đến tính hoạt động của các đơn vị, gồm: Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là các đơn vị có tính chất hoạt động đặc thù, trước đây đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tính đến tính chất đặc thù khi áp dụng cơ chế tiền lương của doanh nghiệp nhà nước và cần thiết phải tiếp tục quy định tại Nghị định này. Cùng với đó là cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam áp dụng cơ chế tiền lương chung của doanh nghiệp nhà nước (tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả hoạt động), có tính yếu tố đặc thù về tính chất, mô hình và hoạt động…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.