(HNM) - Xác định nhân dân là đối tượng trọng tâm, là mục đích chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) hướng tới, ngay từ khi triển khai, huyện Thường Tín đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm xã hội hóa chương trình NTM. Đó là tiền đề quan trọng để Thường Tín đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.
Huy động sức dân
Bắt tay vào xây dựng NTM, Thường Tín có sự đồng thuận lớn của bà con nhân dân. Khi tiến hành triển khai các công trình đường giao thông nông thôn, người dân đã sôi nổi tham gia đóng góp ngày công, tiền bạc, hiến đất. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Lưu Văn Phúc nêu dẫn chứng, Nhị Khê là xã điểm xây dựng NTM của huyện. Khi chương trình bắt đầu triển khai bà con đã hăng hái tham gia. Để làm được tuyến đường liên thôn Văn Xá - Trung Thôn của xã, người dân đã hiến gần 1.000m² đất; tuyến đường khu dân cư Quán Gánh chiều dài 800m, bà con nhân dân đóng góp 400 triệu đồng, chiếm 20% tổng số tiền đầu tư xây dựng. Đến nay, Nhị Khê đã có 10/19 tiêu chí đạt; phấn đấu hết năm 2012 đạt thêm 6 tiêu chí, năm 2013 sẽ hoàn thành xây dựng NTM. Ông Nguyễn Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Khê cho biết, toàn xã có 4 thôn và 1 khu dân cư, trong đó 3 thôn có nghề truyền thống là nghề tiện ở thôn Nhị Khê, Trung Thôn và nghề làm bánh dày ở Quán Gánh. Nhờ có nghề phụ và hoạt động buôn bán dịch vụ phát triển, thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên. Tính đến hết năm 2011, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt gần 21 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2%. Năm 2011, Nhị Khê đã huy động gần 2 tỷ đồng từ nhân dân và cộng đồng để xây dựng NTM. Theo đề án, năm 2012 Nhị Khê sẽ thực hiện 26 nội dung với tổng nguồn vốn đầu tư là 202 tỷ 433 triệu đồng, trong đó vốn nhân dân tự nguyện đóng góp là 11 tỷ 324 triệu đồng; vốn của các doanh nghiệp 40 tỷ 464 triệu đồng; vốn xã hội hóa khác 3 tỷ 600 triệu đồng.
Đường làng, ngõ xóm tại xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) đã được cải tạo mới, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân trong vùng. Ảnh: Thái Hiền
Ngoài xã Nhị Khê, xây dựng NTM tại xã Vạn Điểm cũng có nhiều thuận lợi bởi sự đồng thuận, đóng góp kinh phí của nhân dân. Vạn Điểm mới bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhưng so với bộ tiêu chí quốc gia xã đã đạt 10/19 tiêu chí. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thanh Tùng khẳng định, có được tiền đề quan trọng đó là do nhân dân đồng tình đóng góp tiền và ngày công lao động. Cuối năm 2011, nhân dân đóng góp trên 2 tỷ đồng cải tạo hệ thống cống, rãnh trong các thôn, mở rộng đường liên thôn, xóm. Tính đến hết ngày 19-4, Vạn Điểm huy động được 5 tỷ đồng từ doanh nghiệp, nhân dân để xây dựng NTM. Năm 2012, Vạn Điểm phấn đấu đạt 15/19 tiêu chí và hoàn thành chương trình NTM trong năm 2013.
Tận dụng lợi thế
Năm 2012, huyện Thường Tín đề ra mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 13%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế với công nghiệp - xây dựng chiếm 53%, thương mại dịch vụ chiếm 32,9% và nông nghiệp còn 14,1%; giải quyết việc làm cho 3.000 người trở lên, trong đó có 50% lao động được qua đào tạo nghề; giảm 1.450 hộ nghèo, tương ứng 2,68%… Để hoàn thành mục tiêu đó, Thường Tín đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng NTM tại các xã. Theo lộ trình, trong tháng 3 này, Thường Tín phê duyệt kế hoạch chi tiết thực hiện đề án 3 xã Vạn Điểm, Liên Phương, Duyên Thái. Đối với công tác quy hoạch, UBND huyện Thường Tín đã triển khai lập quy hoạch NTM tại 18 xã; phê duyệt được nhiệm vụ đề cương và dự toán của 28 xã về quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc sớm hoàn thành quy hoạch sẽ định hướng cho bà con phát triển theo lợi thế từng vùng.
Khi làm việc với UBND huyện Thường Tín, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, Thường Tín là cửa ngõ Thủ đô, một phần nằm trong khu đô thị trung tâm, có ga đường sắt trung chuyển và các tuyến quốc lộ quan trọng, các khu công nghiệp xen lẫn rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Thường Tín cần tận dụng những lợi thế sẵn có để tạo đòn bẩy sớm hoàn thành chương trình xây dựng NTM, ưu tiên phát triển thương mại và nông nghiệp sạch. Cần quán triệt tư tưởng cho các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền và người dân. Điều quan trọng nhất của việc xây dựng NTM là tạo ra những giá trị mới, nông thôn hiện đại phải có những giá trị mới về kinh tế, văn hóa, về tổ chức cộng đồng và người nông dân phải có tính năng động, tự chủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.