(HNM) - Mở rộng diện bao phủ, đối tượng tham gia, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động là những nhiệm vụ xuyên suốt của ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội.
Nhân kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Bảo hiểm xã hội Hà Nội (15/6/1995 - 15/6/2020), phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa về những hoạt động của ngành trong việc đưa chính sách bảo hiểm đi vào cuộc sống.
Khẳng định vai trò là trụ cột an sinh
- Trong chặng đường 25 năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã vượt qua không ít khó khăn, thử thách để thu về những “trái ngọt”, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở Thủ đô. Ông có thể cho biết rõ hơn những kết quả đạt được của ngành?
- Giai đoạn mới thành lập, Bảo hiểm xã hội Hà Nội thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, nguồn lực con người. Hơn nữa, nhận thức của người dân về tính ưu việt của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… còn hạn chế, nên việc triển khai chính sách gặp nhiều khó khăn. Vượt lên tất cả những gian nan, thử thách, ngành Bảo hiểm xã hội đã nỗ lực hoạt động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa chính sách bảo hiểm đi vào đời sống.
Đến nay, toàn thành phố có hơn 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong độ tuổi (cả nước là hơn 32%), tăng 1,4 triệu người so với năm 1995. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt hơn 1,6 triệu người, chiếm khoảng 34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi, như trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nghề trong giai đoạn không may bị mất việc làm. Bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng tới đối tượng người làm nông nghiệp, lao động phi chính thức cũng từng bước đi vào đời sống. Đặc biệt, bảo hiểm y tế đã mở rộng diện bao phủ đến gần 90% dân số Thủ đô, giúp người dân có điều kiện để chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí khám, chữa bệnh.
- Cùng với nhiệm vụ mở rộng diện bao phủ, mở rộng đối tượng, việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng cho người tham gia, những năm vừa qua, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã tích cực đôn đốc thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ tiền bảo hiểm. Nhờ đó, tổng số thu từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng liên tục, từ gần 117 tỷ đồng vào năm 1995, tăng lên gần 43.300 tỷ đồng vào cuối năm 2019 (tăng 371 lần). Đến cuối năm 2019, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi trên địa bàn thành phố là 913,9 tỷ đồng và tỷ lệ nợ là 1,98% so với kế hoạch thu, thấp nhất từ trước đến nay.
Đáng chú ý, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã ký hợp đồng với 191 cơ sở y tế từ tuyến huyện đến trung ương để thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân và tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở hầu hết các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Qua đó cho thấy, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thu hút ngày càng nhiều người tham gia, góp phần bảo đảm đời sống dân sinh, đồng thời khẳng định vai trò là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội ở Thủ đô.
- Trong chuỗi giải pháp đã triển khai, theo ông giải pháp nào có tính chất tạo đà, đưa chính sách bảo hiểm phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu?
- Quá trình thực thi các chính sách bảo hiểm luôn có sự định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội; sự hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Nhờ vậy, ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội không ngừng cải cách thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công mức độ 3 và 4, ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch hồ sơ điện tử; thực hiện tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính.
Nổi bật là số thủ tục hành chính do ngành quản lý đã giảm từ 115 thủ tục vào năm 2014, xuống còn 28 thủ tục vào năm 2019; số giờ để thực hiện các thủ tục giảm tương ứng từ 335 giờ/năm, xuống còn 49,5 giờ/năm. 100% đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, trong đó có 97% đơn vị đã tham gia. Cá nhân mất thẻ bảo hiểm y tế có thể đề nghị cấp lại qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua dịch vụ bưu chính…
Nâng cao hiệu quả quản lý, mở rộng đối tượng tham gia
- Kết quả đạt được của ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội trong thời gian gần đây là bước đột phá so với giai đoạn trước, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số mục tiêu sẽ khó trở thành hiện thực. Ông nghĩ sao về điều này?
- Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu đến năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt hơn 1% và người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 40% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025, tỷ lệ này tăng lần lượt lên 3% và 50%... Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số chỉ tiêu phát triển của ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội trong 5 tháng đầu năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra, thậm chí còn giảm so với năm trước. Đáng lo nhất là số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp giảm gần 30.000 người so với thời điểm cuối năm 2019. Bảo hiểm xã hội tự nguyện mới thu hút hơn 37.000 người tham gia, chiếm một phần nhỏ lực lượng trong độ tuổi, đạt tốc độ gia tăng 4,5% (chỉ tiêu năm 2020 là tăng 30%).
Toàn thành phố đang có hơn 57.000 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền nợ phải tính lãi là 1.970 tỷ đồng, tăng hơn 990 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2019… Điều này đã và đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia chính sách bảo hiểm; đồng thời là bài toán cần các cơ quan, đơn vị chức năng sớm đưa ra lời giải.
- Vậy theo ông, các cơ quan chức năng cần làm gì để bảo hiểm xã hội luôn vững vàng là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội ở Thủ đô?
- Ở cấp vĩ mô, tôi kiến nghị, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động; xây dựng nhanh hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, nhất là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cùng với đó là hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội…
Về phía thành phố Hà Nội, tôi mong muốn các cơ quan chức năng từ thành phố tới cơ sở tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức về tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình thực hiện. Chính quyền các địa phương đưa chỉ tiêu mở rộng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội là một trong các tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Với trách nhiệm được giao, Bảo hiểm xã hội Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Nói cách khác, trong mọi hoạt động, Bảo hiểm xã hội Hà Nội luôn lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo, tiêu chí đánh giá hiệu quả.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.