(HNM) - Sau 4 năm thực hiện giai đoạn 1 (2009-2013), Dự án Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chuẩn bị bước vào giai đoạn 2, dự án cần quan tâm những vấn đề gì để thành công hơn nữa? Ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án IPP đã trao đổi với Hànộimới xung quanh vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về kết quả giai đoạn 1 của Chương trình IPP, thưa ông?
- Ông Trần Quốc Thắng: IPP là một trong những chương trình ODA chính thức của Phần Lan dành cho Việt Nam với mục đích tổng thể là tăng cường hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực của hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia. Giai đoạn 1 có tính chất khởi động song chúng tôi rất vui mừng vì kết quả đạt được rất rõ: Thứ nhất là nhận thức của xã hội về ĐMST. Trước đây chúng ta nâng cao năng lực phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nhân công giá rẻ, dựa vào nguyên liệu thô, và chúng ta có những chính sách phù hợp để tạo sự phát triển. Tuy nhiên, ngày nay không thể phát triển theo hướng này nữa, mà phải dựa vào tri thức tạo ra những sản phẩm cụ thể, nâng cao giá trị sản phẩm, đấy chính là ĐMST. Bên cạnh đó các nhà hoạch định chính sách, cụ thể là đội ngũ quản lý hoạt động KHCN cho đến các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến hoạt động ĐMST, quan tâm đến mục đích sống còn của doanh nghiệp là nâng cao năng suất chất lượng và sự cạnh tranh.
Thứ hai, thông qua chương trình IPP, đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tạo mối liên kết khăng khít và hiệu quả giữa những người làm ra tri thức, làm ra công nghệ với doanh nghiệp. Những mô hình này, kết hợp với cơ chế tạo điều kiện của chương trình, đã có những thành công bước đầu.
- Thưa ông, giai đoạn 1 vừa qua còn một số doanh nghiệp thực hiện chậm tiến độ, không hoàn thành mục tiêu đặt ra. Vậy chúng ta sẽ rút kinh nghiệm như thế nào cho giai đoạn 2?
- Ông Trần Quốc Thắng: Như chúng ta đã biết, hoạt động ĐMST đối với chúng ta vẫn còn mới mẻ. Đây lại là dự án đầu tiên của chương trình ĐMST cho nên những kinh nghiệm quản lý dự án chưa có nhiều. Đó cũng là một trong những lý do khiến một số đề tài chưa đúng tiến độ. Điều đó cần khắc phục trong giai đoạn sau. Ở giai đoạn 2, chương trình sẽ chú trọng nâng cao trình độ quản lý, tăng cường hơn công tác tuyên truyền. Có nhiều doanh nghiệp cũng muốn tham gia chương trình, nhưng cách tiếp cận dự án và xây dựng dự án chưa hợp lý nên chưa có điều kiện tham gia. Đây cũng là điều cần phải rút kinh nghiệm.
Tôi cho rằng điều đầu tiên học được là làm ĐMST đừng sợ mạo hiểm, đừng sợ thất bại. Thất bại là có thể, song nếu chúng ta biết cách đi đúng, sẽ tránh được rủi ro. Bài học thứ hai thu được chính là ý chí, quyết tâm và tinh thần khoa học của các nhà doanh nghiệp, đồng thời cũng là ý chí doanh nghiệp của các nhà khoa học. Nói cách khác, các doanh nghiệp đã biết dựa vào khoa học, dựa vào công nghệ, vào nơi sản sinh ra tri thức, sản sinh ra công nghệ để phát triển, còn các nhà khoa học đã hướng tới nghiên cứu, chuyển giao những gì doanh nghiệp cần, chứ không chỉ làm cái gì chúng ta biết, chúng ta đang có, chúng ta thích.
- Để giai đoạn 2 chương trình đạt nhiều thành công hơn, theo ông cần chú trọng vấn đề gì?
- Ông Trần Quốc Thắng: Trong giai đoạn 2 chúng tôi cũng thực hiện theo 4 cấu phần như giai đoạn 1: Nâng cao năng lực hoàn thiện thể chế; nâng cao năng lực quản lý hoạt động ĐMST; nâng cao hiệu quả quan hệ giữa viện, trường, doanh nghiệp và Nhà nước; nâng cao quan hệ hợp tác doanh nghiệp giữa Việt Nam và Phần Lan.
Tuy nhiên, giai đoạn sắp tới chúng tôi cũng nhấn mạnh hơn đến vấn đề kết hợp, lồng ghép Chương trình IPP với những chương trình của Bộ KH-CN đang thực hiện như: Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình công nghệ cao, Chương trình năng suất chất lượng… Nếu lồng ghép được, các chương trình sẽ hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường tiềm lực, tập trung nguồn lực để đạt mục tiêu rất quan trọng là đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và lấy doanh nghiệp làm trung tâm hoạt động của ĐMST.
Kỳ vọng của chương trình là số lượng doanh nghiệp đăng ký, hoạt động thành công sẽ tăng lên, đặc biệt sẽ có điểm nhấn như tôi đã nói ở trên, là sự kết hợp một số chương trình quốc gia để có thể có những sản phẩm của những vùng đặc trưng nhưng mang tính chất quốc gia. Hơn nữa, thông qua chương trình IPP giai đoạn 2, năng lực quản lý ĐMST, đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động KHCN sẽ được tăng cường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.