Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy chồng ngoại quốc (tiếp theo)

Nguyễn Ngọc Tiến| 20/06/2011 06:25

(HNM) - Chuyện lấy chồng Tây ngoài tình yêu, thù ghét chế độ phong kiến còn có nguyên nhân kinh tế, đòi quyền "bình đẳng"... Bây giờ chuyện con gái Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng lấy chồng người nước ngoài được luật pháp quy định rõ ràng. Tuy nhiên... Nguyên nhân "phá rào"

Trải qua nhiều triều đại phong kiến, phụ nữ Việt Nam thường vẫn xem trọng "tam tòng tứ đức" và rồi "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Đến thời thực dân Pháp đô hộ, lấy chồng Tây bị coi là lấy kẻ xâm lược, bị khinh rẻ... Chuyện chồng Tây, vợ Việt trở thành đề tài cho báo chí và văn học Việt Nam (giai đoạn 1930-1945) khai thác. Vũ Trọng Phụng có tiểu thuyết "Kỹ nghệ lấy Tây". Trong truyện ngắn "Oẳn tà oằn" của Nguyễn Công Hoan đăng trên Phổ thông bán nguyệt san số 13 ra ngày 1-12-1937 đoạn kết như sau: "Nguyệt nhắm nghiền đôi mắt lại, vắt tay lên trán để che mặt. Bắc nhìn kỹ cái tóc, cái mặt, cái mũi con... Rồi giở bọc ra ngắm cả người thằng bé... Ngắm xong, bọc cẩn thận trả lại, chàng từ từ lui ra, thở dài một cái rõ dài, nét mặt thất vọng. Té ra thằng bé con chàng mà nước da lại đen như cột nhà cháy! Vậy nó không phải con Rồng cháu Tiên. Nó là giống Oẳn tà roằn không biết chống gậy". Luật lệ khắt khe, bị xã hội lên án và chỉ trích nhưng tại sao số phụ nữ lấy chồng Tây vẫn tăng mà không giảm?

Bằng Lăng cùng chồng và con.

Năm 1930, Trường Sarrau ở Hà Nội dành cho con cái người Pháp, con nhà giàu người Việt có 841 học sinh trong đó có 68 con lai. Trẻ con lai mồ côi cha và không có người Pháp đỡ đầu đã có trường riêng, con gái học ở Trường Riquier (đầu phố Nguyễn Du) con trai học ở Sergent Larrivee' (đầu phố Nguyễn Công Trứ). Ở phố Ngọc Hà có hơn 30 nóc nhà (từ số 44 đến 110) và 3 ngõ nhỏ có xóm me Tây. Đó là những người phụ nữ sống dựa vào lính tráng người Âu - Phi đóng ở trong thành. Họ là vợ thực thụ, vợ chuyên nghiệp, nhưng thay đổi chồng theo thời hạn đóng quân của những người lính ngoại quốc này. Theo thống kê của bác sỹ Đồ Xuân Hợp và H.Huard, năm 1943, Đông Dương có khoảng 6.000 con lai Âu - Á nhưng thực tế còn cao hơn nhiều con số mà chính quyền công bố. Theo quan sát của hai người, số con lai ở Hà Nội thực tế tăng lên nhiều. Trong 100 đứa trẻ sinh ra được hưởng quy chế châu Âu thì số trẻ lai Âu - Á là 32 trong những năm 1922-1932 và chiếm 44 trong những năm 1933-1943. Phố Phan Đình Phùng đoạn nhìn sang cổng thành cửa Bắc có dãy nhà 1 tầng trước đó làm cho me Tây thuê.

Báo "Tri tân" năm 1942 có bài của Doãn Kế Thiện thuật lại chuyện một cô gái Việt Nam ở Ngọc Hà lấy chồng Tây để báo thù một cường hào đã bức tử người cha của mình. Trong nhà cô có điện thờ Phật và một nhà Nho đã tặng đôi câu đối hay: "Túc đế vãn cung như ý Phật. Kỳ duyên tiểu ngộ cập bì tiên" (cập bì tiên là Capitaine - đại úy). Phải chăng đây cũng là một nguyên nhân?

