(HNM) - Yêu cầu UBND thành phố chuẩn bị chu đáo, toàn diện hơn khi thống kê danh mục, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trước thực trạng quản lý biệt thự, các công trình kiến trúc cũ trên địa bàn hiện nay...
Cần thống kê đầy đủ để làm căn cứ quản lý
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, thành phố hiện có 1.540 nhà biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu được xếp hạng từ loại 1 đến loại 3. Trên cơ sở kết quả rà soát, phân loại, thành phố đề xuất đưa 157 biệt thự tiêu biểu (trong tổng số 229 biệt thự loại 1) là loại biệt thự có giá trị nhất về kiến trúc, văn hóa và có quy mô vừa phải phù hợp với năng lực bảo tồn. Các biệt thự còn lại, thành phố không đưa vào nghị quyết mà để làm căn cứ quản lý theo quy định.
Một biệt thự cũ trên phố Nguyễn Du. Ảnh: Bảo Lâm |
Tuy nhiên, đề xuất này đã không nhận được sự đồng thuận của các đại biểu HĐND thành phố. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND đề nghị, khi ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa thì phải ban hành kèm theo danh mục về biệt thự cũ, các công trình xây dựng trước năm 1954 để làm căn cứ quản lý. Theo đại biểu, danh mục biệt thự cũ không nên gói gọn trong 157 biệt thự tiêu biểu theo lựa chọn của UBND thành phố mà phải bao gồm toàn bộ cả 3 loại biệt thự như đã xếp hạng và thẩm định, nếu không thì hàng loạt biệt thự cũ có nguy cơ được bán đi để xây dựng các công trình khác.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Nguyễn Xuân Diên dẫn chứng, tại số nhà 31, 33, 35A, 35B phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) có tới 3 biệt thự cũ đã bị một ngân hàng tự ý san phẳng trái phép sau khi mua gom từ các hộ dân. Đại biểu cũng đề nghị thành phố trả lời rõ về tình trạng vi phạm trong quản lý biệt thự, để tránh tình trạng quản lý trên giấy bởi trên thực tế trong tổng số 1.540 biệt thự đã thống kê, đến nay nhiều căn đã bị phá dỡ hoàn toàn. Đó là chưa kể phạm vi thống kê mới chỉ dừng ở 4 quận cũ mà chưa mở rộng ra khắp địa bàn thành phố như quy định.
Tương tự, đối với danh mục các công trình xây dựng trước năm 1954, các ý kiến cũng chỉ rõ hiện thành phố mới tập trung nghiên cứu ở khu vực phố cũ thuộc phía Nam quận Hoàn Kiếm và phía Đông quận Ba Đình (khu vực quanh Trung tâm chính trị Ba Đình). Trong khi đó, trên địa bàn còn nhiều công trình kiến trúc khác được xây dựng trước năm 1954 có giá trị như: Cầu Long Biên, Nhà thờ lớn Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Bách khoa Hà Nội hay các công trình công cộng trong khu hành chính thành phố tại quận Hà Đông vẫn chưa được tổng hợp, nghiên cứu. Đây là những lỗ hổng phải được bổ sung kịp thời nếu không các công trình này sẽ dần xuống cấp, thậm chí biến mất cùng với thời gian.
Tránh quản lý... trên giấy
Bên cạnh một Hà Nội 36 phố phường, Hà Nội còn được nhiều du khách nhớ tới với những công trình độc đáo, mang đậm nét kiến trúc Pháp nhưng vẫn ẩn chứa vẻ đẹp truyền thống Phương Đông. Những giá trị văn hóa của kiến trúc Pháp cổ tại Hà Nội đã được khẳng định nhiều lần, với nhiều người đó là những "di sản đô thị" cần được quản lý đặc biệt.
Để bảo tồn, gìn giữ vốn quý này, từ năm 2008 HĐND thành phố đã có nghị quyết về Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn, thế nhưng đến nay, không ít công trình đã bị xóa sổ hoàn toàn hoặc trong tình trạng chắp vá. Thành phố cũng đã tiến hành bán các biệt thự cổ có diện tích dưới 500m2 cho người dân. Theo đó, đã có 3.500 hộ gia đình sử dụng nhà trong 642 căn biệt thự thuộc diện bán đã được giải quyết mua nhà theo Nghị định 61/CP và Nghị quyết của HĐND thành phố. Mặc dù khi được mua nhà, các hộ gia đình đều được thông báo nhà nằm trong danh mục đề án quản lý tuy nhiên, do thành phố chưa quy định điều kiện quản lý bảo tồn theo đề án kèm hồ sơ bán nhà khi giải quyết theo Nghị định 61/CP nên không ít biệt thự trong số này đã bị phá dỡ hoàn toàn. Được biết, trong danh mục 1.540 biệt thự thành phố thống kê, đến thời điểm hiện tại đã có tới 210 công trình bị phá dỡ hoàn toàn, bị biến dạng.
Chính vì vậy, việc HĐND thành phố quyết nghị dừng chưa thông qua danh mục biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 để yêu cầu rà soát, thống kê phân loại chính xác đã nhận được sự đồng tình của đông đảo cử tri. Không nên và không thể quản lý những "di sản đô thị" của thành phố trên giấy tờ, sổ sách khi thực tế những công trình này có sự biến động không ngừng. Tuy nhiên, cử tri cũng mong muốn thành phố sớm có biện pháp xử lý các biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954, không để quá muộn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.