Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy thuyết phục để kiểm chứng hiệu quả

Võ Lâm| 03/03/2014 06:06

(HNM) - Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (3/3/1949 - 3/3/2014), đồng chí Hồ Quang Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới về vấn đề niềm tin trong xã hội và nhiệm vụ của người làm công tác tuyên giáo trong xây dựng niềm tin đối với Đảng và chế độ hiện nay.


- Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu gì đối với các cấp ủy Đảng trong việc xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đối với Đảng, chế độ, thưa đồng chí?

- Những biến động rất khó lường của đời sống chính trị, kinh tế thế giới gần đây tác động rất mạnh đến nước ta, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của mỗi người dân. Với vai trò, vị trí đặc biệt, Thủ đô Hà Nội là nơi chịu tác động mạnh nhất. Đồng thời, từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội phải căng sức giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ, trong đó có nhiều việc lớn, việc mới, việc khó, việc chưa có tiền lệ. Đời sống kinh tế - xã hội sôi động, tốc độ đô thị hóa mạnh, quy mô rộng lớn, dân cư đông, thành phần đa dạng khiến Hà Nội phải đối diện hằng ngày với những vấn đề nóng, bức xúc. Trong khi đó, như Nghị quyết TƯ 4 đã chỉ rõ, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức có quyền có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống. Và cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những thuận lợi và thành tựu, vẫn còn không ít khó khăn, bất cập, thiếu sót, khuyết điểm, từ việc thực hiện một số chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án… cho đến việc xử lý một số vụ việc cụ thể, gây hoài nghi, bức xúc trong dư luận. Thủ đô của chúng ta còn là địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Vì thế, có thể nói, chưa bao giờ niềm tin xã hội bị thách thức gay gắt như bây giờ.

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khảo sát tình hình kinh tế - xã hội tại 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất). Ảnh: Hiền Lương


- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã thực hiện những biện pháp gì để xây dựng niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bối cảnh như vậy, thưa đồng chí?

- Chúng ta có thuyết giáo kiểu gì mà kinh tế không phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không được cải thiện, quyền lợi chính đáng của họ không được bảo vệ, các vụ việc nóng, bức xúc không được giải quyết hài hòa, thỏa đáng thì cũng không thể tạo dựng được niềm tin. Xây dựng niềm tin cũng như công tác chính trị tư tưởng không phải là việc riêng của ngành tuyên giáo mà là nhiệm vụ chung, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.

Những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện những biện pháp có hiệu quả để tạo dựng niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, thành phố đã tập trung đổi mới phong cách lãnh đạo, chọn những việc trọng tâm, trọng điểm, những việc nóng, bức xúc liên quan trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, đời sống người dân để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm kịp thời trong suốt quá trình giải quyết. Thành phố đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá và 9 chương trình công tác lớn, mỗi chương trình đều có một ban chỉ đạo do các đồng chí thường trực Thành ủy làm trưởng ban, tất cả đều hướng về cơ sở, hoạt động rất nền nếp, bài bản và khoa học. Mỗi năm, thành phố lại chọn một chủ đề để tập trung thực hiện (2012: Năm quy hoạch, 2013: Năm kỷ cương hành chính, 2014: Năm trật tự, văn minh đô thị). Dẫu còn nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết nhưng thành tựu đạt được của Thủ đô vừa qua là khá toàn diện, trong đó nổi bật là giải tỏa ách tắc giao thông, xây dựng nông thôn mới. Hà Nội tiếp tục khẳng định được vị thế đầu tàu, đóng góp to lớn vào thành quả chung của cả nước. Kinh tế -xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Không những thế, trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung của Trung ương giao, Hà Nội thường chủ động đi đầu, có sáng kiến, sáng tạo trong thực hiện. Chẳng hạn, thực hiện Nghị quyết TƯ 4, Hà Nội đi đầu thí điểm lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy và các phó chủ tịch HĐND, UBND và 7 sở, ngành nhạy cảm; mô hình 141 phát huy hiệu quả trong giữ gìn an ninh trật tự; ban hành và thực hiện tốt Chỉ thị 11 về tổ chức cưới văn minh… Đó là những việc làm cụ thể và thiết thực góp phần tạo dựng niềm tin.

Trong quá trình đó, hệ thống tuyên giáo thành phố đã tham gia một cách chủ động và trách nhiệm, đóng góp tích cực vào thành quả chung của Thủ đô, nổi bật là trên các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, giáo dục… Điều chúng tôi thấy rất tâm đắc là công tác tuyên truyền đã góp phần rất quan trọng tăng cường sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, là cơ sở để tiến hành thắng lợi các công việc, trong đó có nhiều việc khó kéo dài trong nhiều năm.