Đầu năm 2011, một cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành đã thu hút được bạn đọc có tên "Người con lai Phi châu". Cuốn sách kể lại hành trình vất vả đi tìm người mẹ Việt Nam của Jansen Moutti. Jansen Moutti sinh năm 1952, cha là lính châu Phi đánh thuê cho thực dân Pháp, mẹ là Nguyễn Thị Loan, nữ quân báo của Việt Minh. Loan đã tham gia vào đội du kích của làng Phương Liệt (nay là phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) từ khi còn thiếu niên. Sau đó vào Trung đội Nguyễn Huệ thuộc Đại đội 298, Tiểu đoàn 250A, Trung đoàn 35. Do có nhan sắc, Loan được chọn vào hoạt động ở Tiểu đội Quân báo, với nhiệm vụ đưa tin tức kháng chiến từ Phương Liệt vào nội thành và lấy thông tin từ những đồn, bốt địch đóng ở nội thành. Cuối tháng 1-1950, giặc càn, phần lớn chiến sỹ của trung đội sa vào tay giặc, trong đó có Nguyễn Thị Loan. Dùng tất cả những hình thức tra tấn dã man nhưng quân thù không khai thác được gì. Biết không moi được thông tin, quân Pháp định đem Loan ra hành quyết trước đình làng để thị uy. Thế nhưng, việc xử bắn Loan đã bị bãi bỏ vì người lính da đen kia nằng nặc xin với chỉ huy của mình để anh ta có cách khuất phục cô. Và cũng chính nhờ sự bảo lãnh của người lính da đen ấy, Loan được trả tự do. Thoát khỏi chốn lao tù được ít lâu, Loan nhận được một đề nghị cầu hôn từ người vừa cứu mạng mình. Trong lời cầu hôn, người lính da đen nói rằng, chính bởi sự gan dạ trong chốn lao ngục của Loan làm anh ngưỡng mộ và rồi sự ngưỡng mộ lớn dần thành tình yêu. Cảm kích vì nghĩa, lại thêm suy nghĩ đây sẽ là cơ hội tốt cho công việc của mình, được sự đồng ý của tổ chức, Loan đã nhận lời... Làm "me Tây" Loan đã phải chịu rất nhiều điều tiếng. Thế nhưng, cũng chính từ những ngày "theo chồng" những thông tin về hàng ngũ địch do Loan bí mật chuyển về ngày càng nhiều thêm. Sau năm 1954, tuy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng Loan vẫn không cách nào "gột rửa" được những tiếng "xấu" mà mọi người nghĩ về mình. Năm 1954, người chồng mang con trai về châu Phi còn Loan chuyển vào Nam sinh sống, lấy tên khác. Từ đó người Phương Liệt bặt tin cô. Cuộc tìm kiếm của Moutti vô cùng khó khăn, thậm chí tìm được rồi nhưng bà Loan vẫn còn đắn đo, do dự vì bà đã có chồng khác và có con. Nhưng cuối cùng bà gặp lại con trai vào ngày 7-5-2002 sau 50 năm xa cách. Ngày 15-5-2002, Moutti đưa mẹ và em gái trở lại Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên cuộc nội chiến xảy ra ở đây đã khiến mẹ con ông phải xa nhau... Trong nỗi nhớ da diết, Moutti đã viết cuốn "Người con lai Phi Châu" như một cuốn nhật ký đặc biệt về cuộc hành trình tìm kiếm đầy cảm động và cũng là món quà dâng tặng người mẹ Việt Nam. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, quan hệ với người nước ngoài là cả vấn đề nên lấy vợ hay chồng người nước ngoài không dễ dàng. Chuyện anh Đô lấy vợ người Thụy Điển là câu chuyện...

