Y tế

Lấy lại ánh sáng sau nhiều năm mòn mỏi chờ nguồn giác mạc

Thu Trang 29/01/2024 - 17:00

Một chàng trai 34 tuổi bị chết não sau tai nạn giao thông đã hiến tặng giác mạc để mang lại ánh sáng cho hai người bệnh.

Chiều 29-1, theo tin từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108, các y, bác sĩ nơi đây đã thực hiện thành công hai ca ghép giác mạc mang lại ánh sáng diệu kỳ cho hai người bệnh. Trước đó, hai bệnh nhân này đã phải chờ đợi nhiều năm mà không có nguồn giác mạc hiến.

Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân tên B (sinh năm 1974, ở Nghệ An) bị chấn thương mắt trái cách đây 33 năm, để lại sẹo dày vùng trung tâm giác mạc kèm theo đục thể thủy tinh, thị lực rất kém. Ghép giác mạc là giải pháp duy nhất giúp bệnh nhân lấy lại ánh sáng.

ca-phau-thuat-ghep-giac-mac.jpg
Kíp ghép giác mạc của Bệnh viện trung ương Quân đội 108.

Một trường hợp khác là nam bệnh nhân H (sinh năm 1955, ở Phú Thọ) bị viêm giác mạc nội mô từ nhiều năm nay, đã được điều trị thuốc nhiều đợt nhưng không khỏi.

Theo lời kể của bệnh nhân, trong suốt thời gian dài, mắt trái nhìn rất mờ, thường xuyên bị sưng đỏ, cộm, nhức, chảy nước mắt nhiều gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống.

Các bác sĩ Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã chẩn đoán, mắt trái của bệnh nhân bị bệnh giác mạc bọng, đục thể thủy tinh, có chỉ định ghép giác mạc. Tuy nhiên, người bệnh phải chờ đợi 3 năm nay vì không có giác mạc hiến.

Người hiến giác mạc cho hai nam bệnh nhân nói trên là một chàng trai (34 tuổi, ở Phú Thọ) bị chết não do tai nạn giao thông. Sau khi được tư vấn, thấu hiểu việc hiến tạng có thể cứu sống nhiều cuộc đời khác nên gia đình bệnh nhân đã đồng ý hiến mô, tạng sau khi bệnh nhân qua đời.

Ngay sau khi được Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia thông báo, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã khẩn trương đến lấy 2 giác mạc và tiến hành 2 ca mổ liên tiếp ghép giác mạc kết hợp với phẫu thuật thể thủy tinh cho hai người bệnh.

Kết quả sau ca mổ tốt hơn cả mong đợi. Ngày thứ 4 sau phẫu thuật, các mảnh ghép trong, thị lực sau chỉnh kính đã đạt được 2/10. Cả hai người bệnh đều được ra viện sau ghép ngày thứ 5.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Hồng, Khoa Mắt, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 - người phẫu thuật ghép giác mạc cho hai bệnh nhân chia sẻ, đây là các bệnh nhân phức tạp hơn so với thông thường vì phải phẫu thuật ghép giác mạc kết hợp với lấy thể thủy tinh đục, đặt thể thủy tinh nhân tạo. Tại Việt Nam, không nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện được thành công kỹ thuật tương tự.

“Ghép giác mạc có tỷ lệ thải ghép thấp và quá trình sử dụng thuốc chống thải ghép không phức tạp và tốn kém như ghép các tạng khác. Đặc biệt, quá trình phục hồi khá nhanh, chỉ sau ghép khoảng 1 tuần người bệnh có thể trở lại sinh hoạt và làm việc nhẹ nhàng”, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hồng cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Hồng cũng đưa ra lưu ý, sau khi ra viện, người bệnh cần tuân thủ điều trị và đến khám lại đúng hẹn. Bệnh nhân cần phải đến khám lại ngay nếu có các dấu hiệu: Mắt đau nhức, đỏ mắt, thị lực giảm… Bởi vì đây có thể là dấu hiệu của biến chứng nhiễm trùng, tăng nhãn áp hoặc phản ứng thải mảnh ghép, nếu không điều trị kịp thời có thể gây hỏng mảnh ghép.

Hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc ở nước ta rất lớn do nhiều bệnh tật khác nhau gây ra (dị tật bẩm sinh, chấn thương, bỏng, viêm nhiễm…) nhưng nguồn giác mạc hiến rất khan hiếm do những yếu tố tâm lý, văn hóa, pháp lý…

Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã triển khai ghép giác mạc từ nhiều năm nay và đã ghép thành công hơn 30 bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy lại ánh sáng sau nhiều năm mòn mỏi chờ nguồn giác mạc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.