Thấy vị trung tá liên tục thông báo điện thoại hết tiền, gợi ý bán gạo của đơn vị với giá rẻ giật mình, ông chủ trang trại 46 tuổi nghi đã gặp nhóm lừa đảo nên bí mật báo công an lên kế hoạch giăng bẫy.
Một ngày cuối tháng 8, vợ chồng anh Lê Văn Chung (46 tuổi) đang ở nhà thì có 3 người đàn ông mặc quân phục đi xe máy tới, giới thiệu đang làm nhiệm vụ. Anh Chung ân cần tiếp đón và 3 người nhận là "đại úy" Ngô Việt Anh, "trung tá" Đào Thanh Hải, "trung tá" Nguyễn Văn Hòa công tác tại Lữ đoàn 206.
Họ nói được đơn vị cử đi xây dựng cột phát sóng điện thoại. Ưng ý vuông đất trong khu vườn của anh Chung, họ trả phí 4,5 triệu đồng tiền thuê đất trong một tháng. Gia đình anh Chung được nhận trước tiền trong vài năm, tổng cộng 180 triệu đồng.
Ba ngày sau, nhóm sĩ quan quân đội tiếp tục quay trở lại. Trong cuộc trò chuyện rôm rả, "trung tá" Ngô Việt Anh khơi chuyện với vợ chồng anh Chung rằng đơn vị đang tồn hơn 10 tấn gạo, ngô. Nếu gia đình anh Chung có nhu cầu sẽ bán lại với giá rẻ chỉ 5.000 đồng một cân. Họ biếu gia đình anh 50 kg gạo để kiểm chứng chất lượng.
Nhận gạo khuyến mại nhưng anh Chung không thấy vui mà lại nghi ngờ nhóm sĩ quan quân đội này nên báo cảnh sát. "Họ nghĩ tôi cắn câu nên liên tục nhắn tin và gọi điện thoại, giục chuẩn bị trước 40 triệu đồng", anh Chung kể và giơ máy cho xem tin nhắn của có nội dung: "Anh chị ăn tối chưa, công việc sao rồi anh điện em nói chuyện anh tý".
Anh Chung được công an khen ngợi vì tinh thần mưu trí, cảnh giác với tội phạm. Ảnh: Hải Bình |
Theo anh Chung, một chi tiết nữa càng củng cố nghi ngờ là 3 vị sĩ quan này trong lúc liên lạc thường nháy máy để anh gọi lại. "Tôi nghĩ với cán bộ quân đội thật sự đi làm việc thì ít khi máy điện thoại liên tục hết tiền", anh Chung lập luận.
Dù nghi ngờ nhưng anh Chung vẫn từ tốn giao tiếp, thông báo với "đại úy" Ngô Việt Anh rằng đã chuẩn bị 40 triệu đồng mua gạo. 3 sĩ quan hẹn sáng 23/8 sẽ qua đón vợ chồng anh.
Những cuộc điện thoại và tin nhắn trên đều được cảnh sát theo dõi. Sẵn trong vườn có nhiều ao cá, anh Chung và cảnh sát thống nhất dựng kịch bản vào sáng 23/8 anh Chung thuê người tới ao đánh cá đột xuất với lý do cá bị chết hàng loạt.
9h ngày 23/8, "đại úy" Ngô Việt Anh và "trung tá" Đào Thanh Hải đi xe máy vào nhà anh Chung. Anh Chung thông báo vừa xảy ra sự cố với ao cá nên chưa đi được. Hai vị sĩ quan đề nghị anh Chung viết giấy biên nhận với nội dung: "Tôi Lê Văn Chung có mua của đơn vị 12 tấn ngô và gạo. Tôi đã trả cho đơn vị 40 triệu đồng. Số tiền còn lại khất sau khoảng 15 ngày tôi sẽ thanh toán đủ".
Khi nhận 40 triệu đồng, "đại úy" Việt Anh hứa sẽ sớm quay trở lại để đưa vợ chồng anh Chung đi nhận gạo. Vừa dứt lời, anh ta bị cảnh sát ập vào bắt giữ. "Trung tá" Hải đang ngồi trên xe máy nổ máy sẵn cũng bị khống chế. Người thứ ba trong nhóm là "trung tá" Hòa đang đợi trên đường mòn Hồ Chí Minh cách đó gần 20 cây số cũng bị cảnh sát bắt.
Giấy biên nhận và tang vật của nhóm lừa đảo. Ảnh: Hải Bình |
Ba nghi can nhận là những kẻ giả danh. Vương Hồng Thanh (56 tuổi) đóng vai "trung tá" Nguyễn Văn Hòa - phó chỉ huy trưởng lữ đoàn 206; Ngô Văn Chung (48 tuổi) đóng vai "trung tá" Đào Thanh Hải; còn Vương Văn Thành (39 tuổi) giả là "đại úy" Ngô Việt Anh. Các nghi can đều từng đi tù do lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cùng trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội.
Chúng khai thăm dò kỹ khi tiếp cận anh Chung để thực hiện kế hoạch lừa đảo. Trước đó, chúng đã nhiều lần gây án trót lọt với thủ đoạn tương tự.
Anh Chung tâm sự, đọc báo và xem tivi thấy thông tin các vụ lừa đảo nên đã cảnh giác. Theo ông Trần Văn Sơn (Trưởng Công an xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ), tinh thần cảnh giác tố giác tội phạm và mưu trí cùng công an bắt giữ nhóm lừa đảo của Chung là đáng khen ngợi, không phải người dân nào cũng làm được.
"Công an xã đã đề nghị cấp trên khen thưởng cho anh Chung", vị trưởng công an xã cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.