Khi còn là sinh viên, chị đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tốt nghiệp đại học cũng là lúc Chính phủ Thụy Điển giúp đỡ Việt Nam xây dựng Nhà máy Giấy Bãi Bằng (ở Phú Thọ), chị đăng ký làm việc cho dự án này. Việt Nam hấp dẫn chị ngay từ ngày đầu bởi phong cảnh và cuộc sống khá thanh bình. Anh học đại học ở Tiệp Khắc, về nước làm việc ở Bộ Ngoại giao. Đẹp trai với dáng vẻ rất đàn ông nên anh dễ dàng quen với một số giáo viên người Tiệp Khắc đang dạy ở Đại học Ngoại ngữ. Anh thường xuyên cùng đám bạn Tây Đông Âu uống bia và trong một lần anh đã gặp chị. Từ quý mến rồi đến tình yêu. Song thời bao cấp, yêu người nước ngoài là không dễ, lại càng khó hơn với một công chức ngoại giao. Tối tối, chị đứng bên cửa sổ tầng hai ở khách sạn Thống Nhất (nay là khách sạn Metropole phố Ngô Quyền), nhìn xuống đường, thấy anh đạp xe qua là chị lặng lẽ lấy xe đạp theo sau. Hai người thường xuyên ra quán cà phê ở góc ngã tư phố Hàng Dầu - Lò Sũ. Ngồi chung bàn và đối diện nhau nhưng không nói chuyện bằng lời mà chỉ bằng ánh mắt. Trước lúc chia tay, cả hai bí mật luồn tay xuống gầm bàn trao thư. Có lần hẹn nhau ở Bờ Hồ, chị phải ăn mặc như phụ nữ Việt Nam, để che bộ tóc bạch kim chị đội nón dù trời không mưa. Tình yêu kiểu như vậy kéo dài gần hai năm. Khi chị đặt vấn đề cưới, anh lảng tránh. Chị không hiểu nổi còn anh lại không thể giải thích là công chức ngoại giao không được lấy vợ hay lấy chồng người nước ngoài. Chị tự tìm đến chỗ mẹ anh (mẹ anh là nhân viên văn phòng của ông Nguyễn Cơ Thạch - thời kỳ này ông Nguyễn Cơ Thạch là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) để hỏi cho ra nhẽ, song bị bà tảng lờ. Khi hiểu được vấn đề, chị quyết định viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Người dịch bức thư sang tiếng Việt tên là Thắng (làm việc ở Cục Phục vụ ngoại giao đoàn). Đọc thư, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có ý kiến với cơ quan để hai người lấy nhau. Anh làm đơn tự nguyện xin ra khỏi ngành... Họ cưới nhau vào năm 1982. Lễ cưới được tổ chức tại hội trường Ủy ban nhân dân quận Ba Đình (phố Nguyễn Thái Học - nay là Đại sứ quán Isarael). Cưới xong anh chị về Thụy Điển. Năm 1985 chị lại ký hợp đồng làm việc cho Nhà máy Giấy Bãi Bằng, cả hai lại trở về Việt Nam. Khi ấy, mọi chuyện dễ dàng hơn. Anh chị lúc ở Thụy Điển, khi ở Việt Nam. Khi Chính phủ Thụy Điển mở Văn phòng Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Hà Nội, anh Đô làm việc cho tổ chức này...

Chuyện lấy chồng Tây ngoài tình yêu, thù ghét chế độ phong kiến còn có nguyên nhân kinh tế, đòi quyền "bình đẳng"... Bây giờ chuyện con gái Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng lấy chồng người nước ngoài được luật pháp quy định rõ ràng. Tuy nhiên ở đâu đó trên đất Việt Nam, vẫn còn cảnh các cô ngồi xếp hàng cho người nước ngoài chọn vợ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy chồng ngoại quốc (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.