- Đó là về tổng thể, nhưng đây đó, nhiều việc tiêu cực diễn ra hằng ngày dễ làm chúng ta mất niềm tin vào cuộc sống. Làm thế nào để giữ vững niềm tin?

- Cái xấu, cái ác vẫn hiện hữu, tiềm ẩn, len lỏi trong xã hội, nhưng đó không phải cái cơ bản. Nếu cái xấu, cái ác là cơ bản, làm sao chúng ta có đời sống xã hội như ngày hôm nay. Cần nhìn nhận, đánh giá một cách bình tĩnh, khách quan để không cường điệu hóa những mặt xấu của xã hội, để nó lấn át đi những mặt tích cực. Tôi nghĩ, sự kịp thời, công khai, minh bạch; sự đúng đắn, hiệu quả của việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội; sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu… là những yếu tố rất cơ bản và quyết định để xây đắp niềm tin xã hội.

- Niềm tin của người dân chịu tác động không nhỏ từ mặt trái của sự phát triển truyền thông, các chiêu trò "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch… Ban Tuyên giáo có biện pháp gì để đối phó?

- Biện pháp cơ bản nhất là bản thân chúng ta phải tốt, phải mạnh. Như trên đã nói, nhìn những bước phát triển của đất nước, của Thủ đô trong 5-10 năm vừa qua thì không ai phủ nhận được. Hà Nội thật sự đang đổi mới và đang lớn mạnh từng ngày.

Nhưng như thế chưa đủ, trong thời buổi thông tin nhiều chiều tràn ngập thế này, chúng ta phải rất chủ động. Ngoài kênh báo chí, chúng ta có hệ thống thu thập thông tin dư luận xã hội riêng, hoạt động rộng khắp, giúp thành phố nắm bắt chính xác diễn biến tư tưởng nhân dân. Chỉ khi đánh giá đúng thực tế, chúng ta mới đề ra được biện pháp đúng. Mặt khác, vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu giúp Thành ủy ban hành Chỉ thị 25 về cung cấp thông tin và trả lời báo chí, qua đó tăng cường sự chủ động và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc cung cấp thông tin kịp thời đầy đủ, chính xác cho báo chí, cố gắng không để việc gì xảy ra trên địa bàn thành phố dư luận quan tâm mà không được làm rõ. Đây là biện pháp giành phần chủ động trên mặt trận đấu tranh tư tưởng… Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.

- Đồng chí nghĩ sao về vai trò của báo chí trong xây dựng lòng tin?

- Niềm tin của xã hội chịu tác động rất lớn từ báo chí và các phương tiện truyền thông khác. Gần đây có không ít tờ báo chỉ tập trung nêu mặt xấu, mặt tiêu cực, đi sâu mô tả những việc đôi khi rất cá biệt trong xã hội, dùng thời lượng quá lớn, nhiều số báo liền để mô tả những việc như thế. Những bài báo như vậy tạo nên cảm giác u tối về xã hội. Trách nhiệm của báo chí là làm sao để mọi người thấy rằng trong cuộc sống chúng ta đang làm chủ, đang xây dựng ngày hôm nay, cái tốt, cái thiện vẫn là cơ bản, niềm tin vẫn là ánh sáng trong cuộc đời này.

- Với bề dày 65 năm, ngành tuyên giáo Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang này như thế nào để đóng góp nhiều hơn cho Thủ đô và đất nước, nhất là trong việc xây dựng niềm tin đối với Đảng, chế độ?

- Càng tự hào về truyền thống bao nhiêu, chúng tôi càng nhận thức rõ ràng rằng nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề. Điều đó đòi hỏi những người làm tuyên giáo Thủ đô phải bám sát thực tiễn, không ngừng nỗ lực học hỏi để có tầm nhìn rộng, dự báo được tình hình, tham mưu kịp thời, chính xác cho cấp ủy. Tuyên giáo Thủ đô đang nỗ lực thực hiện phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thuyết phục, hiệu quả", trong đó, chúng tôi lấy thuyết phục làm trung tâm kiểm chứng hiệu quả tất cả mọi hoạt động của công tác tuyên giáo. Chỉ có sức thuyết phục thật sự mới củng cố và xây đắp được niềm tin bền vững.

- Xin cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lấy thuyết phục để kiểm chứng hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.